Australia tăng cường gắn kết Thái Bình Dương

NHƯ NGỌC| 15/11/2023 05:18

Dự luật về "Chương trình thị thực gắn kết Thái Bình Dương" được Quốc hội Australia thông qua nhằm mở ra cơ hội định cư lâu dài tại Xứ sở Chuột túi cho tối đa 3.000 công dân của các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste mỗi năm. Chương trình này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường gắn kết người dân, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục và kinh doanh giữa Australia với các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste.

Theo Chính phủ Australia, dự luật nêu trên được xây dựng nhằm đem lại các cơ hội sinh sống, học tập và làm việc tại Australia cho công dân các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste. Dự luật này cũng sẽ được điều chỉnh nhằm mở rộng hỗ trợ với những người tham gia chương trình, giúp họ trang trải các chi phí tại Australia.

Dự luật sẽ cung cấp một quy trình công bằng và minh bạch, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận chương trình một cách bình đẳng cho những người tham gia ở mọi nghề nghiệp và trình độ, nhằm tránh chảy máu chất xám ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo "Chương trình thị thực gắn kết Thái Bình Dương", việc phân bổ 3.000 thị thực mỗi năm sẽ dựa trên một số yếu tố, như cộng đồng người nước ngoài tại Australia, cũng như quy mô dân số, nhu cầu và cơ hội nhập cư của công dân các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste. Chính phủ Australia cũng sẽ tham vấn với các nước này về sự phân bổ thị thực nhằm bảo đảm chương trình có thể đáp ứng các nhu cầu và mục tiêu chung.

Để được cấp loại thị thực mới này, công dân của các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste phải trong độ tuổi từ 18 đến 45 và cần đáp ứng các tiêu chí cần thiết về sức khỏe, tiếng Anh, có lời mời làm việc từ phía Australia... Cơ quan chức năng của Australia sẽ cấp thị thực cho những người đủ điều kiện thông qua quy trình lựa chọn ngẫu nhiên. Sau đó, những người này có thể nộp đơn xin thường trú tại Australia.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cho biết, lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đã chia sẻ với Australia về mong muốn kết nối sâu rộng hơn và tạo điều kiện di chuyển dễ dàng hơn trong khu vực. Bà P.Wong khẳng định, Australia cấp loại thị thực mới với mong muốn đóng góp vào việc xây dựng một "gia đình Thái Bình Dương" đoàn kết và mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương Australia Pat Conroy cũng cho rằng, việc thông qua dự luật chứng tỏ Australia đã lắng nghe những mong muốn của các đảo quốc Thái Bình Dương và thực hiện các cam kết của mình.

Ông P.Conroy nhấn mạnh, dự luật này thể hiện sự coi trọng của Canberra với mối quan hệ giữa Australia và các đảo quốc Thái Bình Dương, cùng Timor Leste.

Bộ trưởng Di trú, Quốc tịch và Đa văn hóa Australia Andrew Giles nhận định, chương trình hướng đến các mục tiêu vì lợi ích quốc gia của Australia, đồng thời sẽ góp phần vào sự ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ đối tác ở Thái Bình Dương.

Một số đảo quốc Thái Bình Dương hoan nghênh việc Australia thông qua dự luật. Đánh giá cao những cơ hội mở ra với người di cư đến Australia, song Trung tâm Tư vấn và Quyền di trú (IARC) của Australia nêu quan ngại về quy trình lựa chọn ngẫu nhiên người được cấp thị thực.

Trong khi đó, Giáo sư Stephen Howes của Đại học Quốc gia Australia cho rằng, quy trình này đã được áp dụng hiệu quả trong chương trình cấp thị thực tương tự ở New Zealand.

Chính phủ Australia đặt mục tiêu triển khai "Chương trình thị thực gắn kết Thái Bình Dương" vào năm 2024, sau khi tất cả văn bản liên quan được thông qua. Chương trình tiếp tục nhận được sự tham vấn chặt chẽ từ chính phủ các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste nhằm đáp ứng được nhu cầu của mỗi nước, đồng thời góp phần xây dựng một khu vực Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và tự cường.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/australia-tang-cuong-gan-ket-thai-binh-duong-post782625.html
Copy Link
https://nhandan.vn/australia-tang-cuong-gan-ket-thai-binh-duong-post782625.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Australia tăng cường gắn kết Thái Bình Dương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO