Kinh tế

Ấn tượng những mô hình kinh tế nông thôn ở Tâm Thắng

Văn Tâm 19/06/2024 06:54

Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, góp phần đa dạng hóa sinh kế, cải thiện đời sống người dân.

ADQuảng cáo

Tâm Thắng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 1.522ha. Cây trồng chủ yếu của xã là cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn trái, cây lương thực và hoa màu.

Những năm qua, chính quyền và người dân Tâm Thắng đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, góp phần đa dạng hóa sinh kế, cải thiện đời sống cho nhiều người dân.

z5156254405731_d76f1e1ab60d3c3482dad659fc7fa4c8(1).jpg
Đường vào các khu sản xuất nông nghiệp của xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được xây dựng kiên cố, giúp việc đi lại, vận chuyển háng hóa của người dân được thuận lợi

Gia đình ông Y Bình, ở buôn Nui, xã Tâm Thắng có hơn 1ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh. Trước đây, việc trồng cà phê của gia đình ông Y Bình chủ yếu theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2023, gia đình ông Y Bình được tham gia vào Tổ vùng trồng cà phê buôn Nui. Bắt đầu từ đó, việc chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê của gia đình ông đã thay đổi hẳn.

tam-thang1(1).jpg
Tham gia Tổ vùng trồng cà phê buôn Nui giúp vườn cà phê của ông Y Bình ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được chăm sóc tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn

Ông Y Bình chia sẻ: “Tham gia và Tổ vùng trồng cà phê buôn Nui giúp tôi thay đổi rất nhiều. Tôi luôn tuân thủ các quy trình hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Do đó, dù gặp nắng hạn nhưng vườn cây vẫn sinh trưởng khá ổn định”.

Theo ông Y Bình, trước đây, dù đầu tư phân bón khá nhiều, nhưng vườn cà phê chỉ cho năng suất tối đa 2,5 tấn/ha/vụ. Năm nay, cây cà phê phát triển mạnh khỏe, lượng trái đậu cao, ước năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha.

dsc_2215(1).jpg
Các hộ thực hiện mã số vùng trồng cà phê quản lý cỏ dại bằng phương pháp thủ công, không sử dụng thuốc diệt cỏ hóa học

Ông Y Thanh, Tổ trưởng Tổ vùng trồng cà phê buôn Nui cho biết, tổ đã có 15 hộ tham gia, với diện tích cà phê khoảng 20ha. Các thành viên được tham gia tập huấn kỹ thuật, nên hiểu rõ các quy trình chăm sóc cà phê theo phương pháp mới, hiện đại.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Việc xây dựng mã vùng trồng còn khá mới mẻ với nhiều hộ nông dân. Thế nhưng, sau một năm thực hiện, bà con đều tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Điều này giúp việc quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, môi trường được cải thiện và được đơn vị liên kết đánh giá cao.

Còn đối với Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm thôn 3, xã Tâm Thắng có không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Phi, thành viên của Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm thôn 3. Nhờ nguồn thu từ trồng nấm, gia đình ông ngày một ổn định.

dsc_0464(1).jpg
Công đoạn vào giá thể nấm trồng nấm tại gia đình ông Nguyễn Văn Phi, thuộc Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm thôn 3 xã Tâm Thắng

Ông Phi cho hay, trước đây, gia đình ông là hộ nghèo của địa phương. Gia đình không có việc làm ổn định nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Từ tham gia Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm thôn 3 đến nay, kinh tế của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 10 tấn nấm các loại, thu nhập từ 200-300 triệu đồng.

Theo ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng, hiện nay, các mô hình kinh tế nông thôn của xã phát triển khá đa dạng. Đến nay, xã Tâm Thắng đã xây dựng được 12 tổ hợp tác nghề và 3 HTX. Đây đều là những mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả, mang lại nhiều giá trị cho địa phương.

Nhờ các mô hình kinh tế này, nhiều sản phẩm của xã Tâm Thắng đã và đang tham gia sâu vào thị trường. Trong đó, xã có 4 sản phẩm OCOP hạng từ 3-4 sao (thịt bò khô, hạt điều rang muối, trái cây sấy dẻo) được thị trường biết đến rất nhiều.

dsc_8946(1).jpg
Sản phẩm khô bò Đức Tâm, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, xã luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Từ đó, địa phương từng bước phát triển toàn diện các mô hình kinh tế gắn với chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào các buôn dân tộc thiểu số.

Xã Tâm Thắng vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm chung toàn xã tăng 12% so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 61 triệu đồng/người/năm.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng những mô hình kinh tế nông thôn ở Tâm Thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO