Một góc trang trại điện mặt trời tại bang New South Wales. (Ảnh ACEN RENEWABLES) |
Báo cáo về khí thải nhà kính quốc gia của Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia ước tính, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong mọi lĩnh vực năm 2023 ở mức 432,9 triệu tấn các-bon dioxide tương đương (CO2e), thấp hơn 0,5% so với mức của năm 2022.
Nhờ các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời..., được bổ sung vào nguồn cung cấp điện quốc gia, lượng khí thải trong quá trình sản xuất điện năm 2023 giảm 2,8% so năm trước đó.
Bộ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu, Năng lượng Môi trường và Nước Australia Chris Bowen cho biết, sản lượng năng lượng tái tạo trong thị trường điện quốc gia tăng 25% từ tháng 5/2022. Theo báo cáo, lượng phát thải do hoạt động khai thác than và sử dụng khí đốt tự nhiên cũng có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, lượng phát thải do hoạt động vận tải tăng vì nhu cầu đi lại, du lịch sau đại dịch Covid-19 dần phục hồi. Lượng khí thải của ngành nông nghiệp cũng tăng nhẹ.
Trước đó, Cơ quan Kiểm kê chất ô nhiễm quốc gia thuộc Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước Australia nhận định, lượng bụi mịn trong không khí, cũng như nhiều loại khí thải, ở Australia giảm trong 10 năm qua.
Là tổ chức đại diện các doanh nghiệp lớn trong ngành điện và khí đốt tự nhiên của nước này, Hội đồng Năng lượng Australia đánh giá tích cực về những số liệu nêu trên, đồng thời dự báo, đà giảm lượng khí thải nhiều khả năng được duy trì trong những năm tới.
Những kết quả nêu trên có được là nhờ nỗ lực giảm khí thải của Australia trong nhiều năm qua. Australia nâng mục tiêu cắt giảm khí thải; tài trợ các dự án nghiên cứu và thí điểm về công nghệ xanh, phát thải thấp; thúc đẩy các ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông giảm lượng khí thải; nâng cấp hệ thống theo dõi lượng khí thải nhà kính quốc gia...
Cùng cộng đồng quốc tế chung tay làm chậm quá trình nóng lên của trái đất, Canberra tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu. Theo đó, Australia đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy cắt giảm khí methane đối với ngành năng lượng, nông nghiệp và xử lý rác thải.
Theo ông Bowen, Chính phủ Australia đang triển khai các biện pháp giảm phát thải theo hướng tạo cơ hội để người dân hưởng lợi từ tiến trình chuyển đổi năng lượng và giảm chi phí sinh hoạt.
Theo đó, Quỹ nâng cấp năng lượng hộ gia đình (HEUF) trị giá một tỷ USD cung cấp những khoản vay chiết khấu giúp các hộ gia đình lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, cũng như nhiều loại thiết bị tiết kiệm năng lượng khác. HEUF được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hơn 110 nghìn hộ gia đình ở Australia giảm bớt hóa đơn tiền điện, cũng như áp lực về chi phí sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Australia sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận ô-tô thân thiện với môi trường và có giá phải chăng hơn. Tiêu chuẩn về hiệu suất phương tiện dự kiến được áp dụng đối với ô-tô được sản xuất mới từ tháng 1/2025. Chính sách này nhằm giảm hơn 60% lượng khí thải từ những phương tiện mới vào năm 2030.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Australia đặt mục tiêu lượng phát thải khí thải nhà kính vào năm 2030 giảm 43% so với mức năm 2005 và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước nhận định, Australia đang trong lộ trình giảm 42% lượng phát thải vào năm 2030, gần bằng mục tiêu đã đề ra.
Trong giai đoạn 2021-2030, lượng khí thải được dự báo sẽ thấp hơn 1% so với hạn ngạch phát thải. Bộ này nhận định, nếu các biện pháp giảm khí thải đang được thực hiện, cũng như các chính sách hiện trong tiến trình hoàn thiện được triển khai hiệu quả, ở cấp liên bang, cũng như từng bang và vùng lãnh thổ liên bang của Australia thì những dự báo này có khả năng trở thành hiện thực.