Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)

17/04/2024 10:48

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.

ADQuảng cáo
Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 1.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Ngày 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo đó, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 2.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa

Thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, việc sửa luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 3.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều). Cụ thể: 

Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); 

Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); 

Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 30 điều (từ Điều 20 đến Điều 49); 

Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60); 

Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74); 

Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78); 

Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 12 điều (từ Điều 79 đến Điều 90); 

Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 91 đến 99); 

Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 100 đến Điều 102).

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 4.

Ba chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: 

Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; 

Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; 

Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về mối quan hệ giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến của Thành viên Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, tổ chức họp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để thống nhất xử lý về tiêu chí, phạm vi điều chỉnh giữa hai (02) dự thảo Luật. 

Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 3372/TBTTKQH ngày 28/02/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất nội dung tài liệu có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt có các tiêu chí được xác định ở cấp độ thấp hơn các tiêu chí được xác định là “bảo vật quốc gia” và “di sản tư liệu” của Luật Di sản văn hóa. 

Theo đó, để đảm bảo không chồng chéo giữa 02 Luật, tại cuộc họp, đại diện hai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ đã thống nhất một số công việc triển khai liên quan đến hai Luật.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 5.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001.
ADQuảng cáo

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ.

Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Trong quá trình tiếp thu, giải trình các nội dung, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy định chi tiết để các văn bản hướng dẫn có hiệu lực đồng thời với Luật, bảo đảm chất lượng...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. 

Đồng thời, nhận thấy, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, cơ bản thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật. 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

Về sở hữu di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa. 

Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Đối với nội dung về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban nhận thấy, quy định về hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết nhưng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bảo đảm phù hợp, đầy đủ, thống nhất và khả thi.

Về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước” yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

Trong thực tế, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia. Do vậy, đề nghị tiếp tục cân nhắc về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 6.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (Điều 100) là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa sửa đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “lập thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” vào mục 194 của Phụ lục IV của Luật Đầu tư để thống nhất với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 75 dự thảo Luật; chưa sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thống nhất với quy định tại Điều 89 dự thảo Luật. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: Đánh giá việc sửa đổi lần này đã khắc phục được những bất cập, vướng mắc chỉ ra trong báo cáo tổng kết thực hiện luật hay chưa, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đạt được các mục tiêu đặt ra khi xây dựng luật chưa, các chính sách đã nêu đã đầy đủ, rõ ràng, khả thi chưa, có chồng chéo, mâu thuẫn gì với hệ thống pháp luật hay không?

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những nội dung trọng tâm trong báo cáo đã trình bày cũng như các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa

Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu ý kiến; đại diện một số ngành cũng báo cáo một số vấn đề cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, chu đáo, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu tác động; về cơ bản dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí, đánh giá cao ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, góp ý chi tiết nhiều nội dung dự thảo luật.

Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)- Ảnh 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuy nhiên đây là dự thảo luật rất quan trọng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều luật vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra lưu ý các nội dung đại biểu có ý kiến tại Phiên họp về: chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, cải tạo nâng cấp các di sản văn hóa để phát triển văn hóa; định mức đơn giá trong các công trình văn hóa phải đảm bảo tuổi thọ lâu dài; vấn đề bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; bố cục dự thảo luật và tính thống nhất của các luật khác, trong đó lưu ý thống nhất với Luật Lưu trữ sắp được Quốc hội sẽ thông qua; vấn đề thủ tục hành chính và đầu tư kinh doanh; nguồn lực đảm bảo kinh phí trong phân công, phân cấp, trách nhiệm thực hiện.

Các ý kiến tại phiên họp được ghi âm, ghi chép đầy đủ, trên cơ sở ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Luật. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra, tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.



ADQuảng cáo
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ba-noi-dung-quan-trong-trong-du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-119240417104827665.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba nội dung quan trọng trong dự thảo LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO