Bộ Ngoại giao Ba Lan đang đối mặt với vụ bê bối thị thực. (Nguồn: Euractiv)
Ngày 15/9, Bộ Ngoại giao Ba Lan thông báo sa thải Vụ trưởng Vụ Pháp chế của bộ này và hủy hợp đồng với tất cả các công ty được thuê tiếp nhận đơn xin thị thực vào Ba Lan.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin về “vụ bê bối tham nhũng” liên quan việc cấp thị thực cho hàng trăm nghìn người vào châu Âu qua Ba Lan.
Theo đó, Ngoại trưởng Zbigniew Rau quyết định tiến hành một cuộc thanh tra và kiểm toán đặc biệt tại cơ quan lãnh sự của Bộ và tất cả các cơ quan đại diện lãnh sự của Ba Lan, đồng thời sa thải Vụ trưởng Vụ Pháp chế Jakub Osajda.
Ông Osajda cũng từng làm Trợ lý cho Thứ trưởng Ngoại giao Piotr Wawrzyk, người bị sa thải vào ngày 31/8 với lý do "thiếu sự hợp tác thỏa đáng.”
Nhật báo Gazeta Wyborcza đưa tin Thứ trưởng Wawrzyk là người chịu trách nhiệm về các vấn đề lãnh sự và thị thực.
Theo tờ báo này, chính Wawrzyk là tác giả của dự thảo quy định liên quan đến việc tạo điều kiện cấp thị thực cho người lao động tạm thời từ khoảng 20 quốc gia, bao gồm các quốc gia Hồi giáo.
Tờ báo cho biết chỉ thị này giả định "khả năng tuyển dụng tới 400.000 công nhân ở Ba Lan."
Trước đó, ngày 14/9, 7 người bị buộc tội liên quan tới những bất thường trong việc cấp thị thực lao động.
Các nhóm đối lập cáo buộc chính phủ là “đồng phạm” của một hệ thống cho phép người di cư nhận được thị thực với thời gian nhanh hơn mà không có sự kiểm tra thích hợp sau khi trả tiền cho trung gian.
Theo truyền thông Ba Lan, vụ bê bối nổ ra sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác cảnh báo Warsaw về số lượng người nhập cư cao bất thường với thị thực Ba Lan.
Đáng chú ý, vụ bê bối xảy ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Ba Lan vào ngày 15/10 tới. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền cáo buộc phe đối lập phóng đại mức độ của vấn đề.
Trong khi đó, lãnh đạo của Liên minh Dân sự, cựu Thủ tướng Donald Tusk đánh giá đây là vụ bê bối lớn nhất ở Ba Lan trong thế kỷ này./.