Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu các cuộc đàm phán kín với Ngoại trưởng Armenia và Ngoại trưởng Azerbaijan. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc hòa đàm giữa Armenia và Azerbaijan do Mỹ làm trung gian trong 3 ngày đã bắt đầu ngày 27/6. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt xung đột đã nhiều lần bùng phát giữa hai nước thời gian qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu các cuộc đàm phán kín với Ngoại trưởng Armenia và Ngoại trưởng Azerbaijan tại một văn phòng Bộ Ngoại giao ngay bên ngoài thủ đô Washington. Đây vòng đàm phán thứ 2 mà nhà ngoại giao Mỹ chủ trì trong những tháng qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Chính phủ Mỹ tin rằng hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan có thể sắp đạt được và đối thoại trực tiếp là chìa khóa để giải quyết các vấn đề tồn đọng, cũng như đạt được nền hòa bình lâu dài.
Ông Miller cho biết thêm nội dung đàm phán sẽ đề cập đến những vấn đề rất nhạy cảm.
Đầu tháng 6 này, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Armen Grigoryan - Thư ký Hội đồng An ninh Armenia - nhận định hiện có cơ hội để Yerevan và Baku ký thỏa thuận hòa bình vào cuối năm 2023, qua đó chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu xây dựng nền hòa bình lâu dài giữa Armenia và nước láng giềng Azerbaijan. Hai nước vốn rơi vào vòng xoáy xung đột trong 30 năm qua liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorny-Karabakh.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp cho các các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.
Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi ngày 23/4 vừa qua, Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ nước này và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh./.