Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. (Nguồn: AP)
Ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Australia, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du khu vực Thái Bình Dương, nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở khu vực này.
Hai quan chức Mỹ đã có cuộc gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles, trước khi tham dự Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia-Mỹ (AUSMIN) lần thứ 33 vào ngày 29/7.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Australia Albanese nói rằng Australia và Mỹ đang và sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định liên minh Mỹ-Australia “chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này." Ông Blinken nhấn mạnh mối quan hệ đối tác và bạn bè gần gũi giữa hai nước đã tạo nên sự khác biệt trong bối cảnh thách thức địa chiến lược gia tăng.
Trong chuyến thăm Tritium - nhà sản xuất bộ sạc xe điện có trụ sở ở Brisbane, bang Queensland (Australia), Ngoại trưởng Blinken nói rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang nhanh chóng trở thành một “trụ cột” trong quan hệ liên minh Mỹ-Australia.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng trở thành mối đe dọa an ninh khi Australia và các nước khác ở khu vực Thái Bình Dương ghi nhận số người thiệt mạng gia tăng do thảm họa thiên nhiên gây ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước khi đến Australia, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã đến thăm hai quốc gia khác ở Nam Thái Bình Dương là Tonga và New Zealand. Trong khi đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã đến thăm Papua New Guinea.
Theo hãng tin AFP, dự kiến hợp tác quân sự có thể sẽ là chủ đề thảo luận chính tại cuộc họp AUSMIN năm nay.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken cũng tận dụng chuyến công du này để phát đi tín hiệu rằng những vấn đề như biến đổi khí hậu và an ninh chuỗi cung ứng cũng là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự.
Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận tại cuộc họp AUSMIN lần này cũng là dịp để hai bên đề cập chi tiết thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS). Hiện mối quan tâm chính đối với thỏa thuận này liên quan đến hợp tác chiến tranh trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Một vấn đề khác có thể được đề cập đến là những nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu đời với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Không chỉ Mỹ và Australia thúc đẩy hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và môi trường, Pháp cũng đang tham gia nỗ lực này.
Ngày 28/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Papua New Guinea trong khuôn khổ chuyến công du các nước Nam Thái Bình Dương.
Tại đây, ông Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các khu rừng vốn là “lá phổi xanh” giúp chống biến đổi khí hậu. Pháp đã ký với Papua New Guinea dự án quản lý rừng, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Dự án này sẽ do cơ quan phát triển Pháp quản lý với nguồn hỗ trợ tài chính trị giá 60 triệu euro (tương đương khoảng 66 triệu USD) từ Liên minh châu Âu.
Trước đó, tại hai điểm dừng chân là quần đảo New Caledonia thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương và Cộng hòa Vanuatu, Tổng thống Macron đã kêu gọi cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong chuyến công du này, thông điệp mà nhà lãnh đạo Pháp muốn gửi đến các nhà lãnh đạo ở khu vực là Pháp thấu hiểu mối đe dọa mà các quốc đảo này phải đối mặt, từ nguy cơ nước biển dâng, đến hình thái thời tiết cực đoan và những thiệt hại tài chính mà các nước phải gánh chịu./.