Pháp luật

Bài học cay đắng từ "việc nhẹ lương cao"

Hoàng Thanh 06/02/2025 06:45

Cuối năm 2024, Công an tỉnh Đắk Nông giải cứu nhiều người dân bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Với họ, được giải cứu là từ cõi chết trở về.

Tốt nghiệp đại học với chuyên ngành kỹ sư công nghệ thông tin tại một trường đại học ở TP. Đà Nẵng, em V.M.Q ở bon Đru, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô đăng tin tìm việc qua mạng xã hội.

Q được một tài khoản facebook kết nối nhận vào làm việc và được hứa hẹn mức lương 800 USD/tháng. Q còn được hứa với công việc nhân viên quản lý nhà hàng gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

z6247084987301_3c1536cb80d52d78ab8ee389dd20a526-1-.jpg
V.M.Q ở bon Đru, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô khai báo với lực lượng công an

Sau khi qua cửa khẩu Mộc Bài sang đến Campuchia, Q mới hay tin mình bị lừa. Trong thời gian đầu ở nơi xứ người, Q được người quản lý đào tạo các mánh khóe, chiêu trò lập facebook ảo dụ dỗ tìm con mồi.

Trong những ngày Q lưu lạc ở nơi xứ người, gia đình bố, mẹ chỉ nghe được những cuộc gọi điện thoại chớp nhoáng của con. Đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an địa phương, gia đình mới biết Q bị lừa sang Campuchia.

Theo lời kể của Q, lúc mới sang Campuchia, em được người trong công ty cho 10 ngày đi xung quanh nhìn những người khác để học việc. Sau đó, họ bắt Q chỉnh sửa facebook tìm kiếm khách hàng.

Khách hàng là những người phụ nữ Việt Nam từ 45 - 60 tuổi. Họ là những người ít hiểu biết về công nghệ và thiếu thốn tình cảm. Sau đó, Q nhắn tin hỏi thăm lấy tình cảm và lòng tin của họ.

"Công ty giao chỉ tiêu phải lừa được bao nhiêu người, bao nhiêu tiền trong 1 tuần, 1 tháng nếu không sẽ bị đánh đập”, Q cho biết.

Tương tự, thông qua mạng xã hội, tháng 5/2024, H.T.Q ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, vượt biên sang Campuchia làm trong một công ty do người nước ngoài làm chủ. Vào làm H.T.Q mới biết công ty này thực chất là một tổ chức lừa đảo trực tuyến.

Sau hơn 6 tháng làm công việc ở công ty lừa đảo tại Campuchia, H.T.Q được cơ quan chức năng Campuchia giải cứu vào ngày 30/11/2024.

Trở về với gia đình hơn 1 tháng qua nhưng H.T.Q vẫn còn ám ảnh về những trận đòn roi, sống không bằng chết. Đối với em, những gì đã trải qua chẳng khác gì từ cõi chết trở về.

z6247085194033_6fd3475fdb605998a245ea18d4ff3be9(1).jpg
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 H.T.Q đã được đón tết cùng gia đình

Em H.T.Q kể lại: “Mỗi ngày em phải làm việc 12 tiếng theo ca từ 8 - 11 giờ đêm hoặc từ 12 - 5 giờ sáng. Nếu không đủ chỉ tiêu thì phải làm tăng ca. Trong quá trình làm việc đều bị giám sát chặt chẽ kể cả lúc ăn, lúc ngủ. Việc gọi điện hay nhắn tin về nhà cũng bị giám sát, nếu vi phạm sẽ bị đánh đập rất dã man. Việc bỏ trốn là không thể vì nơi làm việc là khu biệt lập có tường rào kiên cố và lực lượng bảo vệ rất nghiêm ngặt. Bản thân em đã nhiều lần bị đánh đập vì không làm đủ chỉ tiêu”.

Thời gian qua, lực lượng chức năng ở Đắk Nông đã giải cứu thành công nhiều người bị lừa sang nước ngoài làm việc nhưng thực chất là để lừa đảo, bóc lột.

Riêng tất cả công dân được giải cứu trong tháng 11/2024 đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình. Tuy nhiên, các nạn nhân vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề về di chứng tâm lý, tổn hại sức khỏe, tinh thần.

Cơ quan công an các địa phương khuyến cáo người dân không nên tin theo lời quảng cáo trên mạng xã hội về việc tuyển dụng lao động “việc nhẹ lương cao”. Thực chất đây là hình thức lừa đảo không mới song vẫn có nhiều nạn nhân mới…

Người dân khi phát hiện sự việc đối tượng, đường dây nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia bất hợp pháp để làm việc hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Bài học cay đắng từ "việc nhẹ lương cao"
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO