Ðầu tư công - Tiền đề cho bứt phá giai đoạn mới

Nguyễn Lương| 01/02/2023 15:27

Đắk Nông đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh xem đây là một trong những tiền đề quan trọng để tạo bứt phá cho giai đoạn mới.

ADQuảng cáo

Giai đoạn khó khăn

Cả giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Đắk Nông chỉ gần 64.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,1%/năm. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 30.828 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 11,92%; giai đoạn 2016-2020 đạt 32.746 tỷ đồng. Riêng năm 2021 đạt 16.840 tỷ đồng. Đây được xem là những con số khá khiêm tốn.

Nguồn vốn còn hạn hẹp dẫn đến sự đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế chưa cao. Kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trên địa bàn còn chậm so với yêu cầu phát triển. Nhiều chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Điều này dẫn đến chưa bảo đảm vai trò động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Chưa kể, nhiều kiến nghị về hạ tầng lớn, quan trọng của tỉnh chưa được Trung ương quan tâm đầu tư như: cao tốc, đường sắt, sân bay, nâng cấp các tuyến quốc lộ…. Nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm cấp tỉnh còn hạn chế.

Trao đổi về nguồn vốn đầu tư thời gian qua tại Đắk Nông, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, vốn đầu tư trong 10 năm qua của Đắk Nông tổng thể huy động đạt chưa đầy 4 tỷ USD.

Tức bình quân mỗi năm, tỉnh huy động gần 400 triệu USD. Trong đó, một phần khá lớn của đầu tư công. Điều này chứng tỏ vốn đầu tư khá khiêm tốn. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao.

Dự án Quảng trường Trung tâm đang được đầu tư xây dựng

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ, chưa triển khai do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Khả năng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hạn hẹp. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho hay, công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều khó khăn.

Vốn đầu tư hạ tầng rất lớn do địa hình bị chia cắt. Thực trạng này thể hiện tính chưa sẵn sàng để triển khai phát triển đột phá ngay như mong đợi. Chiến lược hiện nay của Đắk Nông cần phải tiến hành từng bước.

Nhiều khả quan về nguồn lực

Theo phương án phát triển được lựa chọn, tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng từ 32-35%. Con số này tương đương với tổng nguồn vốn đầu tư tỉnh Đắk Nông cần để đạt mục tiêu phát triển trong kỳ quy hoạch vào khoảng 250.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2030, Đắk Nông có nhiều khả quan về huy động nguồn lực. Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 16.000 tỷ đồng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, giai đoạn 2020-2025 xác định phấn đấu mỗi năm bình quân tăng 15%.

ADQuảng cáo

“Sắp tới, chúng ta hy vọng các dự án do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đăng ký đề xuất dự án đầu tư như đường cao tốc, các tổ hợp bô xít- alumin, các dự án điện tái tạo… Với những khả quan này, chúng ta cơ bản bảo đảm khả năng đáp ứng được nhu cầu vốn phát triển trong thời kỳ quy hoạch”, Giám đốc Sở KHĐT Trần Đình Ninh cho biết.

Ngoài những dự án lớn, dựa vào mục tiêu thu ngân sách trong 10 năm tới, dự báo nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 là khoảng 50.000 tỷ đồng.

Con số này chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đây là con số hợp lý và đạt mức bình quân các giai đoạn trước. Cộng thêm giai đoạn 2021-2030 khu vực ngoài Nhà nước dự kiến đóng góp vào vốn đầu tư phát triển bình quân đạt trên 80% nữa.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Thực tế, giai đoạn vừa qua, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước ở cấp Trung ương còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch từ ngân sách Nhà nước cũng không có sự tăng nhiều. Do vậy, giai đoạn tới, Đắk Nông cần khai thác và phát huy tối đa nguồn lực từ nhiều khu vực để thực hiện quy hoạch.

Theo phân tích của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Đắk Nông hiện đang đạt trên 7. Nghĩa là tỉnh đầu tư 7 đồng vốn năm nay thì sang năm mới thu hồi thêm được 1 đồng GRDP. Như vậy là quá cao.

“Tới đây, Đắk Nông có thể thu hút đầu tư lên gấp 3 đến 5 lần mức này mới bùng nổ được. Thu hút vào đâu, đầu tư như thế nào mới là quan trọng. Nếu không xác định được điều này, mà chỉ số ICOR cao như thế thì tương quan về vốn, năng lực thu hút tại Đắk Nông sẽ trở thành thách thức”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nói về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư thời gian tới, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta phải chú ý tăng thêm sự hỗ trợ vốn từ Trung ương, còn không thì sẽ không phù hợp.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đắk Nông còn diện tích đất rất lớn. Do vậy, tỉnh cần tận dụng khai thác tiềm năng quỹ đất trong huy động nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

“Tỉnh cần thêm nhiều giải pháp khai thác đất đai, cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực từ đất thực sự phù hợp. Có như vậy, lĩnh vực này mới phát huy hiệu quả, hạn chế lãng phí từ đất đai”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hỗ trợ ODA…

Việc tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch sẽ được tiến hành chặt chẽ. Trên cơ sở này, địa phương bảo đảm các công trình, dự án trọng điểm của huyện, nhất là trọng điểm về giao thông, thuỷ lợi, cấp nước, cấp điện… được thực hiện đầy đủ.

Đắk Nông sẽ đẩy mạnh huy động từ nhiều nguồn: sử dụng đất, thực hiện cơ chế công tư kết hợp (PPP), huy động qua các doanh nghiệp, tập đoàn lớn… để tận dụng nguồn lực đầu tư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðầu tư công - Tiền đề cho bứt phá giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO