Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 5/4, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Indonesia tổ chức hội nghị thúc đẩy hệ thống thương mại điện đa phương trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng bền vững kết nối khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng bộ trên, ông Arifin Tasrif khẳng định an ninh năng lượng và tính bền vững ngày càng trở nên quan trọng ở các nước ASEAN do giá năng lượng toàn cầu tăng và đây cũng là động lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ASEAN là một trong những khu vực kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới nên nhu cầu năng lượng cũng ngày càng lớn.
Theo Bộ trưởng Arifin, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong khi theo đuổi mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) ở ASEAN, cần đầu tư lớn vào công suất phát điện từ năng lượng tái tạo (RE) và mở rộng hệ thống điện.
Để giải quyết những thách thức này, đòi hỏi nhiều cơ chế và công nghệ khác nhau. Một trong những "chìa khóa" là phát triển thương mại điện đa phương trong ASEAN, được gọi là Lưới điện ASEAN (APG).
Bộ trưởng Arifin cho rằng việc thực hiện APG đòi hỏi phải vượt qua nhiều thách thức khác nhau như đánh giá tính khả thi về kỹ thuật và thương mại, khuôn khổ thể chế và năng lực quản lý, cũng như hài hòa các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu.
Những thách thức này được mô tả như các kế hoạch hành động trong Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) Giai đoạn 2 (2021-2025) và Hội đồng các lãnh đạo ngành Điện khu vực Đông Nam Á (HAPUA) đang đi đầu các nghiên cứu này với sự hợp tác của các nước và các tổ chức khác.
Trong khi đó, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), cho biết APG là dự án quan trọng đối với ASEAN.
Do đó, thời gian qua, ERIA đã tập trung nghiên cứu về thỏa thuận liên chính phủ cấp cao giữa tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Đây là một trong những kế hoạch hành động của APAEC.
Giáo sư Nishimura cho biết hội nghị lần này cũng đã thảo luận về vấn đề phát triển nguồn an ninh năng lượng bền vững, một phần trong những Ưu tiên kinh tế (FEDs) mà Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023, đã đưa ra tại các chương trình nghị sự ASEAN. Dự án phát triển mạng lưới điện đa quốc gia trong ASEAN nằm trong danh mục ưu tiên số 6 của FEDs.
Theo ông Nishimura, thỏa thuận liên chính phủ có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa APG vì nhiều lý do. Thứ nhất, APAEC Giai đoạn 2 (2021-2025) đã đề cập rằng APG là chiến lược chính để mở rộng thương mại điện đa phương trong khu vực, tăng cường khả năng phục hồi và hiện đại hóa lưới điện, đồng thời thúc đẩy hội nhập năng lượng sạch và tái tạo.
Thứ hai, các cuộc thảo luận về các thỏa thuận liên chính phủ là một phần trong kế hoạch hành động của APAEC và sẽ rất cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện APG.
Thứ ba, để đạt được thỏa thuận liên chính phủ, cần xác định các vấn đề thực chất dựa trên các hiệp định, thỏa thuận và quy định cho phép mua bán điện của mỗi quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các nước ASEAN.
Thứ tư, những phát hiện từ Dự án Hội nhập Năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP) nên được chia sẻ và tham khảo trong các cuộc thảo luận về các thỏa thuận liên chính phủ như những thông lệ tốt nhất./.