Ngày 6/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu đàm phán với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) để ký Nghị định thư của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (Hiệp ước SEANWFZ).
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngoại trưởng Retno cho rằng trên cơ sở các trụ cột ASEAN, một số vấn đề cũng tiếp tục được ưu tiên thảo luận trong thời gian tới bao gồm việc NWS ký kết Nghị định thư SEANWFZ, vốn đã bị tạm dừng vào năm 2012.
Hiệp ước SEANWFZ hay còn gọi là Hiệp ước Bangkok được tất cả các nước thành viên ASEAN ký kết vào tháng 12/1995.
Hiệp ước này quy định các bên ký kết không phát triển, sản xuất hoặc mua, sở hữu hoặc kiểm soát vũ khí hạt nhân; không lưu giữ hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân bằng bất kỳ phương tiện nào; không thử nghiệm hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân...
Ngoại trưởng Retno cho biết 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp có thể ký Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ.
Bà kỳ vọng Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trong số này bày tỏ thiện chí ký kết nghị định thư.
Bà viện dẫn tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 21/11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của ASEAN xây dựng khu vực phi vũ khí hạt nhân và sẵn sàng ký Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ trong thời gian sớm nhất.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, cam kết này được người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tái khẳng định khi đón tiếp Tổng thư ký ASEAN Kim Kao Hourn đến thăm Bắc Kinh ngày 27/3 vừa qua.
Cũng theo bà Retno, tại cuộc họp ở Phnom Penh ngày 2/8 năm ngoái, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, với tư cách là Ủy ban SEANWFZ, đã nhất trí gia hạn Kế hoạch Hành động (PoA) của Hiệp ước SEANWFZ sang giai đoạn 2023-2027.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán để tìm tiếng nói chung./.