Kinh tế

Ao, hồ nhỏ - Hiệu quả chống hạn lớn

Trần Thị Thoan 08/05/2024 05:30

Đắk Nông khuyến khích người dân chủ động tạo các ao, hồ nhỏ tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn hán.

Mùa khô năm 2024 ở Đắk Nông diễn ra khắc nghiệt hơn mọi năm. Hàng chục ngàn ao, hồ của người dân bị cạn, hết nước, anh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có hàng ngàn ha cây trồng thiếu nước tưới.

Người dân trên địa bàn tỉnh chật vật tìm mọi cách để tạo nguồn nước tưới cho cây trồng và nạo vét, cải tạo, múc mới ao, hồ dự trữ nước là một trong những giải pháp rất hiệu quả.

Cụ thể như đối với trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Tuân, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Gia đình có trên 1ha đất luân phiên trồng các loại cây ngắn ngày như khoai lang, bắp, các loại rau củ.

dsc_0238.jpg
Anh Phạm Văn Tuân, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa có nhu cầu làm thêm ao, hồ dự trữ nước phục vụ sản xuất

Mùa khô năm nay, do lượng nước tưới không ổn định từ các giếng khoan, ao, nên anh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Do đó, anh dự định múc thêm ao để tăng thêm lượng nước dự trữ cho vụ sau. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, anh lo ngại vì nếu múc thêm ao thì phải làm hồ sơ, thủ tục xin cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Chung, bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có trên 2ha cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Mùa khô này khi thời tiết nắng nóng kéo dài, ông đã phải mất ăn, mất ngủ để lo chuyện nước tưới.

Cả 2 hồ chứa của ông với diện tích gần 1 sào đều nhanh chóng cạn kiệt nước. Đến cuối tháng 4, cả hai hồ đều không còn nước tưới. Ông có nhu cầu đào thêm một hồ nữa phía cuối rẫy, gần với suối nhằm tích nước cho vụ sau, nhưng vẫn lo ngại sẽ phải xin phép, nộp giấy tờ cho địa phương mới triển khai được.

Tại Hội nghị bàn giải pháp chống hạn do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 22/4, ông Ngô Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thông tin: Mùa khô năm nay, nhu cầu múc mới, cải tạo các ao, hồ nhỏ, quy mô hộ, nhóm hộ ở huyện Đắk Song khá nhiều.

Đây là nhu cầu tất yếu khi xu hướng biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ngày càng lớn. Huyện Đắk Song chỉ đạo các xã, thị trấn phải tạo điều kiện, khuyến khích người dân tạo thêm ao hồ.

"Đây là một trong những biện pháp chống hạn tại chỗ hiệu quả, nhất là đối với cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu. Tạo ao, hồ nhỏ kinh phí không lớn, các nông hộ có thể tự giải quyết được. Vậy chúng ta phải khuyến khích, tạo điều kiện", ông Trọng cho hay.

dsc_0256.jpg
Nhiều hộ dân có nhu cầu làm mới, nạo vét ao hồ phục vụ phòng, chống khô hạn

Cũng tại Hội nghị bàn giải pháp chống hạn do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 22/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên khẳng định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tạo ao, hồ để tích trữ nước phục vụ sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, điều kiện ngân sách tỉnh hạn hẹp, thi công công trình lớn đòi hỏi chi phí cao, vướng mắc nhiều vấn đề liên quan. Do đó, ao hồ nhỏ tại các hộ, nhóm hộ là một giải pháp mang tính lâu dài, hiệu quả để phòng, chống khô hạn tại cơ sở.

dsc_0681.jpg
Đắk Nông tạo điều kiện cho người dân làm mới, cải tạo ao, hồ để phòng, chống khô hạn

Với hoạt động múc mới, nạo vét, cải tạo, nâng cấp phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, cổ vũ người dân thực hiện.

Tuy nhiên, bà con phải có sự cam kết về việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ không phải vì mục đích khác. Ví dụ, như thay đổi mục đích sử dụng đất, tạo view… là vi phạm. Chính quyền cơ sở phải kiểm tra, giám sát việc này đúng theo cam kết hay không...

Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp - PTNT, Đắk Nông hiện có khoảng 19.500 ao, hồ do người dân tự đào, múc để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ao, hồ nhỏ - Hiệu quả chống hạn lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO