Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch ký nghị định thư tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại cuộc họp ở Auckland, New Zealand ngày 16/7/2023. (Ảnh: RNZ/TTXVN)
Việc Vương quốc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi khối thành lập vào năm 2018, đã mở ra dấu mốc mới cho tự do hóa thương mại toàn cầu.
Bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập CPTTP từ tháng 6/2021, sau gần 2 năm, Anh đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để gia nhập khối vào ngày 31/3 và đã chính thức gia nhập vào ngày 16/7 tại Aukland (New Zealand).
Giới chức Anh khẳng định, đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà London ký kết thời hậu Brexit.
Gia nhập CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Anh mở cánh cửa đến các thị trường mới trên thế giới.
Chính phủ Anh đánh giá CPTPP sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho cả Anh và các nước thành viên, với tổng giá trị thương mại của CPTPP sẽ tăng lên mức 12.000 tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu.
Đối với Anh, CPTPP mang đến triển vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và tạo việc làm.
Giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC Ian Stuart nêu rõ: “Việc Anh chính thức gia nhập CPTPP đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thương mại của Anh, cho phép các doanh nghiệp đầy tham vọng của Anh kết nối với các thị trường khởi nghiệp, đổi mới và công nghệ thú vị nhất thế giới.”
Theo Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch, thỏa thuận sẽ là động lực lớn cho các doanh nghiệp Anh và mang lại hàng tỷ bảng trong thương mại bổ sung, mở ra những cơ hội giao thương với thị trường hơn 500 triệu dân và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Hơn 99% số mặt hàng xuất khẩu của Anh sang các nước CPTPP sẽ được hưởng mức thuế 0%. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, tài chính và dịch vụ có cơ hội mở rộng kinh doanh ở thị trường đang tăng trưởng mạnh tại các nước thành viên.
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Kemi Badenoch (giữa) cùng bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chụp ảnh chung tại cuộc họp ở Auckland, New Zealand ngày 16/7/2023. (Ảnh: RNZ/TTXVN)
Chính phủ Anh ước tính, tham gia CPTPP mang lại khoảng 2,2 tỷ USD mỗi năm và con số này còn tăng khi CPTPP tiếp tục được mở rộng.
Tư cách thành viên cũng sẽ giúp Anh tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với 60% dân số thế giới.
Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế Anh cho rằng nhờ vào thỏa thuận, một số mặt hàng từ các quốc gia thành viên CPTPP sẽ trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Anh, như quả kiwi từ New Zealand, quả việt quất từ Chile...; ngược lại, việc loại bỏ thuế quan sẽ giúp các sản phẩm tốt nhất của Anh, như các sản phẩm từ rượu whisky đến bánh kẹo, ôtô, đồ trang sức và quần áo, dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem là trọng tâm trong chiến lược “nước Anh toàn cầu” của London.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak từng nhấn mạnh, đến năm 2050, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dự kiến đóng góp hơn một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Anh mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực có ý nghĩa quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới này.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực về kinh tế, tham gia CPTPP được coi là thắng lợi về mặt chính trị của London.
Đây là cơ hội để Anh gia tăng sự hiện diện về kinh tế tại vành đai châu Á-Thái Bình Dương, tiếp nối sự hiện diện về an ninh thông qua thỏa thuận AUKUS ký với Mỹ và Australia.
Ngoài ra, việc hoàn tất đàm phán CPTPP chỉ vài tuần sau khi ký khuôn khổ Windsor với Liên minh châu Âu (EU) về giải quyết vướng mắc liên quan Brexit đã giúp Chính phủ Thủ tướng Sunak ghi điểm trong mắt cử tri, trong bối cảnh nước Anh chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử địa phương.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho rằng việc đưa Vương quốc Anh tham gia CPTPP là cả một chặng đường dài và đôi khi đầy thách thức, nhưng việc có các nền kinh tế lớn trong CPTPP sẽ giúp kết nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo cách củng cố hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc trong khu vực.
Việc Anh trở thành thành viên của CPTPP cũng sẽ làm tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực.
Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế Anh cho biết kể từ khi London tuyên bố ý định tham gia CPTPP, nhiều quốc gia khác cũng muốn tham gia. Điều đó có nghĩa là khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng và lợi ích sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong những năm tới.
Việc Anh trở thành thành viên của CPTPP cũng sẽ làm tăng cường chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đối với Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long khẳng định cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước; các doanh nghiệp hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó, góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.
Sau khi UKVFTA có hiệu lực, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Anh đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so năm trước.
Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, việc Anh tham gia vào CPTPP sẽ giúp mở rộng không gian kinh tế, tăng sự gắn kết kinh tế của cả khối.
Bên cạnh đó, điều này cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ, toàn diện của Anh đối với việc duy trì một hệ thống thương mại mở, tự do, công bằng; là sự triển khai cụ thể chiến lược “ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” đóng góp cho việc xây dựng khu vực hợp tác, phát triển và thịnh vượng.
Đây là những điểm đồng, là mẫu số chung để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam-Anh phát triển trên tất cả các trụ cột.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết thêm việc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới cho một số nông sản Việt Nam.
So với UKVFTA, Anh đã cam kết sẽ tăng hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, cá ngừ, mật ong, chả cá.
Với CPTPP, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nước cùng thế mạnh.
Nhìn chung, việc Anh gia nhập CPTPP đã tạo ra một luồng gió mới trong thương mại toàn cầu, với việc nhiều quốc gia mong muốn gia nhập khối, qua đó tiếp tục thúc đẩy xu hướng đa phương hóa và tự do hóa thương mại./.