Để nâng cao hiệu quả công tác cung cấp thông tin cho bà con vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt chủ đạo.
Bài 1: Nỗ lực từ chủ trương lớnQuảng Ninh: Đẩy mạnh cung cấp thông tin, tìm đầu ra cho nông sản miền núi |
Tập trung vào 3 vấn đề lớn
Có thể thấy, để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường, góp phần xoá đói giảm nghèo cũng như có cơ hội tiếp cận sản phẩm hàng hoá chất lượng, giá cả phải chăng ở những vùng khó khăn thì công tác thông tin giữ một vai trò quan trọng. Điều này càng thuận lợi hơn trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc cung cấp nội dung thông tin gì, phương thức truyền tải sao cho hiệu quả đang là một khó khăn, thách thức cần tháo gỡ.
Nói về điều này, bà Trịnh Thị Thanh Thủy- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, việc cung cấp thông tin thị trường đến vùng khó khăn đảm bảo tính sát thực và hiệu quả có nhiều việc phải làm, tuy nhiên cần khu trú trong 3 vấn đề lớn:
Đầu tiên, phải tạo ra cơ sở dữ liệu lớn về thông tin. Với vai trò chức năng của Bộ Công Thương, nội dung thông tin sẽ tập trung phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin giúp bà con giảm nghèo bền vững |
Cụ thể với thông tin về sản xuất, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu định hướng thông tin theo yêu cầu của thị trường nhưng gắn với đặc thù của địa phương. Ví dụ, hình thành nên vùng sản xuất tập trung với sản phẩm gì, sản xuất như thế nào, chăm bón canh tác ra sao, theo các tiêu chuẩn nào? Ngoài ra, còn quan tâm đến thông tin định hướng sản xuất làm sao có hàng hóa có khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về mặt chất lượng mẫu mã… đặc biệt theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Liên quan đến lưu thông phân phối, cơ sở dữ liệu thông tin sẽ tiếp cận theo chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị để tạo nên hàng hóa chất lượng tốt của bà con. Thông tin sẽ toàn diện từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ như thế nào. Cùng đó là thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các kênh online, cách thức giao dịch, thanh toán…
Tiếp đến là vấn đề cách thức truyền tải thông tin cho bà con. Hoạt động này sẽ bao gồm cả cách thức truyền thống và hiện đại, gắn với vai trò chức năng của chính quyền địa phương.
Cuối cùng là phân vai thực hiện các nhiệm vụ một cách cụ thể, có kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả đạt được.
“Giải quyết được 3 vấn đề lớn trên khó khăn nhất là cần xác định thông tin gì, thu thập cách nào, dự báo ra sao để số hóa thành cơ sở dữ liệu mở có thể chia sẻ và dùng chung. Điều này cần có sự chung tay của chính và các sở ngành địa phương”, bà Trịnh Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.
Nhìn nhận vấn đề truyền tin ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, cần lưu ý một số vấn đề về cơ cấu thông tin, nguồn tin, xử lý tin, đưa tin và cuối cùng là tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm tin.
Căn cứ trên yếu tố “lõi” đó, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong giảm nghèo thông tin. Đây được xem là quốc gia thành công và lâu đời nhất về phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các HTX cung cấp dịch vụ thông tin liên quan đến toàn bộ quá trình canh tác (giống, kỹ thuật canh tác, thời vụ, thời tiết….); thông tin về thời điểm thu hoạch, giá.
Tại Mỹ, các nhà sản xuất nông nghiệp lấy thông tin thông qua các sàn thương mại điện tử, đối tác hoặc hiệp hội chủ trang trại, thậm chí họ phát triển dịch vụ thông tin qua dịch vụ thị trường.
Kinh nghiệm từ Ba Lan, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong điều đáng học hỏi là Chính phủ trực tiếp đặt hàng. Đơn cử, thay vì trồng lúa, khoai theo mùa vụ, Chính phủ đặt người nông dân trồng cỏ để điều tiết sản lượng, đảm bảo cung cầu thị trường.
“Ở các nước khác, việc lan tỏa thông tin qua các hình thức khác nhau từ các hiệp hội, tổ hợp tác, HTX, phương tiện truyền thông nhưng nói chung ngày càng gắn kết với các trang thông tin chuyên đề. Điều này đòi hỏi nguồn tin, chế tạo tin cung cấp thông tin phải rất chuyên nghiệp, được hỗ trợ thực sự”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay.
Nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Nhà nước
Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng, vận dụng kinh nghiệm cũng cần linh hoat. Với Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, để đảm bảo cung cấp thông tin hiệu quả cho bà con nông dân thì có 3 chủ thể lớn tham gia vào quá trình này, gồm: Chính người nông dân phải chủ động tham gia; thị trường thông qua thương lái, người mua, người bán, đối tác và Nhà nước.
Đối với bà con vùng sâu vùng xa vai trò của Nhà nước cực kỳ quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất trong 3 chủ thể và thể hiện ở 3 khía cạnh: Xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống dữ liệu; thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý thông tin để đảm bảo thông tin được lưu hành thuận lợi, an toàn, chính xác và thích hợp với đối tượng.
Ở phạm vi ngành, nguyên lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhìn nhận, tiềm năng sản xuất hàng hóa ở vùng trung du miền núi, hải đảo tạo nên sản phẩm đặc sản còn rất lớn và còn nhiều dư địa nhưng làm thế nào để biến tiềm năng thành cơ hội, điều kiện cho bà con phát triển sản xuất liên quan rất nhiều đến thông tin.
Thông tin trên thị trường rất nhiều, vậy chính quyền địa phương tập trung vào thông tin nào để định hướng cho bà con nông dân cho phù hợp.
Mặt khác, thời điểm hiện nay chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là vấn đề nổi cộm, tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu. Thông tin này cần được truyền tải tới bà con và vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương là chủ chốt.
“Cần tập trung nhiều hơn vào thông tin định hướng cho bà con sản xuất ở quy mô nào, hàng hóa gì theo định hướng của thị trường (truy xuất nguồn gốc, sản xuất hữu cơ…). Từ thông tin được truyền tải đó để bà con chuyển tải thành hành động, nguồn lực đầu vào cho sản xuất cũng như đầu ra để tiêu thụ sản phẩm”, bà Trịnh Thị Thanh Thủy nhận định.
Vai trò của Nhà nước trong thực hiện giảm nghèo thông tin là không thể thay thế nhưng để đảm bảo hiệu quả cũng đòi hỏi người nông dân phải chủ động tìm kiếm thông tin mình cần. Chủ động phảnh ánh yêu cầu cho HTX, cán bộ khuyến công, doanh nghiệp, đối tác, thương lái để họ cung cấp thông tin cũng như hướng dẫn tìm kiếm nguồn tin.