Chính trị

Bác Hồ và xây dựng văn hóa ứng xử gia đình

Đ.Diệu 23/06/2023 10:56

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Vì vậy, Bác Hồ từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

ADQuảng cáo

Văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi thành viên trong gia đình và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cũng từ nguồn cội này mà ra.

Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và trao quyền các giá trị văn hóa. Nó tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người. Gia đình Việt Nam với tất cả các mối quan hệ bên trong của nó đang biến đổi trong thời đổi mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới xây dựng gia đình hiện đại. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới.

tai-xuong.jpg
Bác Hồ đến thăm gia đình công nhân ở Trường Công nhân năm 1961. Ảnh tư liệu

Giáo dục ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh trong gia đình là điều cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nếu làm được điều đó, nó sẽ có tác dụng đem đến cho mọi thành viên trong gia đình nói riêng và lan tỏa ra toàn xã hội một niềm tin, một nhận thức đúng đắn về quan hệ xã hội, tránh được những biểu hiện sai lệch do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại.

Bác Hồ cho rằng giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng tác dụng ra làng xã và toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn.

Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Gia đình Việt Nam là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt khiến cho nhiều gia đình Việt có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Vì vậy, Ngày Gia đình Việt Nam đang trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ và xây dựng văn hóa ứng xử gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO