Nông nghiệp - Nông thôn

Bài toán và lời giải về nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông

PV 30/09/2023 07:41

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn nhưng trên thực tế, khả năng huy động nguồn lực cho chương trình này chưa đáp ứng được yêu cầu, kể cả nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách.

ADQuảng cáo
7(1).jpg
Tuyến đường về xã nông thôn mới Nâm N’Jang, huyện Đắk Song. Ảnh: Lê Tuấn

Nguồn vốn ngân sách triển khai chậm chạp

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông, tiến độ giải ngân vốn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn rất chậm. Tính đến ngày 6/9/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn chung của năm 2022-2023, toàn tỉnh mới thực hiện được là 149,550/561,878 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,6%. Trong đó, kết quả giải ngân vốn năm 2022 là 118,605/254,480 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,6%. Kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2023 là 30,945/307,398 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,1%.

giai-ngan-von-ntm.png

Nguyên nhân chính được Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông dẫn giải là do nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được giao rất muộn. Trong khi đó, các thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có liên quan về quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng ban hành muộn và thường xuyên thay đổi. Do đó, tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2022 và năm 2023 đang rất chậm.

Tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2022 và năm 2023 rất chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới; nhất là các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các công trình xây dựng NTM theo kế hoạch.

2(1).jpg
Phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống Nhân dân còn khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Ảnh: Lê Tuấn
ADQuảng cáo

Huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn khó khăn

Qua thực tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua cho thấy, việc huy động vốn từ doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì hầu hết các doanh nghiệp đều phải cân đối, tính toán hiệu quả kinh doanh trước khi nghĩ đến việc đóng góp cho xây dựng NTM. Trong khi, nhiều địa phương phản ánh, các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa thật sự hấp dẫn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Một số cơ chế, chính sách thực hiện chương trình về huy động vốn, phân bổ nguồn lực... chưa đồng bộ, chưa phù hợp với địa phương làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn thực hiện các tiêu chí.

Chương trình xây dựng NTM mang lại lợi ích thiết thực, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phân cư dân nông thôn. Người dân có sự đồng thuận cao và tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, do phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch... đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn từ nguồn ngân sách hiện nay nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên nguồn lực trong dân chưa được phát huy tối đa…

5(1).jpg
Sức đóng góp cho xây dựng nông thôn mới của người dân hiện nay phụ thuộc vào thị trường nông sản. Ảnh: Lê Tuấn

Giải pháp nào trong huy động nguồn lực?

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NTM đã đề ra, việc tập trung thực hiện các giải pháp vận động, huy động nguồn lực ngoài xã hội, nhất là nguồn lực từ cộng đồng dân cư, từ các doanh nghiệp tại địa bàn, trực tiếp hưởng lợi từ các dự án, công trình được đầu tư không phải là chuyện dễ thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng NTM là chương trình lớn, dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền của và cần đi theo lộ trình phù hợp với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Một trong những giải pháp hiệu quả trong xây dựng NTM là ưu tiên hoàn thành các tiêu chí không yêu cầu đầu tư nhiều vốn ngân sách Nhà nước. Việc tập trung phát triển sản xuất qua đó nâng cao thu nhập cho người dân cần phải được coi là giải pháp then chốt trong xây dựng NTM. Bởi một khi kinh tế ổn định, vấn đề huy động sức dân cũng thuận lợi hơn, những vướng mắc trong xây dựng NTM sẽ từng bước được tháo gỡ. Doanh nghiệp giữ vai trò xúc tác trong xây dựng NTM. Do đó, việc tiếp tục tạo mọi điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng.

Công tác xây dựng NTM cần được lồng ghép, kết hợp hài hòa và đặt trong mối tương quan với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành. Điều này thể hiện được tính hiệu quả trong xây dựng NTM, đặc biệt là tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều công trình thi công dở dang nằm chờ vốn.

Quá trình xây dựng NTM cần phát huy dân chủ rộng rãi, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất quán sẽ khuyến khích được nhiều người dân tham gia, đóng góp tích cực trong dân công cuộc xây dựng NTM tại địa phương. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng cần được công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí để tạo niềm tin trong Nhân dân…

Trong năm 2023, tỉnh Đắk Nông phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nam Xuân, Nâm N’Đir (Krông Nô); Đắk Gằn, Long Sơn (Đắk Mil); Đắk Mol, Đắk N’Drung (Đắk Song).

5 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Tâm Thắng, Nam Dong (Cư Jút); Thuận An, Đức Minh (Đắk Mil); Nhân Cơ (Đắk R’lấp).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán và lời giải về nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO