Nhận diện mánh khóe của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nháiBà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối nămBà Rịa – Vũng Tàu: Cử tri bức xúc dự án khu đô thị 27 năm chưa hoàn thành |
Khổ vì đường xuống cấp
Nham nhở, chắp vá. Nắng thì bụi, mưa thì ngập. Đây là những phản ánh của những người dân sinh sống trong hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo phản ánh, con hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh đã xuống cấp từ lâu, không được quan tâm sửa chữa, nên ngày càng hư hỏng nặng.
“Nhà nào có xỉ than hay gạch vụn là đem ra trải vào những chỗ ổ voi, ổ gà để lót đường đi tạm. Nắng thì bụi mà cũng không biết phải làm sao”, một người dân sống trong hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh chia sẻ.
Hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu đã xuống cấp nhiều năm nhưng không thể nâng cấp, sửa chữa - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Vì không có hệ thống thoát nước nên mỗi khi trời mưa là con đường lại biến thành sông, khiến cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Thành (phường Thắng Nhất) cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở đây mấy chục năm, cứ hễ trời mưa lớn là nước ngập đến đầu gối, ô nhiễm, đi lại rất khó khăn.
“Từ năm 1993 đến giờ con đường đó vẫn như vậy. Nhiều lần người dân trong phường đi họp Hội đồng nhân dân có phản ánh lên phường mà không thấy có kết quả”, ông Thành lắc đầu ngao ngán.
Sống cảnh tạm bợ vì vướng quy hoạch
Bà Nguyễn Thị Hạnh sinh sống trong căn nhà cấp 4 với diện tích khoảng 100m2 tại hẻm 290/10 Nguyễn Hữu Cảnh đã hơn 20 năm nay. Ngần ấy thời gian, bà không có quyền xây mới lại ngôi nhà đã cũ kỹ, xập xệ chỉ vì vướng quy hoạch.
“Mặc dù căn nhà xuống cấp, nứt nẻ nhiều chỗ nhưng không thể xây mới nên gia đình tôi luôn thấp thỏm lo sợ căn nhà có nguy cơ sụp đổ khi có mưa bão”, bà Hạnh nói.
Không được xây dựng, ông Nguyễn Đức Bảo (ngụ hẻm 290/10 Nguyễn Hữu Cảnh) dựng tạm “ngôi nhà” bằng mấy tấm tôn. Ông Bảo cho biết, đất này gia đình ông khai phá từ trước năm 1985, đường bê tông từ hẻm 290 đi vào người dân phải tự đóng góp. Từ khi vướng vào quy hoạch đến nay, nhà ông cũng chỉ có mấy tấm tôn như thế này, dựng lên để mà giữ đất.
"Ngôi nhà" tạm bợ bằng tôn trong hẻm 290/10 Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
“Người dân trong hẻm đều không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có giấy trắng (Giấy chứng nhận đất nông nghiệp – PV) không được phép cơi nới, xây dựng mới lại ngôi nhà mà chỉ được sửa chữa và thay thế các hạng mục bị xuống cấp. Không biết chúng tôi phải sống trong cảnh này đến bao giờ”, ông Bảo bức xúc chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, hàng trăm hộ dân sinh sống trong hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh nằm trong Dự án Khu trung tâm Chí Linh (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp) làm chủ đầu tư tại Quyết định số 344/TTg ngày 27/5/1996.
Dự án được chia làm 4 khu A, B, C, D. Các khu A, B, D chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng khu C với diện tích gần 145.000m2, thuộc địa bàn phường Thắng Nhất thì chưa được triển khai.
Những con ngõ kiểu như thế này, người dân phải tự bỏ tiền để nâng cấp - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa thực hiện công tác kiểm đếm, bồi thường, hay giải phóng mặt bằng. Đối với hẻm 290 Nguyễn Hữu Cảnh, lực lượng chức năng của thành phố Vũng Tàu đã tiến hành khảo sát nhiều lần nhưng không thể đầu tư.
“Vì không phù hợp quy hoạch và nằm trong dự án của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp nên không thể đưa vào danh mục đầu tư công được”, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị giải thích.
Mới đây, ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII đã yêu cầu UBND tỉnh tiếp thu giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực kinh tế, đất đai, xây dựng và giao thông.
Theo đó, cử tri phường Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) phản ánh, dự án Khu đô thị Chí Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ năm 1996 và đến năm 2016, Bộ Xây dựng cho phép gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2023.
Nhà của người dân không được xây mới, cơi nới - Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Đến nay, đã gần hết thời gian được gia hạn nhưng vẫn còn nhiều khu, hạng mục chưa được triển khai gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân có đất trong dự án.
Do đó, cử tri kiến nghị tỉnh không cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án và nhanh chóng tạo điều kiện cho hơn 600 hộ dân được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.
Bên cạnh đó, cần xóa bỏ quy hoạch xây dựng tại khu C do nhiều lần gia hạn nhưng không khả thi và yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường thiệt hại cho người dân vì nhiều năm bị hạn chế quyền của người sử dụng đất.