Bài toán khó về phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông (Kỳ 3): Cần phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn
Những rào cản trong phân luồng, hướng nghiệp ở Đắk Nông đã dẫn đến kết quả chưa như kỳ vọng. Để nâng cao hiệu quả công tác này, rất cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng.
Những rào cản trong phân luồng, hướng nghiệp ở Đắk Nông đã dẫn đến kết quả chưa như kỳ vọng. Để nâng cao hiệu quả công tác này, rất cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng
Phát huy cơ chế, chính sách đã có
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong số những đột phá chiến lược để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách liên quan giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông như Nghị quyết 54/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thông qua chủ trương thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025; Nghị quyết 14/2020/NQ-HĐND về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND…
Đặc biệt, Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 đã có tác động tích cực tới công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Em H’Trâm, xã Trường Xuân (Đắk Song) chia sẻ: “Được đi học nghề Kế toán là mong ước của em nhưng gia đình đông anh em nên gần như không dám mơ đến việc được đi học nghề mình yêu thích. Khi được thầy cô giới thiệu, em đã đăng ký học tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật phương Nam. Học ở đây em được lo nơi ở, sinh hoạt, được miễn đóng học phí học nghề nên gần như gia đình không phải lo nhiều cho em”.
Tương tự, Nghị quyết 12 đã giúp chị Thị Gym, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) yên tâm cho con học nghề dù điều kiện gia đình khó khăn. Chị Thị Gym cho biết, sau khi tìm hiểu kỹ đã quyết định cho con trai là Điểu Anh Vi đăng ký lớp học nghề Bảo vệ thực vật tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông và học song song Chương trình giáo dục thường xuyên. Quá trình học, Điểu Anh Vi được được miễn hoàn toàn học phí học nghề trong cả 2 năm.
“Trường cũng tạo mọi điều kiện về nơi ở, sinh hoạt nên gia đình rất yên tâm. Học Chương trình giáo dục thường xuyên thì đóng chi phí rất ít, khoảng 400.000 đồng/học kỳ. Nhờ Nhà nước hỗ trợ mà gia đình tôi rất yên tâm cho con đi học”, chị Thị Gym nói thêm.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Quay trở lại với trường hợp của anh Trương Ngọc Sơn, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, hiện là nhân viên của Công ty cổ phần Hyundai Bình Phước. Trong số 40 học viên của lớp Công nghệ ô tô, anh Sơn nằm trong số ít trường hợp có việc làm ngay khi tốt nghiệp, còn lại phần lớn bạn bè phải đi nơi khác tìm việc hoặc làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
Anh Trương Ngọc Sơn cho biết, rất nhiều bạn bè có nhu cầu học nghề, bởi quá trình học được hỗ trợ rất nhiều, từ học phí đến môi trường thực tập
Sau khi học xong, nhiều bạn lại không thể xin việc tại địa phương mà phải đi nơi khác để làm việc, dẫn đến tâm lý không muốn lựa chọn trường nghề”.
Anh Trương Ngọc Sơn, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông
Có thể thấy, chính sách được ban hành, đã trợ lực cho quá trình học tập của học sinh, sinh viên. Việc tỉnh Đắk Nông triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh từng bước giải quyết được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Thế nhưng, việc học viên được đào tạo và tìm được việc làm phù hợp mới là một trong những yếu tố quan trọng để học sinh quyết định lựa chọn học nghề. “Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông cần tăng cường gắn kết chặt chẽ "3 nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong lĩnh vực đào tạo, cung ứng nhân lực. Địa phương cũng phải đẩy mạnh liên kết giữa gia đình - nhà trường - doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thực tập nghề; thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp”, một chuyên gia về lĩnh vực lao động, việc làm nêu giải pháp.
Theo ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam, thị trường đang “khát” lực lượng lao động trẻ. Học viên ra trường bao nhiêu thị trường lấy bấy nhiêu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đến trường tuyển lao động nhưng trường không đủ cung ứng.
Các nhà trường, phụ huynh cần đánh giá được năng lực của học sinh để tư vấn, định hướng phù hợp. Cái cốt lõi vẫn là phụ huynh và người học phải thay đổi tư duy về học nghề.
Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam
Cần quyết liệt hơn
Tháng 8 vừa qua, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông có buổi làm việc để xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong phối hợp giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các mục tiêu, nhất là việc tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên, phải bảo đảm tất cả học sinh học nghề có nhu cầu đều được học chương trình giáo dục thường xuyên”.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho rằng, về lâu dài, tỉnh cần đa dạng và mở rộng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp nghề, phát triển Trường cao đẳng Cộng đồng để đa dạng ngành nghề đào tạo, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người học.
Ông Hải khẳng định: “Không phải học sinh tốt nghiệp THCS thì đều vào hết THPT. Nếu làm như vậy thì một lúc nào đó chất lượng giáo dục "giậm chân" tại chỗ. Vừa phải thực hiện phân luồng, vừa nâng cao chất lượng và phải làm sao để các em có cơ hội được học tập, có nghề nghiệp phù hợp”.
Cũng theo ông Hải, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là điều cần thiết để nâng cao chất lượng phân luồng, hướng nghiệp hiện nay. Về phía ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học, khơi dậy niềm hứng thú đối với việc lựa chọn nghề nghiệp. Ngành Giáo dục phối hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp, các doanh nghiệp đào tạo nghề tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp, tham quan tìm hiểu để định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp. Việc xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh tiếp tục được chú trọng hơn.