Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ dạy học ở Pác Bó (phần 2)

Phần II. Bác vừa là thầy giáo

Trong những buổi lên lớp, chúng tôi mắc thói quen nói dài và lại nói nhiều, kết quả anh em tiếp thu được rất ít. Chúng tôi đang vắt óc tìm một phương pháp giảng dạy mới, hợp với trình độ học viên thì một hôm, Bác gọi chúng tôi lên, nghe Bác phân tích về tình hình thế giới.

Để giúp người nghe dễ hình dung thấy tác hại của một cuộc chiến tranh ăn cướp của hai tên đế quốc, Bác lấy ví dụ hình ảnh hai con trâu đực dữ tợn hút nhau trên một đám ruộng sắp gặt: trâu có bị sứt đầu, gãy sừng hay không ta chưa cần biết, chỉ biết chắc chắn là ruộng lúa chín đó sẽ bị quần nát! Bác kết luận: bọn đế quốc gây ra chiến tranh thì bao nhiêu cái khổ, cái cực quần chúng phải chịu đựng hết!

Thật là đơn giản và sinh động. Chúng tôi nhìn nhau sửng sốt. Mỗi lần gặp Bác là một lần chúng tôi thấy được lớn lên nhiều. Tình cờ, một buổi sớm, Bác hỏi tôi về giá cả, thóc, gạo, thức ăn ở chợ dạo này lên xuống ra sao, đời sống nhân dân thế nào… Tôi lúng túng không trả lời được, Bác nói:
- Các chú không cần học lý luận cao xa đâu cả mà học ngay từ những cái hàng ngày mình vẫn thấy, vẫn gặp. Làm thầy giáo thì phải sống với dân, thường xuyên thăm hỏi dân; có thế, khi các chú nói chính sách Việt Minh họ mới nghe, họ mới chịu cho con em ra lớp, họ mới nhiệt tình ủng hộ ta duy trì và củng cố lớp học. Được dân tin, dân yêu, tức là ta đã có thêm một hàng rào sắt để tự bảo vệ.

Bấy giờ lại có một yêu cầu mới đặt ra là hãy mở lớp cho các cháu. Bác hỏi chúng tôi: trẻ em trong bản có bao nhiêu? Các cháu sống thế nào? Bác đề nghị nhất thiết phải mở ngay các lớp này. Bác nói đại ý: Mục đích của việc học là để hiểu biết, nhưng phải là mọi người cùng hiểu biết. Trẻ em là tương lai của nước nhà. Đạo làm cha làm mẹ ai cũng muốn cho con em được ăn học có nơi có chốn, họ sẽ yêu quý thầy giáo. Lớp học không cần tổ chức quy mô. Một cháu đi chăn trâu cũng có thể làm thành một lớp học riêng được, miễn là trò ham học, thầy nhiệt tình.

Không lấy gì làm lạ, trong những năm tháng sống ở Pắc Bó, bên cạnh nhiều bài viết quan trọng khác, Bác còn sáng tác khá nhiều thơ ca để tổ chức và giáo dục thiếu nhi. Không khí học tập ngày một đông vui. Chừng vài ngày, chúng tôi lại thấy Bác hỏi thăm tình hình các lớp: Có cháu nào đau ốm không? Có cháu nào bỏ học không? Các cháu bị đau yếu, cán bộ có chịu tìm thầy lang chạy chữa cho các cháu không? Có khi Bác trực tiếp tìm thuốc chữa bệnh ghẻ, lở, chốc đầu cho từng cháu. Bà con dân bản phục lắm, gọi Bác là “Ông Ké có thuốc tiên”. Bác ví: “Trẻ em như bút trên cành” và vẫn nhắc cán bộ là phải thường xuyên chăm sóc các cháu chu đáo. Tôi còn nhớ, sau khi Bác bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam, vừa trở về nước, Bác đã hỏi ngay đến chuyện học hành của các cháu, đun nước nóng đổ vào đó và Bác gọi trẻ em ra sắp thành hàng, tự tay Bác tắm giặt cho từng cháu rất cẩn thận. Bà con dân bản, đặc biệt là gia đình ông bà cụ Dương Văn Đinh, nơi mà Bác thường lui tới, hết sức cảm kích. Hồi ấy, chị em ở địa phương có phong tục hễ cứ khách lạ đến nhà là họ tìm cách lánh mặt. Có đồng chí cán bộ người miền xuôi, xuống nhà đồng bào vận động cho con em ra lớp học nhưng đồng chí đó chưa kịp đặt chân lên đến nhà thì người mẹ đã lẫn đi đâu mất. Đồng chí này về báo cáo lại với Bác, Bác cười bảo:
- Thế là do chú không hiểu phong tục, tập quán của địa phương và chưa biết cách dân vận đó thôi!

Mỗi khi có dịp “xuống làng”, bao giờ chúng tôi cũng thấy Bác kiếm lá cây hoặc một vật gì đó làm thành đồ chơi để khi tới thăm hỏi các gia đình, làm quà cho các cháu. Trông thấy Bác mặt bộ quần áo Nùng màu chàm, tay rộng, đầu để trần, giống hệt một cụ già người địa phương, lại rất yêu trẻ con, các cháu cứ quấn bên Bác và điều làm chúng tôi phải ngạc nhiên là không một chị em nào… chạy trốn cả!

Đối với chúng tôi, Bác vẫn khuyên là phải tự học, không được thỏa mãn với mình. Không học là dừng lại, mà dừng lại tức là lạc hậu vì xã hội ngày một tiến lên và quần chúng ngày một tiến bộ. Tự học bằng gì và tự học vào lúc nào? Bác gợi ý: học trong quần chúng, học lẫn nhau và học bằng sách, báo. Bác đã nói ra điều gì thì trước hết, Bác tự làm cho được để chứng minh những điều mà Bác chỉ ra. Bác đã có kinh nghiệm, ở rừng mà hay ngủ trưa là dễ sinh ra ốm. Vì vậy, Bác khuyên cán bộ không nên ngủ trưa. Có thể tranh thủ những giờ đó tăng gia rau xanh, đọc sách báo nắm tình hình. Ở đây, xin kể thêm một chi tiết rất vui: Có lần đồng chí Đàm Minh Viên đã “trốn” Bác đi ngủ trên một phiến đá trắng, tay cầm tờ báo, giả như đang đọc chăm chú lắm, bất đồ Bác đi “lùng” và bắt được quả tang. Bác cầm cái roi nhỏ, khe khẽ lay đồng chí này dậy và Bác “phạt” phải ngồi nhặt hết những chiếc lá rừng khô rụng xuống một vùng suối nhỏ cho nước đỡ bẩn, rồi mới được nghỉ! (Còn nữa)

Nguồn: Những câu chuyện kể về Bác Hồ với giáo dục và thế hệ trẻ
NXB Lao động, Hà Nội, 2007

Bác Hồ dạy học ở Pác Bó (phần 2)