Giáo dục - Đào tạo


Bài toán khó về phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền- Thanh Hằng 28/09/2023 11:37

Mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT ở Đắk Nông đã có những chuyển biến nhất định, song nhìn chung, việc phân luồng vẫn là bài toán khó khiến kết quả chưa được như mong muốn.

bai-phan-luong-ky-1.png

BÀI TOÁN KHÓ VỀ PHÂN LUỒNG SAU THCS, THPT Ở ĐẮK NÔNG

Mặc dù phân luồng học sinh sau THCS, THPT ở Đắk Nông có những chuyển biến nhất định, song nhìn chung công tác này vẫn đang là bài toán khó khiến kết quả chưa đạt được như mong muốn.

KỲ 1: CHUYỂN BIẾN CÒN MỜ NHẠT

Thay vì cố gắng xét tuyển vào các trường THPT, không ít học sinh đã lựa chọn vào học nghề. Quyết định này xuất phát từ việc tự đánh giá năng lực bản thân và nhu cầu lao động của xã hội trong thời gian tới.

Khắc nghiệt tuyển sinh đầu cấp

Ba năm trở lại đây, công tác tuyển sinh cấp THPT trở thành đề tài nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, học sinh của tỉnh Đắk Nông. Nhiều người ví von, việc xét tuyển vào lớp 10 hiện nay còn “khắc nghiệt” hơn tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, bởi chỉ tiêu hằng năm được giao cho các trường so với nhu cầu thực tế có sự chênh lệch rất nhiều.

bai-1-hinh-1(1).jpg
Công tác tuyển sinh cấp THPT trở thành đề tài nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, học sinh.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Gia Nghĩa (TP. Gia Nghĩa) được UBND tỉnh giao chỉ tiêu 340 học sinh lớp 10. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tuần lễ sau khi thông báo xét tuyển, trường đã nhận được hơn 580 hồ sơ dự tuyển. Đây là 2 năm liên tiếp, trường THPT này có số lượng hồ sơ bị loại vượt trên con số 200.

Trong khi đó, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học mới, Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) đã xây dựng đề án tuyển sinh với khoảng 360 học sinh. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giao 500 chỉ tiêu. Theo nguyên tắc, học sinh có nhu cầu vào học, nhà trường phải tiếp nhận.

Số lượng tuyển sinh vượt với điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giáo viên hiện tại. Điều này buộc Trường THPT Đắk Song bố trí sĩ số mỗi lớp học vượt trên 50 học sinh/lớp (theo quy định không vượt quá 45 học sinh), từ đó ảnh hưởng tới việc dạy và học của nhà trường.

Số lượng tuyển sinh của mỗi trường có hạn, đặc biệt là các trường nằm ở trung tâm huyện, thành phố đã đẩy “tỷ lệ chọi” lên cao. Một số học sinh không trúng tuyển vào trường mình mong muốn đã lựa chọn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường huyện. Thậm chí, có học sinh chấp nhận đi học trường THPT cách nhà lên đến gần 100 km.

Chuyển dịch trong tư duy

Thay vì cố gắng xét tuyển vào các trường THPT như trước đây, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã quyết định chọn học nghề. Thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em vừa có điều kiện được học văn hoá, vừa được tiếp cận với những kiến thức nghề. Thực tế, rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề cũng có trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT.

bai-1-hinh-5-1-.jpg
Hai chị em Sùng Thị Gió và Sùng Thị Sùng theo học lớp nghề Thú y tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Sùng Thị Gió (SN 2004), bản Giang Châu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cùng em gái là Sùng Thị Sùng (SN 2007) vừa là tân sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông. Chị em Gió lựa chọn lớp Thú y để theo học, bởi một lý do đơn giản, cả 2 chị em đều xuất phát từ gia đình thuần nông.

Gió và Sùng là trẻ mồ côi. Gần 10 năm qua, 2 tân sinh viên này được cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) nhận làm con nuôi. Sau khi tốt nghiệp THCS, 2 chị em cũng đắn đo trước sự lựa chọn học THPT hay học nghề. Sau cùng, cả Gió và Sùng đều chọn học Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Ở ngay nơi 2 chị em sinh sống, một trường THCS và THPT mới được xây dựng nên chúng em đã dự định học tiếp cấp 3. Tuy nhiên, các chú bộ đội đều tư vấn chúng em chọn học nghề, bởi trong thời gian theo học tại trường, em có thể học thêm văn hoá. Sau khi tốt nghiệp, nếu muốn em sẽ tiếp tục học đại học hoặc có thể sử dụng tấm bằng nghề để đi xin việc làm”.

Sùng Thị Gió (SN 2004), bản Giang Châu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức)

Cả Gió và Sùng đều là sinh viên dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài khoản tiền sinh hoạt phí hàng tháng ở ký túc xá, cả 2 tân sinh viên này được miễn học phí trong suốt quá trình học. Theo Gió, đó cũng chính là lý do em lựa chọn học nghề để giảm bớt gánh nặng kinh tế trên vai người chị đang ở quê nhà.

bai-1-hinh-4(1).jpg
Phạm Thị Thảo Nguyên (thứ 2, từ trái qua) chọn học nghề sau 2 năm bươn trải ngoài xã hội.

Cùng học lớp với Gió, Phạm Thị Thảo Nguyên (SN 2003), xã Đắk Ha (Đắk Glong) chọn học nghề sau 2 năm tốt nghiệp THPT và trải qua nhiều công việc tự do, với thu nhập bấp bênh. Chia sẻ về lý do chọn học nghề, Nguyên cho biết, 2 năm làm tự do ngoài xã hội, cô nhận ra muốn có thu nhập ổn định thì người lao động phải có tay nghề cao. Từng bỏ tiền túi để học chăm sóc sắc đẹp, tuy nhiên công việc không ổn định khiến Nguyên quyết định nghỉ việc để đi học nghề. Dù muộn, nhưng Nguyên cho rằng đó vẫn là sự lựa chọn hợp lý trong thời điểm này.

“Em dự định học nghề để có kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc động vật. Nếu sau này có điều kiện, em sẽ mở cửa hàng cung cấp dịch vụ chăn nuôi và thú y”, Nguyên tiết lộ về dự định của mình.

Học nghề để sớm lập nghiệp

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, anh Trương Ngọc Sơn đã được Công ty Cổ phần Hyundai Bình Phước nhận vào làm việc. Hai năm làm việc tại đây, không những có công việc với mức lương ổn định, anh Sơn còn được học hỏi, nâng cao tay nghề nhờ môi trường làm việc hiện đại, tiên tiến.

Anh Trương Ngọc Sơn cho biết, đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ trước khi lựa chọn học nghề. Trong quá trình học, anh Sơn đã có những kiến thức, kỹ năng nhận biết và sửa chữa các lỗi trên ô tô, đặc biệt là được làm quen với máy móc hiện đại, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, làm việc ngay gần nhà, anh Sơn đã rủ thêm 2 người bạn khác về làm cùng. Đây đều là học viên của lớp Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, tốt nghiệp sau anh Sơn 1 năm học.

bai-1-hinh-3(1).jpg
Trương Ngọc Sơn hiện đang làm tại Công ty Cổ phần Hyundai Bình Phước với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Sơn nói: “Tôi rất mừng vì khi tốt nghiệp đã tìm được công việc phù hợp với nghề mà mình được đào tạo. Với thu nhập hiện nay, tôi có thể trang trải đủ cho cuộc sống bản thân. Trong quá trình làm việc, tay nghề được cải thiện hơn rất nhiều, từ đó giúp tôi nâng cao thu nhập”.

Hiện nay, học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề nếu có nhu cầu có thể đăng ký học song song chương trình giáo dục thường xuyên. Như vậy, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có cả bằng nghề và bằng văn hoá. Cách này giúp các em tiết kiệm 1-2 năm so với cách truyền thống là tốt nghiệp THPT rồi mới học nghề từ đó có cơ hội việc làm để lập thân, lập nghiệp và tự chủ trong cuộc sống.

Theo đánh giá chung, thời gian qua, công tác phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông có chuyển biến nhưng còn mờ nhạt. Số lượng học sinh đăng ký vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên rất thấp. Một trong những “điểm nghẽn” đó là điều kiện cơ sở vật chất và công tác phân luồng, hướng nghiệp chưa hiệu quả.

(Còn nữa)

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bài toán khó về phân luồng sau THCS, THPT ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO