"Hạt nhân" của nông nghiệp
Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 104.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Lực lượng nông dân SXKDG đã phát huy vai trò tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Họ cũng là những người đi đầu trong các phong trào làm giàu, giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Ông Đặng Tấn Huynh, ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) là một trong những người được công nhận SXKDG trong nhiều năm qua. Ông có mô hình sản xuất cà phê, hồ tiêu hữu cơ, mỗi năm thu về 1,5 tỷ đồng.
Ông Huynh cho biết, sản phẩm cà phê, hồ tiêu hữu cơ luôn có giá bán cao, vườn cây phát triển bền vững. Từ thực tế đó, ông đã chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật cho trên 100 hộ dân.
Ông Đặng Tấn Huynh, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng hồ tiêu hữu cơ cho nông dân |
Ngoài ra, ông vận động thành lập Câu lạc bộ Hồ tiêu hữu cơ, HTX Hữu cơ Đồng Thuận để tập hợp, liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, ông Huynh là "hạt nhân" trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trung, ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), trồng 17 ha sầu riêng, mỗi năm thu về trên 2 tỷ đồng. Ông là một trong số những người được công nhận SXKDG nhiều năm liền.
Thời gian qua, ông đã chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP cho 30 hộ nông dân khác. Theo ông Trung, nông dân luôn có khát vọng làm giàu, nên ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, để cùng với họ vươn lên.
"Xu thế người tiêu dùng luôn hướng tới sử dụng các sản phẩm được chứng nhận về chất lượng. Do đó, nông dân trong thời kỳ hiện đại cần chịu khó học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm", ông Trung chia sẻ.
Nông dân ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp |
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG cũng phát huy tinh thần tương thân, tương ái. Thông qua phong trào, các hộ kinh tế khá, giàu đã giúp đỡ cho 7.387 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, ngày công lao động.
Tiêu biểu như ông Ninh Văn Được, ở thôn 2, xã Thuận Hà (Đắk Song), có trang trại chăn nuôi heo, trồng hồ tiêu, cà phê, mỗi năm thu về 1,5 tỷ đồng. Hàng năm, gia đình ông nhận giúp đỡ nhiều hộ nghèo trên địa bàn.
Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của ông Được, trên địa bàn đã có 20 hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ trong số đó đã trở nên khá giả.
Gia đình ông Phan Văn Minh, ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà (Krông Nô), đã giúp đỡ nhiều hộ khó khăn mua giống trả chậm, không tính lãi. Nhờ sự giúp đỡ này, nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn đã có điều kiện sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phát triển phong trào nông dân SXKDG bằng cách nhân rộng các mô hình, chú trọng tập huấn khoa học kỹ thuật tiên tiến cho nông dân.
Các cấp hội luôn tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn. Phong trào nông dân SXKDG ngày càng lan tỏa sâu rộng, có tác động rất tích cực đến mọi mặt của đời sống nông dân.
Phong trào này cũng tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2017-2022 của tỉnh đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân.
So với giai đoạn trước, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm ngày càng nhiều. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, đạt danh hiệu SXKDG cấp Trung ương.
Phong trào nông dân SXKDG đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân.