Văn nghệ

Anh tôi – Người chiến sĩ quân y

Trần Văn Dũng 25/02/2024 09:47

Thời gian hưu trí, nhớ nghề, với cái tâm của một chiến sĩ quân y giàu y đức và nghĩa tình, anh tôi đã mở một phòng mạch nhỏ tại nhà để chữa bệnh cho bà con tại địa phương.

Sinh ra trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ở vùng quê nghèo chiêm trũng, bố mất sớm, nhà cách trường huyện hàng chục cây số, vậy mà anh tôi vẫn bám trường bám lớp tới cùng. Rồi anh cũng được vào giảng đường đại học, trở thành niềm vinh dự cho cả dòng tộc, làng xã tôi ngày ấy. Những năm tháng tuổi thơ của tôi, khi người dân đang còn phải lo cái ăn chưa no, cái mặc chưa ấm, nhưng bố tôi đã luôn răn dạy chúng tôi phải cố gắng học hành theo tấm gương của anh.

Còn nhớ, khi tôi vào học lớp 6 ở trường huyện. Nhà cách trường hai mươi lăm cây số, tôi phải ở trọ gần trường. Ba bốn tuần, bố tôi mới đạp xe xuống đón tôi về thăm nhà một lần. Có những lần nhớ nhà quá, tôi đã từng có ý định bỏ học. Nhưng rồi nghe lời bố răn dạy, tinh thần vượt khó, hiếu học của anh đã tạo động lực, thúc giục tôi dấn bước vượt qua tất cả. Tiếp bước anh, tôi đã lựa chọn vào trường sĩ quan lục quân và không ngừng cố gắng để có được thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay. Những ký ức về một thời gian khó mà tươi đẹp đó đến giờ vẫn luôn nóng hổi trong trái tim tôi!

Là sinh viên thời chiến, anh tôi cũng như bao thế hệ thanh niên đương thời đều giàu lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tôi từng tạm gác bút nghiên nơi giảng đường đại học, trở thành anh giải phóng quân tham gia vào chiến trường Quảng Trị ác liệt đầy máu và nước mắt. Anh may mắn còn lành lặn, về lại với giảng đường học viện quân y và trở thành người chiến sĩ quân y tiên phong, gương mẫu. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, anh sẵn sàng cùng đoàn quân tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, giải phóng nước bạn Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Nhiều đồng đội của anh đã phải nằm lại trên chiến trường… Sau một thời gian công tác trong quân y, anh tôi chuyển về làm tại bệnh viện của huyện nhà, rồi làm phó chủ tịch huyện cho đến lúc nghỉ hưu.

Thời gian hưu trí, nhớ nghề, với cái tâm của một chiến sĩ quân y giàu y đức và nghĩa tình, anh tôi đã mở một phòng mạch nhỏ tại nhà để chữa bệnh cho bà con tại địa phương. Ai đau ốm gì, đến phòng mạch của anh đều được anh hướng dẫn, chữa trị tận tình. Có khi vì lý do nào đó không thể đến phòng mạch được, anh còn đến tận nhà người dân để thăm khám, chẩn đoán bệnh và kê thuốc cho. Nhiều người dân còn được anh tư vấn sức khỏe gián tiếp qua điện thoại hay các phương tiện truyền thông khác khi cần thiết. Bởi vậy, người dân quê tôi còn quen gọi anh với cái tên “Bác sĩ của xóm làng”!

Từng là chiến sĩ quân y nên chất lính trong anh vẫn hiện hữu giữa cuộc sống đời thường. Đó là lối sống giản dị mà ngăn nắp, sạch sẽ; là ý thức kỷ luật, tinh thần lạc quan, yêu đời… Có một lần, vào cuối năm 1991, tôi từ Tây Nguyên về quê để cưới vợ. Cách ngày cưới 5 ngày, vào lúc 12h đêm, anh tôi báo tin dữ, rằng bố vợ tôi bị đau dạ dày xuất huyết và không thể qua khỏi! Ngay trong đêm đau buồn đó, anh mặc chiếc áo “bạt” của bộ đội, hai túi áo mang theo đầy cát. Mọi người ngạc nhiên hỏi, anh hồn nhiên trả lời, rằng dùng cát để phòng thủ bọn ăn cướp! Có lẽ những năm tháng tham gia chiến đấu, ở rừng đã mách bảo anh việc phòng bị cần thiết như thế để tránh những phiền phức không đáng có trong cuộc sống.

Mùa xuân năm nay, anh tôi đã ngoài bảy mươi tuổi. Ngoài việc chữa trị bệnh, anh còn thích đi thăm đồng đội cũ, leo núi, xem bóng đá, nghe những làn điệu dân ca, hay sáng tác thơ văn, hát chèo… Mỗi khi tới dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi lại nghĩ đến anh - người chiến sĩ quân y sáng ngời về y đức; về ý chí, nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh và ăm ắp nghĩa tình!

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Anh tôi – Người chiến sĩ quân y
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO