[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ”

CÔNG LÝ| 22/10/2024 17:14

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong các năm 2021 và 2022, đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm bên dòng sông Ea H’leo thuộc địa bàn thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được Bảo tàng Đắk Lắk phát hiện năm 2020. Sau đó, di chỉ được khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2021, lần thứ hai từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, với sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Kết quả khai quật qua các đợt đã thu được rất nhiều di tích, di vật, cho thấy đây là một di chỉ phức hợp bao gồm cư trú-mộ táng-công xưởng rất quan trọng. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2,0m đến 2,3m, bên trong chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen,… cùng nhiều di vật như bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá.

Đặc biệt, trong 3 đợt khai quật đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức được tầm quan trọng của di chỉ khảo cổ học Thác Hai đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiếp tục khai quật Di chỉ Thác Hai lần thứ 3 diễn ra từ ngày 26/6/2024 đến ngày 28/7/2024. Trong đợt khai quật lần này, chỉ với diện tích khai quật 20m2, đoàn khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m, nhưng điều khá bất ngờ là bên trong chứa các di tích như mộ táng, cùng nhiều di vật quý như: bàn mài, rìu, bôn…

Qua sàng đãi đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phát vật bằng các loại đá opal, jasper,silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước.

Đặc điểm nổi bật của mũi khoan là được mài trau chuốt và hầu hết chưa qua sử dụng; đồ gốm khá phong phú về chủng loại gồm có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong đó, đồ đá là di vật chủ đạo, số lượng nhiều nhất là sưu tập mũi khoan, bàn mài, rìu, mảnh dao, hòn ghè và bàn kê. Đồ gốm, bao gồm các mảnh miệng, mảnh thân, đáy, chân đế của các loại hình đồ đựng và các loại đồ tùy táng trong các cụm mộ táng.

Đặc biệt, trong đợt khai quật lần này, đoàn khai quật phát hiện 5 dọi se sợi nằm cạnh các mộ táng, đây là lần đầu tiên phát hiện hiện vật dọi se sợi tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chứng minh cho hoạt động dệt vải được phổ biến ở khu vực này. Đồ thủy tinh cũng được tìm thấy trong hố khai quật, hầu hết là loại hình hạt chuỗi.

Thông qua đặc điểm di tích, di vật cùng các kết quả phân tích niên đại C14, các nhà khảo cổ xác định di chỉ Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4.000 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm.

Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá có quy mô lớn.

Theo khảo sát của Bảo tàng Đắk Lắk, còn nhiều địa điểm khác tại khu vực Di chỉ khảo cổ học Thác Hai tiếp tục khai quật với diện tích lớn.

Tuy nhiên, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm ngay bên dòng sông Ea H’leo và trong những năm qua, vào mùa mưa, nước sông Ea H’leo dâng cao và chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Trên cơ sở báo cáo của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk và huyện Ea Súp đã vào khảo sát khu vực sạt lở, nhưng do tình trạng sạt lở nặng, các ngành chức năng chưa tìm được phương án xử lý, đồng thời nguồn kinh phí xử lý lớn. Do đó, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, một di chỉ khảo cổ học quan trọng ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.

Dưới đây là những hình ảnh về tình trạng sạt lở tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai:

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 1

Khu vực khai quật thuộc Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm trong vườn điều của ông Nguyễn Văn Long, ở thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 2

Theo khảo sát của Bảo tàng Đắk Lắk, diện tích khai quật có thể đến vài héc-ta.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 3

Sau ba lần khai quật vào các năm 2021, 2022 và 2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, các nhà khảo cổ học đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên, trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 4
Thạc sĩ Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, chủ trì đợt khai quật lần thứ 3 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 5

Bảo tàng Đắk Lắk công bố kết quả khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ ba diễn ra từ ngày 26/6/2024 đến ngày 28/7/2024, chỉ với diện tích 20m2 nhưng đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phát vật bằng các loại đá opal, jasper,silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 6

Các di vật, hiện vật thu được trong lần khai quật lần thứ ba tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 7

Một bình gốm thu được trong lần khai quật lần thứ ba tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 8

Các hiện vật, di vật được phát hiện tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 9

Trong nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 10

Hiện nay, bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đang được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Đắk Lắk.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 11

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai nằm bên dòng sông Ea H’leo thuộc địa bàn thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 12

Vào mùa mưa hằng năm, nước sông Ea H’leo dâng cao và chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng ngay khu vực Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 13

Theo ông Nguyễn Văn Long, ở thôn 6, xã Ia Jlơi, chủ thửa đất được phát hiện có Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, tình trạng sạt lở trong nhiều năm qua đã làm khoảng 3.000m2 đất trồng điều của gia đình ông sạt xuống sông Ea H'leo.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 14

Và tình trạng sạt lở bờ sông Ea H'leo tại khu vực Di chỉ khảo cổ học Thác Hai ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 15

Tình trạng sạt lở ngày càng ăn sâu vào khu vực Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 16

Theo Thạc sĩ Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, khi phát hiện Di chỉ khảo cổ học Thác Hai vào năm 2020 thì dòng sông Ea H'leo cách khu vực khai quật khoảng 200m, nhưng nay sạt lở vào sát khu vực khai quật chỉ còn khoảng 2m.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 17

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Jlơi Nguyễn Văn Đồng kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Ea H'leo ảnh hưởng đến Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 18

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp và các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần vào kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Ea H'leo ảnh hưởng đến Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 19
Tuy nhiên, đến nay các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được phương án xử lý sạt lở và cần nguồn kinh phí lớn.
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ” ảnh 20

Do đó, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, một di chỉ khảo cổ học quan trọng ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/anh-di-chi-khao-co-hoc-thac-hai-truoc-nguy-co-bi-xoa-so-post838045.html
Copy Link
https://nhandan.vn/anh-di-chi-khao-co-hoc-thac-hai-truoc-nguy-co-bi-xoa-so-post838045.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        [Ảnh] Di chỉ khảo cổ học Thác Hai trước nguy cơ bị “xóa sổ”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO