Ðánh thức tiềm năng dược liệu ở Ðắk Nông
Với khí hậu ôn hòa, đất bazan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, Đắk Nông có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển nhiều loại cây dược liệu. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, hình thành vùng hàng hóa bền vững cần có chiến lược dài hơi.
Ðắk Nông và mục tiêu phát triển dược liệu
Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1976/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng dược liệu và được đưa vào quy hoạch với vai trò là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế
Ngày 20/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22 về “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định trồng và chế biến dược liệu là thành phần quan trọng trong trụ cột tập trung phát triển nền kinh tế địa phương. Đó là "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực".
Việc Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22 đã đáp ứng yêu cầu cơ bản, cần thiết về thúc đẩy sản xuất dược liệu theo hướng quy mô lớn gắn với bảo tồn, tiêu thụ trong chuỗi giá trị. Qua đó, tỉnh, ngành chức năng, các địa phương có sự nhìn nhận lại vai trò, vị trí của dược liệu đối với việc giúp người dân phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện…
Tại các địa phương, cấp ủy các cấp đã quan tâm đến công tác phát triển dược liệu bằng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai việc học tập, quán triệt Chỉ thị số 22 cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện các nội dung của Chỉ thị 22 và giao UBND cùng cấp cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án, chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh Đắk Nông về công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho rằng: Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Đắk Nông cần sớm quy hoạch vùng trồng dược liệu, phát huy tối đa vai trò của đông y trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đi đôi với đó, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cần được chú trọng. Các ngành, địa phương chủ động mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu tại chỗ.
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi
Thực hiện Chỉ thị số 22, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu tại địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390 ngày 6/9/2018 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh. Đề án định hướng đến năm 2030, hình thành các vùng cây dược liệu có tiềm năng tại các huyện Cư Jút, Đắk Glong, Đắk R’lấp, với việc trồng các cây gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2314, ngày 28/12/2021 về Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đây là cơ sở để Đắk Nông phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên trên địa bàn tỉnh, phục vụ mục tiêu khám, chữa bệnh, phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm hiện có.
Đề án đã phân loại cây dược liệu có tiềm năng khai thác 26 loại; dược liệu thuộc diện bảo tồn 71 loại; định hướng dược liệu trồng và phát triển tại Đắk Nông 12 loại.
Cơ quan chuyên môn lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, với việc ưu tiên xem xét bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ việc phát triển dược liệu; nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ dược liệu trên địa bàn gắn với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng việc bảo tồn, phát huy dược liệu của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đã huy động nguồn vốn từ Trung ương và địa phương nhằm triển khai công tác nghiên cứu khoa học và các chương trình phát triển dược liệu; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình, đề án xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu phát triển nguồn dược liệu.
Những nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, Đắk Nông triển khai áp dụng các chính sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển dược liệu; phát triển việc sản xuất, chế biến dược liệu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm góp phần phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Đề tài “Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cao chiết cây an xoa tại tỉnh Đắk Nông”. Kết quả khảo sát đa dạng đã thu được 68 mẫu vật của 17 số hiệu thuộc 7 loài và đã xây dựng được quy trình điều chế viên nén bao phim chứa cao an xoa. Kết quả kiểm nghiệm viên nén bao phim tạo thành cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong khoảng yêu cầu theo hướng dẫn của Dược điển Việt Nam.
Tương tự Đề tài “Xây dựng mô hình trồng cây sâm cau làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng tại tỉnh Đắk Nông”, với việc triển khai trồng 5.000m² cây sâm cau và sản xuất 5.000 viên nén thực phẩm chức năng. Hiện nay, quy trình chiết cao định chuẩn và quy trình sản xuất viên nén chứa cao chiết cây sâm cau đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Hay Đề tài “Đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu của tỉnh Đắk Nông theo chuỗi giá trị” nhằm tạo cơ sở đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu của tỉnh trong thời gian tới. Kết quả thực hiện dự kiến được biên soạn thành sách tham khảo.
Không riêng Sở Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2017-2022, TP. Gia Nghĩa đã triển khai 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở nhằm ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô những loại cây dược liệu quý và có thị trường tiêu thụ rộng (nuôi cấy mô nấm đông trùng hạ thảo), cho sản lượng 1200-1500 hũ sinh khối với lợi nhuận trên 200 triệu đồng/lứa nuôi. Gia Nghĩa đã thu hút được 1 doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân trong việc nhân giống và trồng đương quy; trong đó, 1 hộ liên kết gieo ươm giống với quy mô vườn ươm 3000 m2 và 2 hộ liên kết trồng với quy mô 3 ha/hộ…
Ðắk Nông là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu của cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm: gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ... với diện tích khoảng 2.000 ha.
Kỳ 2: Những kết quả bước đầu