Ban Chỉ đạo thu nợ, cưỡng chế nợ thuế: Triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý tình trạng nợ đọng

Nguyễn Lương thực hiện| 22/10/2012 15:54

Trước tình trạng số nợ đọng thuế ngày càng tăng cao, ngày 12/9/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1155/QÐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thu nợ và cưỡng chế nợ thuế (CÐTN&CCNT)...

ADQuảng cáo

Trước tình trạng số nợ đọng thuế ngày càng tăng cao, ngày 12/9/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1155/QÐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thu nợ và cưỡng chế nợ thuế (CÐTN&CCNT). Ðể hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, cũng như việc triển khai các giải pháp xử lý nợ đọng của Ban CÐTN&CCNT, Phóng viên (PV) Báo Ðắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban CÐTN&CCNT xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết chức năng chính của Ban CÐTN&CCNT là như thế nào?

Ông Bùi Hữu Nghị: Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo tiến hành hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả của công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngoài ra, Ban sẽ thực hiện việc theo dõi thu hồi nợ đọng thuế và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình, kết quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để có biện pháp chỉ đạo thực hiện kịp thời hơn.

PV: Trong thời gian từ nay cho đến cuối năm, Ban CÐTN&CCNT sẽ triển khai những biện pháp gì để xử lý tình trạng nợ đọng thuế, thưa ông?

Ông Bùi Hữu Nghị: Quyết định 1155/QÐ-UBND về việc thành lập Ban CÐTN&CCNT năm 2012 là căn cứ để các cấp, các ngành có liên quan đồng tâm, đồng sức cùng ngành Thuế thực hiện có hiệu quả trong công tác kiềm chế số nợ đọng tăng cao. Chính vì vậy, Ban CÐTN&CCNT đã đề ra nhiều giải pháp sát thực, linh hoạt, cụ thể và chi tiết. Trước hết, Ban sẽ tập trung chỉ đạo sát sao việc xử lý từng nhóm nợ. Theo đó, đối với các khoản tiền nợ thuế của người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban sẽ tiến hành xác minh về người nộp thuế. Nếu người nộp thuế vẫn còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đang sinh sống tại địa phương thì tiến hành đôn đốc thu tiền thuế nợ theo đúng quy trình quản lý thu nợ thuế. Nếu phát hiện người nộp thuế hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc sinh sống tại địa phương khác với địa bàn quản lý thì Ban phối hợp với cơ quan thuế tại địa bàn nơi người nộp thuế đang đóng chân để đôn đốc thu tiền thuế nợ. Riêng những người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc không sinh sống tại địa bàn thì Ban sẽ thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú rồi gửi tới tòa án các cấp theo quy định. Còn đối với nhóm nợ chờ xử lý thì những khoản nợ nào được gia hạn nộp thuế, Ban sẽ theo dõi, tiến hành đôn đốc kịp thời nộp vào ngân sách Nhà nước. Ban cũng sẽ tích cực hướng dẫn cho người nộp thuế hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, thông báo gia hạn nộp thuế kịp thời đối với tiền thuế chờ được gia hạn. Ðối với nhóm nợ chờ điều chỉnh, cơ quan thuế sẽ phối hợp với kho bạc Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh những trường hợp sai sót do hạch toán nhầm, thất lạc chứng từ, người nộp thuế ghi sai các chỉ tiêu trên giấy nộp tiền... Ðặc biệt, đối với nhóm nợ dưới 90 ngày, Ban sẽ tiến hành thông báo, đôn đốc tiền thuế nợ và phạt chậm nộp đến tận tay các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Việc tham khảo các nguồn thông tin nội bộ, liên hệ qua điện thoại hoặc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế để thu hồi số tiền nợ tồn đọng cũng được Ban tập trung chú trọng. Ðối với số tiền thuế, tiền phạt nợ trên 90 ngày, Ban sẽ kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy trình cưỡng chế nợ thuế. Theo đó, công tác phối hợp với các ngành liên quan trong việc thực hiện linh hoạt các biện pháp cưỡng chế cũng sẽ được Ban chỉ đạo sâu sát, nhằm phấn đấu hàng tháng giảm nợ theo tỷ lệ đã giao và đến 31/12/2012 phải đạt được tỷ lệ nợ thuế dưới 10% so với tổng thu Ngân sách trên địa bàn.

PV: So với những giải pháp kiềm chế nợ đọng thuế trước đây thì các biện pháp mà Ban CÐTN &CCNT triển khai  có gì mới?

ADQuảng cáo

Ông Bùi Hữu Nghị: Thực tế thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan thuế và các cấp, ngành, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân cố tình chấy ỳ, dây dưa không nộp tiền thuế là chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, phải kể đến sự thiếu phối hợp trong việc thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tài khoản tiền gửi của các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng thương mại. Ðể công tác thu hồi nợ đọng đạt kết quả cao thì các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế năm 2012 đã được xây dựng linh hoạt và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bên. Theo đó, đối với đoàn đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế phải tiến hành xác minh thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác. Khi nắm bắt được thông tin về tài khoản, đoàn đôn đốc thu nợ đề nghị thủ trưởng cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế gửi tới các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để yêu cầu phong tỏa tài khoản. Ngay sau khi nhận được quyết định cưỡng chế nợ thuế do cơ quan thuế gửi đến thì các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải tiến hành phong tỏa ngay tài khoản của người nộp thuế. Trong thời gian 30 ngày, nếu tài khoản phát sinh có thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện trích nộp ngay vào ngân sách Nhà nước và thông báo kịp thời kết quả cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, sự linh hoạt còn được thể hiện ở việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Nếu trước đây việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải theo trình tự từ các biện pháp nhẹ đến các biện pháp mạnh thì hiện nay, đoàn cưỡng chế nợ đọng thuế được phép áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế nào có hiệu quả nhất, tùy theo các trường hợp vi phạm.

PV: Trong quá trình thực hiện các biện pháp kiềm chế nợ đọng phát sinh, ông có thể cho biết, Ban sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan như thế nào?

Ông Bùi Hữu Nghị: Có thể nói, nợ đọng thuế của một bộ phận doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trong thời gian vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu ngân sách trên toàn địa bàn. Ðể phấn đấu giảm thiểu số nợ đọng thuế xuống mức 10% so với tổng thu ngân sách năm 2012 thì công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành chức năng, hệ thống kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cũng như các cơ quan luật pháp trong công tác thu hồi các khoản nợ đọng tiền thuế là một điều rất cần thiết. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, các cấp cần chỉ đạo các phòng ban có liên quan tích cực phối hợp với chi cục thuế các huyện, thị trong việc tổ chức, đôn đốc thu nợ đọng và cưỡng chế nợ thuế. Ðối với cơ quan công an, Công an tỉnh phải chỉ đạo Phòng PC46 và công an các huyện, thị xã điều tra, xử lý các trường hợp nợ đọng thuế dây dưa, chây ỳ và có dấu hiệu tội phạm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh việc phối hợp với các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, truy tìm, xác minh các cơ sở kinh doanh nợ đọng thuế đã bỏ trốn, mất tích, không còn địa chỉ kinh doanh trên địa bàn, từ đó, xác lập hồ sơ pháp lý đề nghị cấp có thẩm quyền xóa nợ thuế theo quy định của pháp luật. Ðối với các tổ chức tín dụng cần cung cấp thông tin chính xác về các tổ chức, cá nhân nợ thuế, nhất là về tài sản của người nợ thuế đang cầm cố, thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng để kịp thời phục vụ cho công tác cưỡng chế nợ thuế. Riêng đối với các cơ quan thuế các cấp cần chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời đưa tin, bài, thông báo các trường hợp nợ đọng thuế dây dưa, kéo dài, cũng như kịp thời tuyên dương các trường hợp chấp hành tốt chính sách thuế của Nhà nước.

Với quyết tâm chỉ đạo kịp thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên của Ban CÐTN&CCNT, tôi hy vọng rằng, ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế sẽ được nâng cao, từng bước kiềm chế số nợ đọng thuế, góp phần phấn đấu hoàn thành mực tiêu thu ngân sách trong năm 2012.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo thu nợ, cưỡng chế nợ thuế: Triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý tình trạng nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO