Giáo dục - Đào tạo

Bài toán khó về phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông (Kỳ 2): Những rào cản trong phân luồng, hướng nghiệp

Nguyễn Hiền - Thanh Hằng 30/09/2023 07:16

Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được cụ thể hoá bằng các nghị quyết, đề án và văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác phân luồng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

bai-phan-luong-hs-phong-2a.jpg

Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được cụ thể hoá bằng các nghị quyết, đề án và văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công tác phân luồng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nghịch lý ở huyện Đắk Glong

Năm học 2022-2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Glong tuyển sinh được 71 học viên có nhu cầu học nghề. Do đơn vị này không có cơ sở dạy học nên toàn bộ học viên được “gửi” đến Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật phương Nam để học văn hóa kết hợp học nghề.

Để tạo điều kiện thuận lợi, phần lớn học viên của huyện Đắk Glong được bố trí ở tại ký túc xá của trường. Thế nhưng, trong quá trình theo học, vì điều kiện kinh tế và xa nhà, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Kết thúc năm học 2022-2023, chỉ còn 42 học sinh của huyện Đắk Glong theo học tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật phương Nam.

bai-2-hinh-4(1).jpg
Học sinh học văn hóa tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật phương Nam.

Chuẩn bị năm học mới, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong tiến hành rà soát, thống kê được khoảng 140 học sinh bậc THCS có nhu cầu học nghề. Thế nhưng, khi thông báo tuyển sinh, trung tâm này không nhận được hồ sơ xét tuyển nào. Ông Hoàng Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong nêu thực tế, hiện nay công tác tuyển sinh của đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, dù thành lập được hơn 10 năm, nhưng đến nay trung tâm vẫn chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Thiếu trang thiết bị và không có giáo viên cơ hữu nên đơn vị phải phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam để mở các lớp học. Học sinh muốn đi học thì phải đi xa nên số lượng đăng ký hằng năm cũng rất hạn chế. Riêng năm học 2023-2024 chúng tôi không tuyển sinh được em nào”, ông Hoàng Văn Tùng nói.

Trong khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Glong không tuyển sinh được thì Trường THPT Đắk Glong lại có số lượng học sinh khối 10 tăng theo hằng năm.

bai-2-hinh-1(1).jpg
Năm học mới, Trường THPT Đắk Glong nhận gần như toàn bộ học sinh xét tuyển lớp 10 vào trường.

Ông Lê Văn Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong thông tin: “Huyện Đắk Glong hiện chỉ có 2 trường THPT. Trong khi đó, địa phương đang khó khăn do chưa có cơ sở dạy nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện không có cơ sở và đội ngũ giáo viên. Để tạo điều kiện cho con em trên địa bàn, Sở GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh học sinh lớp 10 năm học 2023-2024 lên đến 500 em. Qua tuyển sinh, trường nhận được 374 hồ sơ. Hiện tại, có 368 em theo học lớp 10 tại trường”.

Học sinh chưa “mặn mà”

Theo thầy Lê Văn Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong, ngoài nguyên nhân thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên và khoảng cách địa lý, thì hiệu quả của công tác phân luồng chưa cao dẫn tới tình trạng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn “đổ dồn” vào các trường THPT.

Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS rất hạn chế, thậm chí có một số em đã đi học nghề nhưng quay lại trường để xin học lại chương trình THPT. Nguyên nhân dẫn đến việc học sinh chưa “mặn mà” với học nghề là do các ngành nghề đào tạo chưa thật sự đa dạng, phong phú. Ngoài ra, đa số học sinh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, các em thường có tâm lý ngại đi xa”

Thầy Lê Văn Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Glong Lê Văn Lượng nhìn nhận, không riêng gì bậc THCS, mà hiện nay công tác phân luồng ở Trường THPT Đắk Glong cũng có một số khó khăn nhất định. Cụ thể, chỉ khoảng 30% học sinh của trường chọn học nghề sau tốt nghiệp THPT, số còn lại các em vẫn lựa chọn vào các trường cao đẳng, đại học.

Đồng quan điểm, thầy Trần Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) cho rằng, tỷ lệ học sinh bậc THCS và THPT lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp vẫn còn thấp, cho thấy hiệu quả của công tác phân luồng học sinh chưa thực sự hiệu quả.

“Học nghề chưa tạo được hứng thú và nhiều gia đình vẫn coi học nghề là lựa chọn dự phòng. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, ngoài chú trọng công tác tư vấn thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đồng thời giải quyết tốt vấn đề việc làm, từ đó sẽ nâng cao tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề”, thầy Trần Bảo Ngọc nêu quan điểm.

bai-2-hinh-2.jpg

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: “Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thì phần lớn là muốn vào học tiếp các trường THPT. Kể cả phụ huynh cũng ăn sâu tâm lý tốt nghiệp xong là phải vào đại học, không muốn cho con học các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Điều kiện, cơ hội cho các em lựa chọn nghề nghiệp khi thực hiện phân luồng cũng còn hạn chế, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”.

Không đạt chỉ tiêu đề ra

Thực hiện Quyết định 522 của Thủ Tướng Chính phủ về công tác phân luồng và hướng nghiệp, UBND tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa thành “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu Đề án hướng tới là đạt 70% học sinh định hướng học tiếp bậc THPT, 30% học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề phù hợp.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, năm học 2022-2023 có gần 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT. Số học sinh theo học tại Trung tâm GDTX chiếm chỉ 2,7% và 1,1% học sinh THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tương tự, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn học tiếp cao đẳng, đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số khoảng 7.000 học sinh tốt nghiệp THPT, chỉ có khoảng 13,2% lựa chọn các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và 11,1% vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp.

bai-2-hinhm-3(1).jpg
Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh vẫn còn hạn chế.

Kết quả trên đã phần nào phản ánh được kết quả hạn chế trong công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Số lượng học sinh dự tuyển vào các trường và trung tâm dạy nghề còn ít, thay vào đó, các em vẫn quyết định học THPT hoặc cao đẳng, đại học.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của việc phân luồng.

“Các trường chỉ tập trung hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc tư vấn nghề và hướng nghiệp của học sinh ít được các ngành chức năng tại địa phương quan tâm, chủ yếu giao phó cho ngành Giáo dục. Do đó, hiệu quả việc chọn ngành nghề chưa cao”

Trích báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán khó về phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông (Kỳ 2): Những rào cản trong phân luồng, hướng nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO