Ban đại diện cha mẹ học sinh và yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”
Là một tổ chức tự nguyện, ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) kết nối, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Tuy nhiên, ban đại diện CMHS chỉ hoạt động hiệu quả khi phát huy đúng vai trò của mình.
Khi phụ huynh đồng thuận
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp thành lập vào tháng 11/2000. Lúc mới thành lập, trường chỉ có 6 phòng học bằng vách gỗ cũ, nền đất, cùng một phòng làm việc cho Ban Giám hiệu rộng 18m². Khi ấy, trường có 297 học sinh chia thành 12 lớp.
Thời gian qua, cùng sự đầu tư của Nhà nước, phụ huynh của trường đã đóng góp tích cực, giúp trường xây dựng cơ sở vật chất, khuôn viên, từng bước hoàn thiện hệ thống trường, lớp xanh, sạch, đẹp.
Tính từ năm 2012 đến nay, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, phụ huynh đã chung tay góp công, góp sức hỗ trợ nhà trường xây dựng các công trình như: nhà đa năng, lát gạch sân trường, vỉa hè, tạo khu vui chơi cho học sinh, xây nhà chờ và khu giáo dục thể chất... Phụ huynh còn chung tay xây dựng 3 phòng học, trang bị ti vi, máy tính cho các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Riêng năm học 2023-2024, phụ huynh đóng góp xây dựng 2 khu nhà vệ sinh tại điểm chính và điểm lẻ; cải tạo khu vui chơi cho học sinh…
Bà Trịnh Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho hay: "Những năm qua, trường luôn nhận được sự quan tâm tích cực từ phụ huynh. Phụ huynh không chỉ phối hợp để nâng cao chất lượng dạy học mà còn góp phần vào công tác xã hội hóa, giúp nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh. Phụ huynh sẵn sàng tham gia đóng góp ngày công hỗ trợ nhà trường dọn dẹp trường lớp vào đầu mỗi năm học”.
Cũng theo bà Hồng, hàng năm, dựa trên nhu cầu thực tế của trường, phụ huynh chủ động huy động để thực hiện các hạng mục cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em mình. Trong quá trình triển khai, ban đại diện CMHS bảo đảm công khai, minh bạch và chỉ tiến hành khi đã đạt được sự đồng thuận cao từ phụ huynh. Khi các công trình được đưa vào sử dụng, phụ huynh nhận thấy rõ lợi ích mang lại cho con em mình, từ đó càng phấn khởi và quan tâm, hỗ trợ tích cực các hoạt động của nhà trường.
Công tác xã hội hóa không chỉ giúp nâng cao cơ sở vật chất mà còn thúc đẩy chất lượng giáo dục và hoạt động giảng dạy. Đến nay, trường có 558 học sinh các khối lớp. Tỷ lệ học sinh hoàn thành lớp học và bậc học hàng năm đạt trên 99%. Trường là một trong những điểm sáng về các hoạt động đổi mới dạy và học bậc tiểu học của tỉnh.
Trợ lực để trường nâng cao chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa ngày càng được nâng cao; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp không ngừng tăng. Để động viên, khuyến khích nhà trường tổ chức khen thưởng kịp thời học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Nguồn kinh phí khen thưởng từ sự đóng góp của phụ huynh thông qua Quỹ khuyến học.
Ông Phạm Hải Long, Trưởng Ban đại diện CMHS Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh cho biết, hàng năm, Ban đại diện luôn theo sát tình hình thực tế của nhà trường để có những hỗ trợ phù hợp. Với đặc thù là trường chuyên có nhiều học sinh giỏi, ban chú trọng đến hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Việc kêu gọi phụ huynh đóng góp và chi quỹ khuyến học đều được thực hiện công khai, minh bạch. Phụ huynh khi hiểu rõ mục đích đóng góp để phục vụ cho chính con em mình đều ủng hộ nhiệt tình. Đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn có các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm hoặc đóng góp một phần, không ép buộc.
Ông Phạm Hải Long, Trưởng Ban đại diện CMHS Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh
Nhờ vào sự minh bạch và sự đồng thuận từ phía phụ huynh, các hoạt động hỗ trợ học sinh tại trường diễn ra rất suôn sẻ. Phụ huynh nào chưa rõ về các khoản đóng góp đều được giải thích chi tiết và tận tình. Nhờ đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban đại diện CMHS và nhà trường tạo nên sự đồng lòng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.
Ông Long cũng cho biết: “Các buổi họp phụ huynh không chỉ là dịp để thông báo tình hình học tập của học sinh mà còn là cơ hội để phụ huynh cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, phối hợp với nhà trường để giúp con em học tốt và hỗ trợ các hoạt động giáo dục của trường hiệu quả hơn”.
Theo kinh nghiệm của ông Long mục tiêu của các khoản thu, chi là để phục vụ cho sự phát triển của học sinh và nhà trường. Điều này chỉ có thể đạt được khi tất cả các hoạt động đều diễn ra công khai, minh bạch, đúng mục đích. Vì vậy, các kế hoạch thu, chi được Ban đại diện CMHS lên kế hoạch cụ thể, triển khai rõ ràng để phụ huynh đều hiểu thấu đáo và đồng thuận.
Việc phụ huynh đồng hành cùng nhà trường không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính mà còn là sự hỗ trợ về mặt tinh thần, tạo nên một môi trường học tập tốt cho con em. Với sự phối hợp đồng bộ và sự ủng hộ mạnh mẽ từ phụ huynh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh không chỉ nâng cao được chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh Tạ Ngọc Bảo chia sẻ: “Từ Quỹ khuyến học của Ban đại diện CMHS, mỗi năm, trường tổ chức trao từ 100-120 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh vượt khó học giỏi, đoạt các giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đây không chỉ là nguồn động viên tinh thần mà còn là động lực để các em phấn đấu trong học tập, khơi dậy tinh thần thi đua trong toàn thể học sinh. Đây cũng là trợ lực để nhà trường thuận lợi hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng như toàn diện”.
Ông Bảo cho rằng, việc Ban đại diện CMHS bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình thu, chi cũng là yếu tố quyết định sự thành công của các hoạt động xã hội hóa, giúp trường cải thiện điều kiện dạy và học. Sự minh bạch này giúp tạo niềm tin cho phụ huynh và tránh được những bất đồng không đáng có. Từ đó, phụ huynh cảm thấy yên tâm khi đóng góp và hỗ trợ trường học, giúp các hoạt động diễn ra thuận lợi hơn. Nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban đại diện CMHS và nhà trường, môi trường học tập trở nên tốt hơn, giúp học sinh không chỉ học tập hiệu quả mà còn được khuyến khích phát triển năng lực bản thân trong một môi trường được đầu tư đúng mức.
Cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh
Ban đại diện CMHS được thành lập tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các cơ sở giáo dục có tổ chức học sinh, hoạt động dựa trên điều lệ quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/11/2011. Cơ cấu tổ chức của ban đại diện gồm hai cấp: ban đại diện CMHS lớp và ban đại diện CMHS cấp trường. Nhiệm kỳ của các ban này kéo dài trong một năm học và có thể được bầu lại nếu cần.
Ban đại diện CMHS có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện. Đồng thời, ban tổ chức các buổi họp phụ huynh nhằm thảo luận về tình hình học tập, nền nếp, và các hoạt động của nhà trường. Ban đại diện CMHS còn đóng vai trò phản ánh ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh đến nhà trường, tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách và kế hoạch hoạt động.
Ngoài ra, ban đại diện còn tham gia vận động tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa để cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho nhà trường. Tuy nhiên, tất cả các khoản đóng góp đều phải là tự nguyện và công khai, minh bạch, không ép buộc hay thu các khoản ngoài quy định.
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT ra đời nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, minh bạch, ngăn chặn tình trạng lạm thu và khuyến khích sự tham gia tích cực của phụ huynh trong quá trình giáo dục học sinh.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông
Thực tế, những năm qua, nhiều ban đại diện CMHS đã phát huy tốt vai trò của mình, hỗ trợ nhà trường trong việc tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khen thưởng học sinh có thành tích cao hay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn đã mang lại những hiệu quả tích cực. Nhiều trường học thực hiện xã hội hóa hiệu quả mang lại những lợi ích thiết thực, giúp nhà trường từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị, bảo đảm nhu cầu học tập tốt nhất cho học sinh trên địa bàn.
Độc lập và minh bạch trong các hoạt động
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên vai trò của ban đại diện CMHS hiện nay ở một số cơ sở giáo dục còn mờ nhạt. Hoạt động của một số ban đại diện CMHS còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: thiếu sự đồng thuận, tham gia không đồng đều của phụ huynh; năng lực tổ chức của ban đại diện CMHS còn yếu… Ban đại diện CMHS đôi khi chưa có kế hoạch cụ thể hoặc phương pháp quản lý hiệu quả trong việc huy động và sử dụng nguồn lực. Điều này, dẫn đến tình trạng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích các nguồn quỹ...
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, trong những năm qua, ngành Giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục vào đầu mỗi năm học nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm liên quan đến thu, chi không đúng quy định. Ngành Giáo dục tăng cường thanh, kiểm tra bảo đảm các trường học thực hiện thu chi một cách minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật, giảm bớt tình trạng lạm thu, gây áp lực lên phụ huynh và học sinh.
Để phát huy hiệu quả vai trò của mình, ban đại diện CMHS cần nắm rõ các quy định tại Thông tư 55, bảo đảm tính độc lập và minh bạch trong các hoạt động. Yếu tố cốt lõi để nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của ban đại diện CMHS là sự minh bạch và công khai trong việc thu, chi các khoản đóng góp. Việc này giúp giải quyết những lo lắng, bức xúc từ phía phụ huynh.
Nhà trường và ban đại diện CMHS cùng nhau thảo luận, lắng nghe ý kiến của phụ huynh trước khi ra quyết định, bảo đảm mọi khoản thu đều có kế hoạch, công khai rõ ràng. Kế hoạch chi, tiêu được trình bày cụ thể trong mỗi cuộc họp, giúp phụ huynh nắm bắt mục tiêu và mục đích của các khoản đóng góp. Điều này không chỉ tạo ra sự minh bạch mà còn giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về những lợi ích mà các khoản đóng góp mang lại cho con em mình.
Cũng theo ông Hải, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở triển khai một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện CMHS, nhất là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, tránh tình trạng ban đại diện CMHS hoạt động mang tính hình thức.
Các cơ sở giáo dục tăng cường phổ biến, tuyên truyền về vai trò và hoạt động của ban đại diện CMHS. Ban đại diện CMHS cần xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch của nhà trường.
Ban đại diện CMHS định hướng và tham gia vào các hoạt động liên quan đến giáo dục như: vận động học sinh bỏ học trở lại trường, kiểm tra việc học tập tại nhà, tham gia các hoạt động cộng đồng, cũng như các sinh hoạt lớp vào cuối tháng. Đối với những phụ huynh gặp khó khăn, ban đại diện CMHS linh hoạt trong chính sách hỗ trợ như: miễn giảm hoặc cho phép đóng góp dưới hình thức khác thay vì tài chính. Điều này khuyến khích sự tham gia từ mọi đối tượng phụ huynh và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.