Ba Lan và Hungary cho rằng quy định mới được đề xuất bắt buộc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là hành động cưỡng bức hợp pháp.
Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ba Lan và Hungary ngày 6/10 đã lên tiếng phản đối kế hoạch thay đổi hệ thống di cư của Liên minh châu Âu (EU), đe dọa sẽ phủ quyết các đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Tây Ban Nha.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố: “Kế hoạch bố trí những người nhập cư bất hợp pháp đến các quốc gia không muốn chấp nhận họ và áp đặt các hình phạt hà khắc... Ba Lan cực lực phản đối biện pháp này."
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả những quy định mới được đề xuất bắt buộc các quốc gia thành viên EU phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là “hành động cưỡng bức hợp pháp." Ông quả quyết: “Không có cơ hội đạt được bất kỳ hình thức thỏa hiệp và thỏa thuận nào về vấn đề di cư. Về mặt chính trị, mục tiêu đó là không thể… bởi vì về mặt pháp lý, chúng tôi đã bị cưỡng bức."
Vấn đề người di cư đã trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt giữa các quốc gia thành viên EU sau khi hàng nghìn người xin tị nạn đổ bộ lên đảo Lampedusa của Italy.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha, quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU, đã không đưa cuộc khủng hoảng vào chương trình nghị sự của EPC trong ngày 5/10. Động thái này đã khiến các nước châu Âu như Italy và Anh thất vọng.
Thủ tướng Italy Georgia Meloni và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, được Pháp và Hà Lan hậu thuẫn, đã thúc đẩy kế hoạch ngăn chặn tàu thuyền chở người xin tị nạn ngay từ khi khởi hành đến châu Âu.
Đầu tuần này, đa số các quốc gia thành viên EU đã nhất trí sửa đổi các quy định về xử lý người xin tị nạn và người di cư bất hợp pháp, thúc đẩy Nghị viện châu Âu (EP) ban hành thành luật.
Thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người di cư do Tây Ban Nha đề xuất có tên Hiệp định về Di cư và Tị nạn mới của EU.
Hiệp định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia nằm ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác.
EU cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.
Bên cạnh đó, EU cũng kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay./.