Hiện, toàn tỉnh Đắk Nông còn 5.450 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp. Thực trạng này đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
Hệ lụy từ dân di cư tự do
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đắk N’Tao có 28 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, được giao quản lý, bảo vệ hơn 11.176ha. Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng, đến ngày 31/12/2022, có hơn 3.080ha đất, rừng bị lấn chiếm; diện tích đất đã canh tác hơn 1.858ha.
Tổng số nhà ở, nhà tạm, nhà chòi đã làm trên đất lấn chiếm là 633 nhà và số hộ canh tác được xác định và thống kê là 785 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ khoảng 120 hộ, chiếm 16%; đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ nơi khác đến khoảng 665 hộ, chiếm 84%; còn khoảng 200 hộ lấn chiếm 457,2ha chưa xác định được đối tượng.
Anh Lương Văn Phú, nhân viên chốt quản lý bảo vệ rừng số 3 cho biết, chốt có ba nhân viên được giao quản lý hơn 1.000ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên. Cũng trên diện tích này hiện có khoảng 150ha đã bị hàng chục hộ dân di cư tự do lấn chiếm, sinh sống trong rừng cho nên rất khó quản lý. Lực lượng bảo vệ thay nhau tuần tra khép kín cả ngày lẫn đêm nhưng không thể kiểm soát hết được; tuần tra khu vực này thì người dân lại lấn chiếm đất, rừng khu vực khác, họ tổ chức cho người canh gác, cảnh giới lực lượng bảo vệ rừng.
Việc lấn chiếm rừng thường được thực hiện vào ban đêm, tại khu vực tiếp giáp với nương rẫy cũ, thực hiện mỗi năm một ít; thủ đoạn rất tinh vi, dùng cưa điện, hoặc cưa tay cắt cây để không phát ra tiếng động, cây được cắt đứt ba phần tư thân rồi chờ gió đổ mới tiến hành đốt dọn, trồng tỉa. Cũng theo anh Phú, người dân rất manh động, nếu truy quét mạnh họ sẽ đem chất bẩn, đá ném vào trong chốt; đập vỡ cửa, đốt trạm gác; nhiều đêm đi tuần tra về khóa cửa bị nêm gỗ, hoặc đinh sắt vào bên trong ổ khóa, cho nên anh em phải ngủ ngoài bìa rừng…
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao Phùng Văn Kiên cho biết: Chủ rừng hiện nay đang bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định pháp luật liên quan, nhất là đối với việc xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Trên thực tế chủ rừng chỉ bảo vệ, phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vụ việc ban đầu và báo cáo, còn thẩm quyền xử lý lại thuộc chính quyền địa phương.
Thời gian qua đã xảy ra tình trạng chính quyền địa phương không đủ người để phối hợp, dẫn đến vụ việc không được xử lý, hoặc xử lý không triệt để, kịp thời. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng nghìn hộ dân làm nhà, sản xuất nông nghiệp, chiếm dụng đất và sinh sống trái phép trong lâm phần các đơn vị lâm nghiệp quản lý. Cũng theo ông Kiên, chủ rừng không có thẩm quyền về kiểm tra, cưỡng chế, quản lý hành chính về dân cư, trong khi đó người dân lại sinh sống rải rác rất nhiều trong rừng, có thể phá rừng, lấn chiếm đất, rừng bất cứ lúc nào, điều này tạo nên áp lực lớn, thường trực.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, qua rà soát trên 19 tiểu khu, có tổng diện tích đất, rừng bị lấn chiếm là hơn 1.153ha. Trong đó, diện tích trồng cây keo lai là 70,6ha; diện tích trồng cà-phê, hồ tiêu, cây khác hơn 1.082ha; tổng số công trình, vật kiến trúc là 587; đối tượng sử dụng đất là 2.094 hộ, có 362 hộ dân tộc thiểu số địa phương, số còn lại là các hộ dân từ các địa phương khác trong cả nước di cư đến.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Đinh Văn Nam cho biết, do lực lượng mỏng, diện tích rừng bảo vệ lớn, trải dài trên nhiều địa phương với khoảng hơn 50km, cho nên việc dân di cư tự do sinh sống rải rác trong rừng đã tạo nên áp lực mất rừng thường trực. Theo quy định của pháp luật, việc quản lý hành chính, quản lý dân cư do chính quyền địa phương thực hiện, chủ rừng không có thẩm quyền. Trong khi, hàng nghìn hộ dân sinh sống, canh tác tại chỗ trong rừng, ra vào rừng tự do, có thể phá rừng mọi nơi, mọi lúc, không thể kiểm soát hết được…
Cần các giải pháp đồng bộ
Đắk Nông có 38.191 hộ với 173.973 nhân khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến sinh sống. Đến nay, có 32.741 hộ với 149.643 nhân khẩu được sắp xếp, ổn định cuộc sống, số còn lại đang sống rải rác chủ yếu trong các khu rừng thuộc hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Dân di cư tự do phần lớn là hộ nghèo, sinh sống phân tán ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm, dẫn đến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai.
Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn, tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, mua bán đất trái phép, tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện giữa dân di cư tự do với người dân tại chỗ, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước cho thuê đất thời gian qua rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh-trật tự tại địa phương. Trên địa bàn có chín công ty lâm nghiệp, đơn vị quản lý bảo vệ rừng, với hơn 45.000ha đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên. Trong khi đó, xã chỉ có hai cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chính xây dựng, nông nghiệp và môi trường, không thể đáp ứng hết được nhiệm vụ, đôi khi vụ việc xảy ra ở nhiều địa bàn cùng lúc, địa phương không có người để phối hợp xử lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong, Trần Nam Thuần cho biết, Đắk Glong là huyện trọng tâm về dân di cư tự do của tỉnh Đắk Nông. Dân di cư tự do đã tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương về thực trạng đói nghèo, áp lực về tư liệu sản xuất, kéo theo các hủ tục lạc hậu, truyền đạo trái phép và nhiều hệ lụy khác; trong đó, áp lực lớn nhất là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Để giải quyết những tồn tại này, ông Thuần kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để ổn định đời sống dân di cư tự do trên địa bàn; xem xét quy hoạch, cấp đất sản xuất, đất ở, thành lập đơn vị thôn, bon để quản lý địa giới hành chính, quản lý dân cư. Từ đó, mới bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất cho người dân; có như vậy tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mới được giải quyết căn cơ.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông nhấn mạnh thêm: Dân di cư tự do chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ tỉnh khác đến, chiếm khoảng 90%; đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao; người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất, canh tác, sinh sống. Tình trạng này diễn ra hằng năm, chưa thể xử lý dứt điểm do chưa giải quyết triệt để tình trạng dân di cư tự do; tạo áp lực lớn cho các chủ rừng, cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Để giảm áp lực, tiến tới ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng dân di cư tự do, nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện còn, thời gian tới, Đắk Nông cần đẩy mạnh đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do; cải thiện đời sống và sản xuất cho các hộ dân di cư tự do đang sinh sống trên địa bàn; hoàn thành công tác bố trí ổn định dân di cư tự do đến năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để Đắk Nông sớm hoàn thành 13 dự án ổn định dân di cư tự do; có cơ chế riêng đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng trong việc giải quyết tình trạng dân di cư tự do. Chính phủ cũng cần ưu tiên bố trí 100% nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho các dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do đã được phê duyệt giai đoạn 2016-2020 và các dự án cấp bách, dự án trọng điểm cần mở mới giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần có cơ chế đặc thù trong việc nhập hộ khẩu, nhập hộ tịch, để thuận lợi cho việc quản lý, tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi, lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ công dân tại địa phương mới.