[Ảnh] Chuyến xe múa rối đi xuyên vùng động đất phục vụ "khán giả nhí" tại Thổ Nhĩ Kỳ
THÀNH ĐẠT - SƠN BÁCH|06/03/2023 14:11
Vài ngày sau thảm họa động đất, Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật một nhà hát tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) bắt đầu tự mình lái xe đi dọc 11 tỉnh vùng tâm chấn. Tại từng địa phương, ông dừng lại rất lâu để biểu diễn múa rối và kể cho lũ trẻ nghe nhiều câu chuyện cổ tích với hy vọng sẽ chữa lành phần nào những tâm hồn bé bỏng.
Vài ngày sau khi thảm họa động đất xảy ra, Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật một nhà hát tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã lái chiếc xe tải nhỏ của mình hướng về vùng đại địa chấn. Mang theo bộ phục trang chú hề và chiếc loa kéo, ông bắt đầu hành trình của riêng mình nhằm xoa dịu nỗi đau cho những đứa trẻ trong lòng đại địa chấn.
Vài ngày sau khi thảm họa động đất xảy ra, Mehmet Tahir Ikiler, Giám đốc nghệ thuật một nhà hát tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã lái chiếc xe tải nhỏ của mình hướng về vùng đại địa chấn. Mang theo bộ phục trang chú hề và chiếc loa kéo, ông bắt đầu hành trình của riêng mình nhằm xoa dịu nỗi đau cho những đứa trẻ trong lòng đại địa chấn.
5 giờ chiều, xe của Mehmet Tahir mới tới được Gaziantep. Vượt qua thành phố điêu tàn, đổ nát, người đàn ông 57 tuổi đã nhìn thấy khu lều trại được dựng nên trên nền công viên cũ.
Hơn 20 đứa trẻ đang quây lại cuối con đường, gần sát khu vực phát đồ ăn tối. Từ cabin, Mehmet Tahir bật nhạc hiệu của gánh xiếc, tay bóp chiếc còi dùng trong các lễ hội. Lũ trẻ nghe thấy liền nháo nhác chạy lại, vây kín chiếc xe đã đỗ gọn bên lề đường.
Trong trang phục chú hề với cái mũi đỏ chót và con rối khổng lồ trên tay, ông bắt đầu cất tiếng gọi: “Các bạn nhỏ có muốn xem ảo thuật và nghe chuyện cổ tích không nào?”
Show diễn đặc biệt dành cho các khán giả nhí vùng tạm cư tại Gaziantep dưới buổi chiều vàng rực rỡ.
Em có tin chiếc mũ trên tay tôi sẽ “nuốt” quả trứng này không?, Memeh hỏi.
Trong ánh mắt đón đợi của trẻ, Mehmet bắt đầu buổi diễn. Efekaan, 12 tuổi được mời lên chứng kiến Mehmet đập một quả trứng gà vào khay. Người nghệ sĩ từ Ankara cầm khay trứng, tay còn lại nâng chiếc mũ kếp bằng vải lên xuống theo nhịp điệu, miệng không ngừng hô: Ma thuật! Ma thuật!
Lũ trẻ phía dưới cũng đồng thanh hô theo. Những tiếng cười khúc khích vang lên ngay bên những công trình đổ nát.
Sau màn ảo thuật, Mehmet mang ra một con rối lớn trong trang phục quý tộc cổ Thổ Nhĩ Kỳ để biểu diễn vở kịch lừng danh của quốc gia này mang tên Karagöz và Hacivat. Thế nhưng, thay vì sự phân tranh thiện ác như truyền thống, Mehmet lại kể cho các bạn nhỏ nghe những câu chuyện cổ tích về niềm hy vọng, niềm tin và sự sống.
Thi thoảng, những chú rối trong tay ông lại nhảy múa hoặc hát vang lên trong niềm yêu thích của tất cả mọi người.
Kể cả những người lớn cũng bất chợt cười sảng khoái trước phép màu của ông.
Nếu không có sự xuất hiện của ông, không biết bao giờ họ mới có thể quên đi nỗi đau mất mát để thả mình, sống tiếp và cười tươi thế này...
“Ngay sau động đất, tôi đã quyết định đi dọc 11 tỉnh bị ảnh hưởng để đem lại niềm vui cho lũ trẻ. Tôi đã đi qua Iskenderun, Samandag, Osmaniye, Afsin, Elbistan, Malatya, Adiyaman, Kahramanmaras… trước khi tới nơi này. Mỗi ngày, tôi sẽ diễn từ 7-8 lần để giúp lũ trẻ quên đi thực tế phũ phàng này. Trước đó, trong trận động đất năm 1999, tôi cũng đã làm việc tương tự”, Mehmet nói với phóng viên Báo Nhân Dân.
Trong các buổi diễn, Mehmet sẽ kể chuyện cổ tích, diễn ảo thuật, diễn múa rối… cho các em nghe. Bởi ông tin vào sức mạnh chữa lành của nghệ thuật.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria những ngày này, hàng trăm, hàng nghìn người khác vẫn đang tìm cách hàn gắn vết thương thảm họa cho trẻ thơ bằng những cách riêng của mình.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.