Một ống hút nhựa và những mảnh bóng bay màu đỏ được tìm thấy bên trong cơ thể một chú chim hải âu bị chết ngoài khơi bờ biển Brisbane, Australia, năm 2016. (Ảnh: AP)
Là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc xử lý rác thải nhựa, Australia ngày càng mạnh tay trong việc hạn chế các sản phẩm làm từ nhựa với việc thêm 3 bang đã ra các lệnh cấm mới, trong khi việc loại bỏ dần các mặt hàng nhựa dùng một lần vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp cả nước.
Theo đó, chính quyền bang Queensland đã chính thức cấm việc thả bóng bay hàng loạt sau khi các nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng bóng bay là mối đe dọa đáng kể đối với các loài chim biển bởi chúng có thể nhầm chúng với thức ăn.
Trong khi đó, bang Nam Australia đã ra lệnh cấm tất cả các loại bát và đĩa nhựa. Cả ba bang Queensland, Nam Australia, Tây Australia cũng sẽ chấm dứt việc dùng tăm bông que nhựa.
Trong năm tới, bang Nam Australia và bang Tây Australia sẽ tiếp tục loại bỏ hẳn ly cốc, nắp càphê, túi đựng trái cây, rau củ và hộp đựng đồ ăn sản xuất từ nhựa.
Ngoài ra, bang Queensland và bang Tây Australia còn chuẩn bị cấm bao bì polystyrene dạng rời, cũng như những hạt nhựa siêu nhỏ thường thấy trong các sản phẩm tẩy tế bào chết và chất tẩy rửa.
Hiện tại, các sản phẩm dao, kéo, que khuấy đồ uống, ống hút bằng nhựa cũng như hộp nhựa trong và mỏng đã bị cấm ở mọi bang và vùng lãnh thổ của Australia, ngoại trừ bang Tasmania và Lãnh thổ phía Bắc.
Túi nylon đựng hàng hóa tại một siêu thị của Australia. (Nguồn: Getty Images)
Lãnh thổ phía Bắc có kế hoạch ban hành lệnh cấm đồ nhựa vào năm 2025, nhưng bang Tasmania vẫn chưa có động thái nào khác ngoài hạn chế túi mua sắm sử dụng một lần.
Theo Bảng đánh giá hàng năm của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Australia (WWF-Australia) giai đoạn 2019-2023, các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã đạt được những tiến bộ tích cực trong việc loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai các quy định này còn thiếu sự nhất quán giữa các bang và vùng lãnh thổ ở Australia.
Mặc dù việc thả bóng bay khí heli bị cấm ở bang Queensland, nhưng nó vẫn hợp pháp ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia, nơi những người tham gia các bữa tiệc, biểu tình hoặc quảng cáo có thể thả tối đa 20 quả bóng bay cùng một lúc.
Australia triển khai việc cấm nhựa sử dụng một lần vào năm 2009, khi Nam Australia trở thành bang đầu tiên ngừng sử dụng các loại túi nylon mỏng nhẹ để thay thế bằng những loại túi nhựa dày có thể tái sử dụng.
Tuy nhiên, túi nhựa dày hiện không còn là lựa chọn tối ưu. Bang Nam Australia cùng bang Queensland “học tập” chính quyền Tây Australia loại bỏ túi nhựa, thay thế bằng túi giấy hoặc các lựa chọn khác bền vững hơn.
Các chuyên gia cho biết các sản phẩm nhựa mềm - bao gồm các loại bao bì nhỏ, túi nylon, ống hút, dao, dĩa và cốc dùng một lần - có tỷ lệ thu hồi và tái chế chỉ dưới 10%. Trong khi đối với tất cả các loại sản phẩm nhựa khác (các vật dụng cứng hơn như chai, lọ), con số này là khoảng 18%.
Ống hút bằng nhựa cũng như hộp nhựa trong và mỏng bị cấm ở hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Australia. (Nguồn: Shutterstock)
Tiến sỹ Nick Florin, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Tương lai Bền vững thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) cho biết nhiều loại sản phẩm trong số này rất khó thu hồi hoặc tái chế. Ông nhấn mạnh rằng một phần của chiến lược cấm các sản phẩm nhựa là cần phải giải quyết những vấn đề nằm ngoài chuỗi cung ứng.
Vào năm 2021, chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia đã ký kết một thỏa thuận tự nguyện nhằm loại bỏ dần 8 loại rác thải nhựa " không cần thiết và gây thách thức cho môi trường."
Các sản phẩm này bao gồm túi nylon nhẹ, các sản phẩm nhựa gây hiểu lầm là “có thể tự phân hủy,” dụng cụ ăn uống bằng nhựa, ống hút nhựa, hộp đựng thức ăn bằng nhựa PS, bao bì hàng tiêu dùng bằng polystyrene và hạt vi nhựa trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Australia (ABS), người dân Australia tiêu thụ gần 3,5 triệu tấn nhựa mỗi năm, trong đó gần 85% đổ ra các bãi rác thải. Tuy nhiên, trong quá trình được vận chuyển từ nhà ra bãi rác, phần lớn rác thải nhựa đã trôi xuống các đường ống cống.
Ông Shane Cucow từ Hiệp hội Bảo tồn Biển Australia cho biết nhựa mềm, bao bì thực phẩm, bao bì đồ uống chiếm hơn 70% trong lượng rác thải nhựa được tìm thấy trong quá trình làm sạch biển của Australia.
Vì vậy, theo ông Shane Cucow, cần có một số quy tắc - không chỉ loại bỏ dần nhựa sử dụng một lần - mà còn phải nghiêm túc yêu cầu các công ty sản xuất các sản phẩm bao bì có thể sử dụng bền vững hơn./.