Giải trí

Bài văn mẫu các dạng đề nghị luận văn học hay gặp

Hùng Cường05/03/2024 10:06

Dưới đây là những dạng đề thi quan trọng nhất phần nghị luận văn học nằm trong đề thi THPT Quốc gia. Khi nắm được các dạng đề thi các bạn có thể xác định được cách làm các dạng đề, để tránh không bị lạc đề, từ đó có thể viết văn được trôi chảy.

ADQuảng cáo

1. Tổng quan về phần Nghị luận văn học trong đề thi THPT Quốc Gia

a. Khái niệm

Nghị luận văn học được biết đến như một dạng văn bản sử dụng với mục đích bày tỏ sự cảm thụ về các tác phẩm văn học theo suy nghĩ của bản thân, đó là những lý lẽ nhằm đánh giá, phân tích, bàn luận về những vấn đề nằm trong lĩnh vực văn học giúp khám phá được thế giới nội tâm của tác giả, đồng thời cũng tìm ra được những giá trị có thể thuyết phục được người khác nghe dựa vào quan điểm và ý kiến cá nhân. Đây là phần vô cùng quan trọng trong khi ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn.

b. Một số yêu cầu chung cần nắm khi viết một bài văn Nghị luận văn học

- Tìm hiểu thật kỹ về tác giả, hoàn cảnh ra đời, năm tác phẩm đó ra đời.

- Tìm hiểu kỹ về tâm tình của tác giả.

- Các vấn đề cần bàn luận là những vấn đề liên quan đến văn học, có thể là về tác giả, tác phẩm hay những ý kiến nhận định về tác giả, tác phẩm và nhân vật xuất hiện trong tác phẩm.

- Đối với thể loại thơ thì cần lưu ý về hình thức như cách gieo vần, nhịp điệu, cấu trúc và những nghệ thuật ngôn từ… Đặc biệt lưu ý đến tính thẩm mỹ thể hiện trong tác phẩm.

- Đối với những tác phẩm văn xuôi thì cần lưu ý đến cốt truyện, tình tiết, nhân vật, tình huống truyện, hình tượng điển hình. Cần khai thác tối đa nội dung hiện thực cũng như nội dung tư tưởng trong tác phẩm kèm theo những thông điệp từ tác giả. Các dẫn chứng cần phải mang tính chính xác và có chọn lọc

den-va-xanh-duong-dam-chuyen-nghiep-de-xuat-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-ban-thuyet-trinh-su-menh-va-muc-tieu.jpg

2. Các dạng đề Văn thường gặp trong phần Nghị luận văn học đề thi THPT Quốc gia

Dạng 1: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về đoạn thơ, đoạn văn

Mẫu đề: Phân tích 8 câu thơ đầu "Tây Tiến" của tác giả Quang Dũng:

" Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

..... mưa xa khơi"

Hướng dẫn làm bài:

Quang Dũng là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông đặc biệt thành công khi viết về đề tài người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về người lính là bài thơ Tây Tiến. Cảm hứng chủ đạo trong suốt bài thơ là cảm hứng về nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ khó phai của đời người lính Tây Tiến được khắc họa thành công ở tám câu đầu của bài thơ:

" Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

.....mưa xa khơi"

Tây Tiến là 1 trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng. Nhắc đến nhà thơ, không ai không thể không nhớ đến Tây Tiến. Bởi lẽ nó đã gắn bó 1 thời sâu sắc với nhà thơ. Tây Tiến là 1 đơn vị bộ đội thời kháng chiến chống Pháp được thành lập năm 1947 làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng Thượng Lào, trấn giữ 1 vùng rộng lớn ở Tây Bắc nước ta và biên giới Việt Lào. Quang Dũng từng là đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến nhưng đến đầu năm 1948 vì yêu cầu nhiệm vụ ông chuyển sang đơn vị khác. Bài thơ được sáng tác cuối năm 1948 khi nhà thơ đóng quân ở Phù Lưu Chanh_ 1 làng ven bờ sông Đáy, nhớ về đơn vị cũ ông đã viết nên bài thơ. Lúc đầu, ông đặt bài thơ là Nhớ Tây Tiến nhưng về sau đổi lại thành Tây Tiến vì nhà thơ cho rằng chỉ với 2 từ Tây Tiến cũng đủ đã gợi lên nỗi nhớ là cảm hứng chủ đạo chứ không cần đến từ "nhớ". Là 1 người lính trẻ hào hoa, lãng mạn ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc, sống và chiến đấu nơi núi rừng gian khổ nhưng chất thi sĩ vẫn trào dâng mãnh liệt trong lòng nhà thơ. 1 thời gắn bó sâu đậm với Tây Tiến, với đồng đội, với núi rừng đã làm cho ông không khỏi bồi hồi, xúc động khi nỗi nhớ về Tây Tiến dâng trào trong kí ức của nhà thơ.

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi"

Câu thơ như tiếng gọi chân thành , tha thiết xuất phát từ trái tim và tâm hồn người thi sĩ. Bằng cách sử dụng câu cảm thán mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã gọi tên cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ cồn cào, da diết về núi rừng Tây Bắc. bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, câu thơ trở nên đẹp diệu kỳ. "Sông Mã" không đơn thuần là 1 con sông mà nó đã trở thành 1 hình ảnh hiện hữu, 1 chứng nhân lịch sử trong suốt cuộc đời người lính Tây Tiến với bao nỗi vui - buồn, được - mất. "Tây Tiến" không chỉ để gọi tên 1 đơn vị bộ đội mà nó đã trở thành 1 người bạn " tri âm tri kỉ" để nhà thơ giãi bày tâm sự.

"Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Câu thơ thứ 2 với điệp từ "nhớ" được lặp lại 2 lần đã diễn tả nỗi nhớ quay quắt, cồn cào đang ùa vào tâm trí Quang Dũng. tính từ "chơi vơi" kết hợp với từ "nhớ" đã khắc sâu được tình cảm nhớ nhung da diết của nhà thơ và nỗi nhớ đó như 1 cơn thác lũ tràn vào tâm trí nhà thơ đã đẩy ông vào trạng thái bồng bềnh, hư ảo. 2 câu đầu với cách dùng từ chọn lọc, gợi hình gợi cảm đã mở cửa cho nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

Quang Dũng đã liệt kê hàng loạt các địa danh như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông... Đó là địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến, những nơi họ đi qua và dừng chân trên bước đường hành quân gian khổ, mệt nhọc. Nói đến Tây Bắc, là nói đến vùng đất có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Có những đêm dài hành quân người lính Tây Tiến vất vả đi trong đêm dày đặc sương giăng, không nhìn rõ mặt nhau. "Đoàn quân mỏi" nhưng tinh thần không "mỏi". Bởi ý chí quyết tâm ra đi vì tổ quốc đã làm cho những trí thức Hà thành yêu nước trở nên kiên cường, bất khuất hơn. Quang Dũng đã rất tài tình khi đưa hình ảnh "sương" vào đây để khắc họa hơn sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc trong những đêm dài lạnh lẽo. Cũng miêu tả về "sương",

Chế Lan Viên cũng đã viết trong "Tiếng hát con tàu":

"Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"

Có lẽ thiên nhiên rất gắn bó với người lính Tây Bắc nên nó đã trở thành1 kí ức khó phai trong lòng nhà thơ. Thiên nhiên tuy có đẹp nhưng cũng rất hiểm trở. Có những lúc người lính Tây Tiến phải vất vả để trèo lên đỉnh chạm đến mây trời. Quang Dũng đã khéo léo sử dụng từ "thăm thẳm" mà không dùng từ "chót vót" bởi nói "chót vót" người ta còn có thể cảm nhận và thấy được bề sâu của nó nhưng "thăm thẳm" thì khó có ai có thể hình dung được nó sâu thế nào. Bằng những từ láy gợi hình ảnh rất cao như "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", nhà thơ đã làm cho người đọc cảm nhận được cái hoang sơ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc. Nhà thơ cũng rất trẻ trung, tinh nghịch khi đưa hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ " súng ngửi trời" để cho ta thấy bên cạnh thiên nhiên hiểm trở còn hiện lên hình ảnh người lính với tư thế oai phong lẫm liệt nơi núi rừng hoang vu. Câu thơ sử dụng nhiều thanh trắc đã tạo nên vẻ gân guốc, nhọc nhằn đã nhấn mạnh được cảnh quang thiên nhiên Tây Bắc thật cheo leo, hiểm trở

"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"

Điệp từ "ngàn thước" đã mở ra 1 không gian nhìn từ trên xuống cũng như từ dưới lên thật hùng vĩ, giăng mắc. Bên cạnh cái hiểm trở, hoang sơ ta cũng thấy được vẻ đẹp trữ tình nơi núi rừng:

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Có những cơn mưa rừng chợt đến đã để lại bao giá rét cho người lính Tây Tiến. Nhưng dưới ngòi bút của Quang Dũng, nó trở nên lãng mạn, trữ tình hơn. Nhà thơ đã thông minh , sáng tạo khi nói đến mưa rừng bằng cụm từ "mưa xa khơi". Nó gợi lên 1 cái gì đó rất kì bí, hoang sơ giữa chốn núi rừng. Câu thơ thứ 8 nhiều thanh bằng như làm dịu đi vẻ dữ dội, hiểm trở của núi rừng và mở ra 1 bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng đầy lãng mạn. 8 câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc, về đồng đội Tây Tiến nhưng qua những chi tiết đặc tả về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, nó đã trở thành 1 kí ức xa xôi trong tâm trí nhà thơ. Đó là 1 nỗi nhớ mãnh liệt của người lính Tây Tiến nói riêng và của những người lính nói chung. Bài thơ "Tây Tiến" dưới ngòi bút của lãng mạn, trữ tình của Quang Dũng đã trở thành 1 kiệt tác của mọi thời đại. Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ đó là cảm hứng về nỗi nhớ. Quang Dũng đã miêu tả nỗi nhớ đó bằng ngòi bút tài tình giàu chất nhạc, chất họa và đậm chất thơ. Bài thơ là 1 khúc nhạc của tâm hồn, của cuộc sống. Bởi thế, Xuân Diện thật chính xác khi cho rằng đọc bài thơ "Tây Tiến" như đang ngậm âm nhạc trong miệng. Bài thơ hay bởi lẽ nó được viết nên từ ngòi bút hào hoa, lãng mạn và của 1 người lính Tây Tiến nên nó có 1 cái rất riêng và đẹp. Mang chất lính nên Quang Dũng mới có thể viết nên những vần thơ hay như thế "Tây Tiến" là 1 bài thơ hay được viết nên bởi tâm hồn , tài hoa, lãng mạn của người lính trí thức tiểu tư sản Quang Dũng. Bài thơ như 1 bức tượng đài bất tử đã tạc vào nền văn học Việt Nam hình ảnh những người lính trí thức yêu nước vô danh. Bài thơ xứng đáng được xem là kiệt tác của Quang Dũng khi viết về người lính trí thức tiểu tư sản hào hoa, phong nhã.

Dạng 2: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về đoạn trích

Mẫu đề: Trong truyện ngắn mang tên Vợ chồng A Phủ, khi Mị bị A Sử trói vào cột, tác giả Tô Hoài có viết:

“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “ Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Từ đoạn văn phía trên, anh/chị hãy chỉ rõ hình ảnh của nhân vật Mị và về ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài

Hướng dẫn làm bài

I. Mở bài

Nếu đoạn đời sống trong địa ngục trần gian ở Hồng Ngài là sự giao tranh âm ỉ quyết liệt giữa số phận bi thảm và sức sống tiềm tàng của Mị, thì cảnh Mị bị A Sử trói đứng vào cột nhà trong bóng tối có thể xem như là hình ảnh thu nhỏ cô đúc và thấm thía của cuộc giao tranh đó. Chỉ có điều nó lại diễn ra trong tâm trạng chập chờn nửa mê, nửa tỉnh của cô gái, và Tô Hoài, như đã nhập thân vào nhân vật để viết nền một đoạn văn thật tinh tế, sâu sắc “Trong bóng tối... không bằng con ngựa”.

II. Thân bài

1. Giữa đoạn văn là một câu rất ngắn, chỉ có bốn chữ: Mị vùng bước đi Trên là âm thanh tiếng sáo, dưới là tiếng chân ngựa. “Mị vùng bước đi” như một cái bản lề khép mở hai thế giới, hai tâm trạng: thế giới của ước mơ với tiếng sáo rập rờn trong đầu và thế giới của hiện thực với tiếng chân ngựa đạp vào vách: tâm trạng của một cô Mị đang mê man chập chờn theo tiếng sáo gọi bạn tình và tâm trạng của một cô Mị đã tỉnh đang “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Thật cô đúc mà thấm thìa. Kiệm lời mà hàm chứa nhiều ý nghĩa.

2. Tiếng sáo: ước mơ - sức sống của Mị

“Mị vùng bước đi”. Câu văn ngỡ như không đúng mà lại rất đúng, lại tinh tế và sâu sắc. Làm sao Mị có thể vùng bước đi khi đã bị trói bằng cả một thúng sợi đay? Nhưng Mị đã vùng bước đi như một kẻ mộng du, như không biết mình đang bị trói. Bởi Mị đang sống với ước mơ, bằng ước mơ chứ không sống với hiện thực, bằng hiện thực. Mị đang sống với tiếng sáo của những đêm tình mùa xuân ngày trước, đang muốn tìm lại tuổi trẻ, tuổi xuân, tình yêu, hạnh phúc của mình. Hơi rượu còn nồng nàn, trong đầu Mị vẫn rập rờn tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Chính cái tiếng sáo ấy đã gọi Mị vùng bước đi về với cuộc sống thật của mình đã bị cướp mất trong cái địa ngục trần gian này. Mới biết sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đến nhường nào. Sức sống ấy khiến cô quên đi tất cả hiện thực xung quanh, không thấy, không nghe A Sử nói, không biết cả mình đang bị trói! Chỉ còn biết có tiếng sáo, chỉ còn sống với tiếng sáo, mê man chập chờn trong tiếng sáo. Xây dựng nên cái tâm trạng mê man như một kẻ mộng du đi theo tiếng sáo. Tô Hoài đã nói lên rất rõ và sâu sắc cái sức sống mãnh liệt đang trào dâng trong lòng cô lúc bấy giờ. Và tiếng sáo đã thành một biểu tượng sâu sắc và gợi cảm cho ước mơ và sức sống của Mị.

3. Tiếng chân ngựa: hiện thực – số phận của Mị

“Mị vùng bước đi”. Nhưng tay chân đau không cựa được. Tiếng sáo tắt ngay, ước mơ tan biến, và hiện thực trần trụi, phũ phàng hiện ra: chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Mị đã tỉnh hẳn khi dây trói thít chặt lại, đau nhức, và cay đắng nhận ra số phận của mình không bằng con ngựa. Cái dây trói kia chỉ làm đau thể xác. nhưng cái tiếng chân ngựa này mới thực sự xoáy sâu vào nỗi đau tinh thần của Mị khi nó gợi lên một sự so sánh thật nghiệt ngã, xót xa: thân phận con người mà không bằng thân trâu ngựa! Tiếng chân ngựa đã thành một biểu trưng giàu ý nghĩa cho hiện thực và số phận của Mị.

4. Ngòi bút miêu tả tinh tế, sâu sắc của Tô Hoài

- Tinh tế trong miêu tả tâm trạng nhân vật ở hai cảnh đối lập nhau: mê man chập chờn theo tiếng sáo như một kẻ mộng du dẫn đến hành động “vùng bước đi”; tỉnh lại và cay đắng xót xa “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa” - hai tâm trạng ấy tiếp nối nhau trong sự phát triển biện chứng để hoàn chỉnh chân dung và số phận nhân vật.

- Sâu sắc trong những chi tiết giàu ý nghĩa, đặc biệt là hai biểu trưng “tiếng sáo” và “tiếng chân ngựa” đối lập nhau và đầy ấn tượng.

III. Kết bài

Đoạn văn ngắn mà bật nổi được bức tranh tối - sáng của nhân vật (số phận và sức sống) một cách sinh động, gợi cảm và có chiều sâu, khiến ta càng hiểu thêm nhân vật, bút pháp Tô Hoài và nhất là tấm lòng đồng cảm yêu thương của nhà văn đối với nhân vật của mình. Đó là một trong những đoạn văn hay nhất, in đậm phong cách Tô Hoài trong truyện ngắn này.

Dạng 3: Nghị luận liên quan đến một tình huống truyện

Mẫu đề: Có nhận định cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Từ quá trình phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy cho ý kiến về nhận định trên.

Hướng dẫn làm bài

Truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân viết về cuộc sống ngột ngạt, bức bối của dân ta năm 1945, với nạn đói khủng khiếp làm chết hơn hai triệu người từ miền Bắc tới miền Trung. Tác giả viết truyện này ngay trong nạn đói, với cái tên ban đầu là Xóm ngụ cư, nhưng vì thất lạc bản thảo nên đến sau hòa bình 1954 ông mới viết lại và cho ra mắt bạn đọc với tựa đề là Vợ nhặt. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng tác phẩm vẫn xứng đáng là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

ADQuảng cáo

Yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm chính là ở chỗ nhà văn Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống truyện đặc biệt, một tình huống éo le, trớ trêu chứa đựng đầy kịch tính nhưng tại ẩn trong đó ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.

Cốt truyện đơn giản: Một anh chàng ngụ cư nghèo khổ, độc thân, đứng tuổi và xấu xí làm nghề kéo xe bò thuê, chỉ với vài câu bông đùa và mấy bát bánh đúc mà kiếm được cô vợ nhặt – một cô gái đang dở sống dở chết vì đói. Họ thành vợ thành chồng giữa khung cảnh tối sầm lại vì đói khát. Đêm tân hôn của họ diễn ra âm thầm trong bóng tối âm u, lạnh lẽo, điểm những tiếng hờ khóc tỉ tê của những nhà có người chết đói theo gió vẳng lại. Bữa cơm cưới của họ chì có cháo loãng, rau chuối và muối hột. Mẹ chồng đãi con trai và con dâu món chè nấu bằng cám. Bữa cơm diễn ra trong tiếng trống thúc thuế dồn dập. Câu chuyện của ba mẹ con xoay quanh chuyện Việt Minh hô hào dân chúng không đóng thuế và tổ chức phá kho thóc của Nhật chia cho người nghèo.

Cảnh anh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà là một tình huống lạ lùng, tạo ra sự ngạc nhiên và thú vị cho cả cái xóm ngụ cư đang hấp hối và lạ lùng ngay cả với mẹ con Tràng. Anh dẫn người đàn bà lạ mặt về nhà lúc trời nhập nhoạng tối. Hai người lủi thủi đi vào cái xóm ngụ cư heo hút, tồi tàn ở mé sông. Nhà cửa hai bên đường úp súp, tối om, không một ánh đèn, ánh lửa, chẳng khác gì những nấm mồ hoang. Khung cảnh ngập tràn tử khí. Sự sống chỉ còn thoi thóp. Bóng đen chết chóc đang bao phủ khắp nơi.

Tràng dẫn người đàn bà mới quen về để làm vợ, để tạo dựng gia đình, tiếp nối sự sống. Trên bờ vực thẳm của cái chết, họ tìm đến sự sống. Tràng vui sướng vì sự kiện to lớn bất ngờ của đời anh: anh đã có vợ, anh đang dẫn vợ về nhà. Đói, chết tràn lan. Mình cũng đói, mẹ già cũng đói, thế mà lại lấy vợ vào lúc này. Quả là chuyện lạ lùng và thú vị!

Trước hết là lạ lùng với dân xóm ngụ cư. Cái cảnh Tràng đi trước với vẻ mặt phởn phở khác thường và người đàn bà đi sau cách ba bốn bước với cái dáng thèn thẹn hay đáo để làm cho mọi người tò mò kéo nhau ra xem. Đầu tiên là lũ trẻ. Đang ủ rũ vì đói, chúng bỗng nhao nhao nói cười, trêu ghẹo anh Tràng: Anh Tràng ơi, chông vợ hài! Dân xóm ngụ cư thấy ồn ào thì kéo nhau ra xem rồi thì thầm bàn tán. Rồi họ hiểu ra và khuôn mặt họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn le lói một niềm vui. Họ thú vị nghĩ tới chuyện anh Tràng bỗng dưng có vợ và thực lòng muốn chia vui với anh. Cái xóm ngụ cư đang thoi thóp chờ chết này chợt bừng lên một thoáng sống. Nhưng vui đấy lại lo ngay đấy. Họ lo thay cho Tràng: Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không? Ấy là họ lo cho sự sống đang phải đối mặt với cái chết và cứ hi vọng vượt lên cái chết.

Bà cụ Tứ mẹ anh Tràng ngạc nhiên khi nhìn thấy cô gái lạ ngồi ở giường con trai mình. Được gọi bằng u, bà càng chẳng hiểu ra làm sao. Cho tới lúc nghe Tràng bảo: Kìa nhà tôi nó chào u... thì bà mới vỡ lẽ: Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình... Thì ra là thằng con trai mình đã kiếm được vợ và dẫn về đây. Tâm trạng bà cụ buồn tủi, mừng, lo lẫn lộn. Buồn tủi vì làm cha làm mẹ mà không tròn trách nhiệm đối với con cái, nghèo khổ đến nỗi không thể cưới được vợ cho con. Mừng vì tự nhiên con trai có được vợ, dù là vợ nhặt. Còn lo bởi bà cụ băn khoăn: biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không? Càng ngẫm nghĩ, bà cụ càng thương con trai và thương cô gái xa lạ kia vô hạn: Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt.

Đến ngay chính anh Tràng cũng ngạc nhiên không kém. Ngạc nhiên đến sửng sốt, không tin là sự thật: Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng... Ngày hôm sau thức dậy, nhìn chị ta quét dọn sân vườn, Tràng vẫn chưa dám tin là mình đã có vợ. Chuyện xảy ra cứ như trong một giấc mơ, nhưng người đàn bà bằng xương bằng thịt kia chính là vợ anh, dẫu chẳng phải cưới xin gì.

Tình huống mà Kim Lân đặt ra trong truyện là một tình huống éo le, trớ trêu, không biết nên buồn hay nên vui. Bản thân Tràng lúc đầu thì mừng vì tự nhiên có được vợ, nhưng rồi anh chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Hàng xóm cũng lo thay cho anh và nhất là người mẹ già lo và thương đứt ruột. Tác giả đặc tả đêm tân hôn của vợ chổng Tràng với những chi tiết thật ấn tượng và chứa đựng ý nghĩa sâu xa: Tràng chỉ dám thắp đèn có một lúc rồi tắt. Hai người nằm lặng lẽ bên nhau trong bóng tối hãi hùng, ghê rợn bởi tiếng hờ khóc tỉ tê văng vẳng từ những nhà có người chết đói.

Chút hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh của họ bị cái đói, cái chết bủa vây. Nhưng sự sống là bất diệt. Từ trong cái chết, sự sống vẫn sinh sôi, nảy nở. Bi thương cùng cực thành dữ dội. Sự sống bất chấp cái chết, điều đó chứng tỏ ý chí con người và quy luật của cuộc đời mạnh mẽ biết chừng nào !

Đặt nhân vật vào tình huống éo le như vậy, nhà văn đã làm nổi bật ý nghĩa nhân văn sâu xa của tác phẩm. Cho dù không trực tiếp nói tới thực dân Pháp, phát xít Nhật và chính quyền phong Kiến tay sai nhưng từ câu chuyện về người vợ nhặt vẫn toát lên lời tố cáo đanh thép tội ác tày trời của chúng đã gây ra nạn đói thảm khốc có một không hai trong lịch sử nước ta. Quan trọng hơn cả là truyện đã thể hiện thành công vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu trong cái vẻ ngoài xác xơ vì đói khát của những người nghèo khổ. Trong cái cuộc sống không đáng gọi là sống ấy, họ vẫn nhen nhóm niềm tin và hi vọng vào một sự đổi đời, vào tương lai tươi sáng. Đó chính là giá trị nhân văn làm nên sức sống lâu dài của tác phẩm.

Dạng 4: Nghị luận (có thể là phân tích hoặc cảm nhận) về nhân vật ở trong các tác phẩm

Mẫu đề: Phân tích hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài xuất hiện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của tác giả Nguyễn Minh Châu.

Hướng dẫn làm bài

Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm kinh điển và tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Với cảm hứng thế sự đương thời, các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã có những chuyển biến rõ nét. Cũng qua nhân vật này tác giả gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc của mình. Một trong số đó ta phải nói tới người đàn bà làng chài.

Thông thường các nhân vật trong các tác phẩm thường được người đọc nhớ đến bằng những tên gọi riêng, khó lẫn vào nhau. Hay trong chính tác phẩm, các nhân vật đều có một cái tên rõ ràng, như Phùng, Đẩu, thằng Phác, thì đến người phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm này lại chỉ được gọi một cách phiếm chỉ “người đàn bà làng chài”. Phải chăng thông qua cái tên mang tính chất phiếm chỉ ấy, nhà văn muốn nhắn nhủ tới bạn đọc thông điệp rằng người đàn bà kia chính là đại diện cho biết bao số phận người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ: giàu lòng yêu thương, giàu đức hi sinh trong cuộc sống nhưng cũng phải chịu vô vàn khổ cực, tủi hờn.

Người đàn bà xuất hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, không hề được chau chuốt, ướm chải mà qua nhận xét của nhiếp ảnh gia Phùng, người đàn bà ấy hiện lên với ngoại hình xấu xí, thực không mấy ưa nhìn. Đó là người đàn bà mặt rỗ, dáng vẻ mệt mỏi, thân hình thô kệch lam lũ. Sau này, đi sâu vào tác phẩm, nghe những lời tâm sự của người đàn bà ta mới biết, chị vốn sinh trong một gia đình khá giả, nhưng vì một trận ốm mà mặt rỗ, không ai lấy.

Nếu ngoại hình đã hiện lên với một dáng vẻ xấu xí, thô kệch thì đến số phận, cuộc đời người đàn bà ấy hiện lên với một dáng vẻ cam chịu nhẫn nhục. Ngày ngày chịu những chồng đòn roi của người chồng vũ phu, đã phần nào hé lộ số phận bi kịch, bất hạnh của chị. Nhưng dù có số phận bất hạnh như vậy, nhưng ta cũng không thể phủ nhận ẩn sâu trong người phụ nữ ấy là những vẻ đẹp, phẩm chất đáng quý. Trước hết, người đàn bà làng chài là người phụ nữ có khả năng chịu đựng cao. Như những lời chị tâm sự thì việc bạo hành không phải là chuyện hiếm, nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ, khi mà “ba ngày một trận nhẹ, bảy ngày một trận nặng”, cứ khi nào chồng chị bực là chị bị đánh. Mặc cho bản thân bị hành hạ về thể xác như vậy, nhưng chị vẫn cam chịu nhẫn nhục, không hề kêu than, không hề chống trả, hay tìm cách trốn chạy khỏi người chồng vũ phu, bạo lực ấy. Bởi lẽ ăn sâu vào tâm trí của những người phụ nữ nơi đây tâm lí nhẫn nhục của những người phụ nữ sống ở miền biển đã là một cái gì đó hiển nhiên.

Không những thế, người đàn bà làng chài còn là một người phụ nữ giàu lòng tự trọng, yêu thương con cái hết mực. Sự cam chịu của chị cũng một phần vì những đứa con. Khi bị người chồng đánh, chị xin hắn lên bờ đánh, để những đứa trẻ không phải nhìn thấy cảnh ấy. Chị đặc biệt thương thằng Phác, nên đã gửi nó lên rừng ở cùng ông. Khi thấy thằng Phác xông đẩy ngã bố nó khi chứng kiến bố đánh mẹ, chị đã ngay lập tức xông vào, chị sợ hãi, quỳ sụp xuống van xin. Chị sợ thằng Phác sẽ bị thương. Trong những lời vô cùng chân thành, chị cũng cảm thấy vui, hạnh phúc khi nhìn thấy những đứa con mình được ăn no “trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt bừng sáng lên như một nụ cười khi nghĩ đến những niềm vui nhỏ bé mà gia đình bà từng có và đặc biệt khi nghĩ đến cảnh đàn con được ăn no”. Hạnh phúc quả thực bình dị của một người mẹ nghèo. Chị kiên quyết không bỏ chồng cũng vì thương con, hi sinh vì con cũng. Bởi vì đối với những người dân miền biển, ngày đêm đối mặt với sóng gió không thể thiếu đi đôi vai vững chắc của người đàn ông. Hành động và suy nghĩ của chị càng khẳng định thêm cho tình mẫu tử sâu nặng chị dành cho con.

Chính sự thấu hiểu lẽ đời, đã làm cho cả nhiếp ảnh gia Phùng và chánh án Đẩu những bài học, những quan niệm khác về con người và cuộc đời. Dù chị bị chà đạp về nhân phẩm, bị hành hạ về thể xác nhưng chị đến tòa án huyện, ta không còn thấy một người đàn bà quê mùa, lam lũ, ít học, chỉ còn lại hình ảnh một người phụ nữ thấu tình đạt lí, thấu hiểu sự đời. Ban đầu chị rụt rè, sợ hãi, chị chỉ dám ngồi sau vào một góc, cố để không ai chú tâm đến mình. Khi nói chuyện ở trước mọi người, lời lẽ vô cùng hạ mình, nhỏ bé đến tối nghiệp trước Phùng và Đẩu “con” “van xin” “quý tòa”. Nhìn dáng vẻ đáng thương khi ấy của chị, cả hai người đàn ông không khỏi khó xử. Nhưng sau khi lấy lại được bình tĩnh, chị đã nhanh chóng thay đổi cách xưng hô: “Chị cảm ơn các chú”. Có một sự đổi vai nhanh chóng giữa hai đối tượng, người giáo huấn và người được giáo huấn giữa Phùng, Đẩu và người đàn bà làng chài. Bằng chính những suy nghĩ, trải nghiệm thực tế trong cuộc đời, đã thắng những lí lẽ giáo điều sách vở của Phùng và Đẩu. Bằng sự từng trải của bản thân, tình yêu thương con và đức hy sinh, người đàn bà làng chài đã khiến cho hai người đàn ông thay đổi suy nghĩ, khiến họ cảm thông cho số phận thay vì khuyên ngăn chị bỏ cuộc đời ấy đi. Nhìn vào cuộc đời chị người ta mới thấu rằng cuộc đời này vốn đầy những đa đoan.

Hình ảnh người đàn bà làng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là đại diện tiêu biểu cho đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam cho số phận người phụ nữ trong xã hội vừa bước chân ra khỏi chiến tranh. Cuộc sống đói nghèo lạc hậu, bạo lực gia đình đã dồn họ vào ngõ cùng tối tăm. Nhưng trong bóng tối vực sâu thăm thẳm đó lại ngời sáng những đức tính đẹp đẽ của người phụ nữ nông dân hồn hậu: yêu thương chồng con, đức hy sinh và tình mẫu tử cao đẹp.

Dạng 5: Đối chiếu, so sánh hai nhân vật, hai tư tưởng, hai chi tiết, hai đoạn thơ

Mẫu đề: Vẻ đẹp xuất hiện trong nhân vật người vợ nhặt (trong tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân) cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài (trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

Hướng dẫn làm bài

Kim Lân là nhà văn chuyên viết về người nông dân, viết về cuộc sống ở nông thôn đầy những cơ cực bày ra trước mắt. Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc tại đây đã khắc họa thành công tình huống “nhặt vợ” độc đáo. Cùng gặp gỡ số phận người phụ nữ, ta gặp Nguyễn Minh Châu, phía sau con người nghèo khổ ông cũng thể hiện một tấm lòng của mình với nhân vật người phụ nữ. Thị, và người đàn bà hàng chài đã để lại cho ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.

Nhân vật người vợ nhặt xuất thân trong truyện ngắn vợ nhặt và được xây dựng với những tính cách qua ngòi bút góc nhìn của Kim Lân. Tại đây ông đã cho ta thấy một vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ, dù có trải qua khốn khổ vẫn đẹp sáng một tâm hồn hướng về cái đẹp, cái thiện.

Phía sau cảnh tình bị trôi dạt trong đói nghèo là một trái tim ham sống đến mãnh liệt và tột cùng. Người đàn bà ấy đã chỉ vì “cơm trắng mấy giò” vì “4 cái bát bánh đúc” đã theo Tràng về làm vợ. Phía sau cái nhếch nhác và đói khổ lại là một tâm hồn có hiểu biết có ý tứ biết bao. Khi mới về nhà Tràng thị rất ý tứ, chỉ dám ngồi mép giường, những hành động ngại ngùng thật nữ tính.

Bên trong cái chao chát, chỏn lỏn lúc gặp Tràng, lại là một tâm hồn cực kì hiền lành và hiền hậu, đúng mực biết lo toan cho gia đình. Sáng sớm Tràng thức dậy đã thấy nhà cửa sạch tinh tươm, là cô vợ mới của Tràng đã giúp Tràng đó.

Còn, đối với người đàn bà hàng chài. Cuộc sống mưu sinh đã nhấn chìm bà thành một con người xấu xí, nghèo đói. Người đàn bà là nhân vật chính trong câu truyện, giữ vai trò quan trọng thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Qua nhân vật này ta thấy được sự khắc họa rõ nét và sinh động của nhà văn, theo lối tương phản giữa vẻ bên ngoài và tâm hồn đẹp bên trong. Giữa ngoại hình và phẩm chất của bà.

Người đàn bà hàng chài có vẻ bề ngoài không mấy ưa nhìn. Khi ngoại hình xấu xí, thô kệch, nhưng lại là một người mẹ hi sinh, nhân hậu và bao dung. Trái tim không khi nào vơi tình yêu dành cho con cái của mình. Chỉ cần nhìn thấy chúng ăn no bà đã thấy hạnh phúc. Phía sau vẻ thất học, quê mùa thì ấy lại là một người hiểu biết sâu sắc lẽ đời.

Chính bà đã khiến đẩu và Phùng nhận thức lại được hoàn cảnh và cảm thông sâu sắc trân trọng hơn đối với người phụ nữ ấy. Hóa ra đằng sau đó lại là một con người khác hẳn, đẹp đẽ quá, đáng quý đáng trân trọng.

Cả hai nhân vật đều có nét tương đồng, là những người nhỏ bé, nạn nhân của cuộc sống, nhưng trong họ đều có những vẻ đẹp đáng trân trọng, ngợi ca. Cả hai đều được khắc họa chân thực. Nhưng cũng có khác biệt, vẻ vợ nhặt chủ yếu là hình ảnh của cô con dâu mới. Còn người đàn bà hàng chài được khắc họa chủ yếu thông qua phẩm chất của người mẹ mưu sinh, qua các chi tiết kịch tính, qua nạn bạo lực gia đình.

Cả hai nhà văn đã làm nổi bật lên vẻ đẹp người phụ nữ, họ sống trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều hiện lên vẻ đẹp và một đời sống tâm hồn đáng quý. Từ đó khẳng định tư tưởng nhân đạo và ngòi bút hiện thực sâu sắc của nhà văn.

Dạng 6: Nghị luận về hai ý kiến liên quan đến văn học

Mẫu đề: Về hình tượng của người lính xuất hiện trong bài thơ “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng, có một ý kiến cho rằng: “Người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì lại nhấn mạnh: “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.

Anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên từ cảm nhận của mình về hình tượng này.

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

+ Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu

+ Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho hồ thơ của Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp, tác phẩm khắc họa thành công về hình tượng người lính Tây Tiến

2. Thân bài:

- Giải thích

+ “ Dáng dấp tráng sĩ thuở trước”: là nói đến nét đẹp trượng phu giàu tính ước lệ kiểu văn chương trung đại về hình tượng người lính

+ “ Dáng vẻ của người chiến sĩ thời kì kháng chiến chống Pháp”: muốn nói đến người lính có nhiều nét đẹp thân thuộc chắt lọc từ đời sống chiến trường của những anh vệ quốc quân thời chống Pháp

Đây là hai nhận xét khái quát về hai bình diện khác nhau của hình tượng người lính tây Tiến: Ý kiến trước chỉ ra vẻ đẹp truyền thống, ý kiến sau chỉ ra vẻ đẹp hiện đại

- Phân tích, chứng minh

+ Vẻ đẹp người lính mang dáng dấp tráng sĩ thuở trước: Người lính hiện lên với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt đầy hào khí, tinh thần chiến đấu kiêu dũng, xả thân, thái độ ngang tàng ngạo nghễ, họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng

Hình tương người lính đặt trong không gian bi hùng cổ xưa với cuộc trường chinh đầy gian khổ, với chiến trường là miền viễn xứ chốn biên ải, gắn với chất liệu ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ...

+ Người lính Tây Tiến mang dáng vẻ của người chiến sĩ thời kì kháng chiến chống Pháp

Người lính với tinh thần vệ quốc của thời đại chống Pháp cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh: không tiếc đời mình, không thoái chí sờn lòng, không bỏ cuộc

Đời sống quân ngũ gian khổ mà vẫn trẻ trung tinh nghịch, lăn lộn trận mạc đầy mất mát hi sinh mà vẫn đa cảm đa tình: dồi dào tình yêu thiên nhiên, tình quân dân và tình yêu đôi lứa

Hình tượng người lính gắn chặt với một sự kiện lịch sử đó là cuộc hành binh Tây Tiến, với một không gian thực miền Tây, với một địa danh xác thực, với cảnh trí đậm sắc thái riêng của nơi rừng thiêng nước độc nhưng cũng đầy thơ mộng. Với ngôn ngữ đậm chất đời thường của những người lính trẻ

- Bình luận

+ Cả hai ý kiến đều đúng, tuy nội dung khác nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, cùng khẳng định những đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến: Đó là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp tráng sĩ cổ điển với vẻ đẹp chiến sĩ hiện đại để tạo nên một hình tượng toàn vẹn

+ Có được sự hòa hợp về vẻ đẹp của người lính Tây Tiến là do nhà thơ đã kế thừa thơ ca truyền thống, sử dụng bút pháp lãng mạn, đồng thời đã mang được vào thơ không khí thời đại, hiện thực chiến trường, đời sống trận mạc của bộ đội Tây Tiến mà tác giả vốn là người trong cuộc

3. Kết bài:

- Tổng kết lại vấn đề

Dạng 7: Đề tích hợp cả văn nghị luận xã hội

Cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp liên hệ vấn đề xã hội là một dạng bài văn yêu cầu học sinh phải phân tích một tác phẩm hoặc một đoạn trích văn học, đồng thời liên hệ với một vấn đề xã hội có liên quan để đưa ra nhận xét, bình luận hoặc thông điệp có giá trị. Cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp liên hệ vấn đề xã hội gồm có các bước sau:

Bước 1: Phân tích đề bài để xác định đối tượng văn học và vấn đề xã hội cần liên hệ, cũng như yêu cầu và góc nhìn của đề bài.

Bước 2: Viết mở bài để giới thiệu tác phẩm hoặc đoạn trích văn học, nêu lên vấn đề cần phân tích và liên hệ, và đưa ra quan điểm cá nhân hoặc gợi ý thông điệp cho người đọc.

Bước 3: Viết thân bài để phân tích tác phẩm hoặc đoạn trích văn học theo các khía cạnh như nội dung, ngôn ngữ, biểu tượng, nhân vật, tình tiết… và liên hệ với vấn đề xã hội qua các ví dụ, sự kiện, số liệu, chứng cứ… để làm rõ quan điểm và thông điệp của bài viết.

Bước 4: Viết kết bài để tóm tắt lại nội dung chính của bài viết, khẳng định lại quan điểm và thông điệp của mình, và có thể mở rộng hay liên hệ thêm với các vấn đề khác có liên quan

Từ một vấn đề trong tác phẩm đề bài có thể yêu cầu liên hệ đến vấn đề đã đang xảy ra trong đời sống để rút ra những bài học và những thông điệp trong cuộc sống. Ví dụ: Phân tích vẻ đẹp đoạn thơ sau trong bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm từ đó liên hệ đến vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Ví dụ: Cảm nhận sức sống mãnh liệt nhân vật Mị qua đoạn văn chấm chấm chấm từ đó anh chị có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của ý chí trước nghịch cảnh Với cách làm dạng bài này, các em trước hết phải nắm được nội dung tác phẩm, giải thích phân tích được từ khóa đề cập trong đề, sau đó khái quát cách hiểu chung. Sau khi giải thích xong phải bám vào nội dung để xây dựng các luận điểm và lấy dẫn chứng để phân tích, liên hệ rút ra các bài học hay thông điệp trong cuộc sống.

Phân tích, cảm nhận về tác phẩm, sau đó liên hệ thực thế. Đây là kiểu bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài văn mẫu các dạng đề nghị luận văn học hay gặp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO