Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất

Hoài Anh 19/05/2023 16:35

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam”….

a59b39.png

Tháng năm về, những lời ca dâng Bác vang lên khắp nơi khiến triệu triệu con tim người Việt Nam nhớ Bác khôn nguôi. Còn nhớ ngày đi học, mỗi dịp tháng năm, tháng sinh nhật Bác, các đội viên, đoàn viên chúng tôi lại được các anh chị phụ trách đội, đoàn kể cho nghe những mẩu chuyện về Bác.

screenshot-840-.png
Hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm hội họa “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình (Nguồn: baodantoc.vn)

Mỗi câu chuyện rất giản dị, rất đời thường nhưng chứa đựng những bài học sâu xa. Đó là câu chuyện về chiếc đồng hồ quả quýt - hiện vật mà suốt những năm kháng chiến gian khổ cho đến ngày Việt Nam độc lập, Bác luôn giữ bên mình.

Quanh chiếc đồng hồ có nhiều câu chuyện ý nghĩa thể hiện khát vọng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyện kể rằng: “Năm 1954, các cán bộ tham gia cải cách ruộng đất đang dự hội nghị tổng kết ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) để rút kinh nghiệm làm tốt đợt mới ở vùng giải phóng thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, anh em bàn tán rất sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán… Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

f309(1).jpg
Phần học kể chuyện "Chiếc đồng hồ" trong cuốn sách Tiếng Việt lớp 5 tập 2

Giữa lúc đó thì Bác Hồ đến thăm hội nghị. Hôm đó giữa mùa thu, nhưng trời vẫn còn nóng. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đầm hai bên vai áo nâu của Bác…Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:

- Các chú có trông thấy cái gì đây không?

Mọi người đồng thanh:

- Cái đồng hồ ạ.

- Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì ?

- Có những chữ số ạ.

- Những cái kim ngắn, kim dài để làm gì?

- Để chỉ giờ, chỉ phút ạ.

- Cái máy bên trong dùng để làm gì?

- Để điều khiển cái kim chạy ạ.

Bác mỉm cười, hỏi tiếp:

- Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư vô lý”.

huy-hieu.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu tặng các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, nhìn mọi người rồi nói: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!!!

Sau đó, Bác kết luận rằng: Mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ.

cover-bac-ho.jpg
Đồ họa: Quang Huy (Nguồn vov.vn)

 Từ một chiếc đồng hồ, Bác đã gợi lên trong lòng mỗi người nhận thức về một bài học có giá trị muôn đời - bài học về sự đoàn kết. Những người Việt Nam dù sinh sống ở đâu, ở trong hay ngoài nước, ở đồng bằng hay rừng núi, hải đảo đều có chung một cội nguồn, một sự gắn bó máu thịt với nhau. Có lẽ, Bác là người hiểu sâu sắc nhất ý nghĩa to lớn về tinh thần đoàn kết và phổ biến sâu rộng chân lý đó cho các cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Với chúng ta, những thế hệ trẻ chưa từng một lần được gặp Bác nhưng vẫn thấy hình ảnh Bác rất đỗi thân quen. Chúng ta không được may mắn để được Bác chia quà hay tặng những kỷ vật như các thế hệ ông cha nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp của Bác qua lời kể của những người từng may mắn được gặp, được làm việc cùng Bác và qua cả những tư liệu còn sống mãi về Bác.

7555a7d.png
Đôi dép cao su theo chân Bác trên mỗi chặng đường (Ảnh tư liệu)

Khi học tại một trường đại học ở Thủ đô Hà Nội, đám sinh viên chúng tôi đã có dịp được tới Bảo tàng Hồ Chí Minh, được tận mắt thấy những kỷ vật rất bình dị của Người.

Trong đó, chúng tôi dừng lại xem lâu nhất là đôi dép cao su đã sờn quai mà Bác vẫn thường đi. Đôi dép cao su được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ năm 1960 đến năm 1969, đế dép được làm bằng lốp, quai được làm bằng săm ô tô, chất lượng cao su tốt, không mùi và rất bền. Tuy nhiên, đôi dép ấy đế quai mòn vẹt nhiều do thời gian sử dụng khá dài. Nó đã theo chân Bác trên mỗi chặng đường.

1-27-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (năm 1967) (Ảnh tư liệu)

Dù tiếp khách trong nước hay khách quốc tế, đến với bộ đội, công nhân, nông dân hay trí thức, Bác vẫn thường đi đôi dép ấy. Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép xách tay. Đi thăm bà con nông dân, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép. Mùa đông, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân.

Đã không ít lần, các đồng chí phục vụ xin Bác đổi dép, thậm chí giấu dép Bác đi nhưng đều không thành, vì theo Bác: “Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên. Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...”.

efa75cb196f07fae26e1.jpg
Bác Hồ thăm nông dân gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên (Ảnh tư liệu)

Khi Bác mất, đôi dép này đã được đặt dưới chân thi hài của Người tại Ba Đình Hà Nội, để đồng bào đồng chí trong nước và nước ngoài đến thăm viếng Người. Sau những ngày lễ tang, đôi dép này được đưa về cơ quan CQ 41 A (tức Văn phòng Hồ Chủ Tịch).

Đầu năm 1970, đôi dép được trưng bày ở ngôi nhà Bác ở dưỡng bệnh và qua đời.

Đến ngày 23/12/1970, đôi dép được chuyển giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh giữ và trưng bày cho đến ngày nay. 

Hình ảnh đôi dép cao su đã sờn quai đã gắn bó với Bác với một quãng thời gian dài khiến chúng ta xúc động về một đức tính giản dị và tiết kiệm của Người, vì trong tâm niệm của Người lúc ấy, “nước ta còn nghèo, dân ta chưa được sung sướng, đồng bào miền Nam còn đau khổ”…

636107298.jpg

Chuyện về Bác Hồ, mỗi chúng ta đã được học ngay từ khi còn nhỏ và lớn lên được nghe lại rất nhiều lần trong các đợt sinh hoạt đoàn, Đảng...

Để học và làm theo giống hệt Bác Hồ là rất khó và có thể là không thực tế, mà mỗi chúng ta chỉ cần tâm niệm một câu dạy của Bác: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. 

screenshot-839-(7).png
Bộ sách "Bác Hồ sống mãi" của Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới công chúng

"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn" (Tố Hữu). Học và làm theo Bác Hồ không chỉ có cán bộ mà còn là mỗi người dân, tất cả chúng ta. Nghe chuyện Bác Hồ, chúng ta cần phải chuyển hóa những giọt nước mắt xúc động thành những hành động trong công việc và đời sống.

Tháng năm về ngào ngạt hương sen, muôn triệu trái tim người Việt Nam lại hướng về sinh nhật Bác, những lời ca tiếp tục vang lên nhắc nhớ chúng ta về lãnh tụ vĩ đại của đất nước.

chu-tich-ho-chi-minh-15112021.jpg

“Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh
Bác đem mùa xuân về mang hoa đẹp cho đời
Bác như bài dân ca ru em bé vào đời
Bác như vì sao sáng sáng giữa trời bao la
Như cánh chim không mỏi bay khắp trời quê hương
Xin khắc sâu ơn Người trong tâm hồn Việt Nam”.

Thuận Yến

bac-ho-133-nam-ngay-sinh-a1-1.png
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO