Việc tử tế

Bà ngoại đi mót lúa, nuôi hai cháu ăn học

Thanh Hằng 11/01/2023 07:30

Từ ngày con rể qua đời, con gái bỏ đi, bà Nông Thị Sấng thôn Esnô, xã Đắk D’rô (Krông Nô) trở thành người thân duy nhất của 2 đứa cháu ngoại. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp, hàng ngày bà Sấng đi mót lúa ngoài đồng nuôi 2 cháu không phải bỏ học, thiếu ăn.

ADQuảng cáo

Tâm sự của đứa trẻ “mồ côi”

Gần 10 năm qua, kể từ ngày con rể mất, con gái bỏ đi, bà Nông Thị Sấng vừa là cha, là mẹ, là chỗ dựa tinh thần cho hai em Lý Văn Thuận (SN 2007) và Lý Kim Oanh (SN 2009). Trong căn nhà không có thứ gì đáng giá ngoài mấy bao lúa đã nói lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình 3 người.

151328hinh-3(1).jpg
Hằng năm, bà Sấng (bên trái) đi mót lúa sót về dự trữ, nuôi các cháu đến trường.

Trong lúc bà ngoại trò chuyện với khách, Lý Văn Thuận lúi húi trong bếp, ăn vội chén cơm trưa để kịp giờ đi làm. Dù mới 15 tuổi, Thuận đã thay bà cáng đáng nhiều việc trong nhà. Sau mỗi giờ học buổi sáng, Thuận lại tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Có ngày, công việc phụ quán ăn kéo dài đến tận 23h đêm nhưng thu nhập chỉ chưa đến 100.000 đồng/ngày. Lý Văn Thuận chia sẻ: “Năm em học lớp 2, em gái chưa được 5 tuổi thì bố bị bệnh qua đời. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai mẹ. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 năm, mẹ em cũng bỏ đi. Hai anh em thành trẻ mồ côi”.

“Trẻ mồ côi”- Thuận nhắc đến số phận của hai anh em một cách bình thản. Mẹ chỉ bỏ đi, nhưng gần 10 năm qua, cả 2 anh em Thuận được gặp mẹ một vài lần. Không có được tình cảm của mẹ, cũng chưa từng được mẹ hỏi thăm nên từ lâu, cả 2 đứa trẻ đã mang tâm lý rằng mình không còn mẹ.

151323hinh-2(1).jpg
Lý Văn Thuận dù mới 15 tuổi nhưng đã cáng đáng nhiều việc, đi làm thuê để phụ giúp bà

Bà đi mót lúa để nuôi 2 cháu đến trường

Cũng từ ngày thiếu đi tình cảm của bố, mẹ, Thuận và em gái sống cùng bà ngoại. Do cuộc sống khó khăn, lại không có đất sản xuất, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà Sấng lại đi mót nhặt lúa sót để nuôi các cháu. Số lúa nhặt về, bà Sấng phơi khô rồi treo trên trần nhà, dự trữ để bà cháu ăn dần.

ADQuảng cáo

Bà Sấng cho biết, bà là người dân tộc Tày, từ Cao Bằng vào Đắk Nông lập nghiệp, nhưng vì không đủ điều kiện để mua đất sản xuất nên quanh năm chỉ đi làm thuê. Không biết chữ, lại không rành tiếng Kinh, công việc cũng đơn giản là nhặt cỏ, hái cà phê thuê hoặc trỉa bắp cho người dân trong vùng.

151317hinh-1(1).jpg
Căn nhà mà bà Sấng cùng 2 cháu ngoại đang ở nằm tại thôn Esnô, xã Đắk D'rô (Krông Nô)

“Những năm trước tôi còn đi làm xa được, bây giờ chỉ đi làm quanh nhà. Ai kêu làm gì thì làm đấy, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Những ngày này trời tối sớm, gió thổi lạnh nên Thuận cũng đi làm thuê cùng bà. Có hôm đi vác bắp, lúa, phụ hồ, hôm lại đi bốc vác trụ trồng tiêu cho người ta. Nhìn dáng nó nhỏ bé nhưng việc gì nó cũng làm”, bà Sấng nhắc về cháu ngoại của mình.

Khi được hỏi về mơ ước của mình, Thuận tâm sự: “Bản thân em cũng rất muốn được đi học, nhưng nếu học lên bậc THPT thì bà sẽ vất vả, em gái cũng không yên tâm đến trường. Nên có lẽ tốt nghiệp THCS, em sẽ đi học nghề để sớm kiếm được việc làm”.

Về phần mình, Lý Kim Oanh cũng sớm tự lập, trở thành đứa trẻ rất hiểu chuyện. Gạt bỏ những thiếu thốn về vật chất, những lời đùa vô ý “không có mẹ”, Oanh  luôn cố gắng trong cả học tập và việc nhà, nên 6 năm học qua, em đều là học sinh tiên tiến, xuất sắc của trường.

4012-xh-4.jpg
Lý Kim Oanh dù thiếu thốn tình cảm, nhưng rất nỗ lực để đạt thành tích cao.

Lý Kim Oanh nói: “Có những lúc em tủi thân, khóc rất nhiều vì nhà nghèo, lại không có bố mẹ bên cạnh. Nhưng nhiều năm trôi qua, em và anh trai không buồn nữa. Em chỉ sợ, sau này bà già yếu, mất anh em sẽ không còn người thân nào để nương tựa...”.

Thầy Đỗ Ngọc Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Đắk D'rô cho biết, Lý Văn Thuận và Lý Kim Oanh có hoàn cảnh khó khăn nhất trường. Nhà trường đã huy động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các em. Tuy nhiên, quãng đường phía trước còn dài, sự giúp đỡ của trường còn chưa thấm vào đâu, chính vì vậy, rất mong nhận được sự giúp đỡ để hai anh em yên tâm đi học, giảm bớt gánh nặng cho bà ngoại.

Mọi đóng góp, ủng hộ xin gửi về: Bà Nông Thị Sấng, thôn Esnô, xã Đắk D’rô huyện Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông thông qua cô giáo Trần Thị Thu (giáo viên chủ nhiệm Lý Văn Thuận), SĐT: 0964.980.436 hoặc thông qua Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Ðắk Nông, tài khoản: 63510000006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Ðắk Nông; tài khoản: 5300666787979 tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank Ðắk Nông, SÐT: 02613.544244.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà ngoại đi mót lúa, nuôi hai cháu ăn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO