Năm 2018, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập. HTX tập hợp nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm để trồng hồ tiêu hữu cơ. Đến nay, sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada và đạt OCOP hạng 3 sao.
Hiện nay, HTX có trên 195 ha hồ tiêu của 65 thành viên được chứng nhận hữu cơ quốc tế. Hàng năm, HTX cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cho các công ty trong nước và xuất khẩu.
Nhờ chất lượng tốt, nên sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn bảo đảm đầu ra ổn định, giá bán thường cao hơn nhiều so với các loại hồ tiêu thông thường trên thị trường.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên cho biết, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, có diện tích hồ tiêu rất lớn. Đây là lợi thế để HTX khai thác, nâng cao giá trị cho sản phẩm hồ tiêu.
Trước hết, HTX đã ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên. Những năm qua, HTX luôn mua sản phẩm hồ tiêu của thành viên với giá cao hơn giá thị trường, trong đó có thời điểm cao hơn 160%.
Thuận Hà có 195 ha hồ tiêu hữu cơ cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm hồ tiêu OCOP |
Ngoài hiệu quả kinh tế nổi trội cho thành viên, vào những thời điểm dịch bệnh Covid-19 làm cho thị trường nhiều loại nông sản bị “tê liệt”, sản phẩm hồ tiêu của HTX vẫn tiêu thụ thông suốt.
Trong đó, năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn bán hồ tiêu hữu cơ với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn, có thời điểm giá lên tới 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ.
Cũng theo bà Thu, sản xuất hồ tiêu hữu cơ đem lại kinh tế cao, môi trường lao động tốt, vườn cây ít xảy ra dịch bệnh, nên thành viên và nông dân rất phấn khởi, yên tâm đầu tư.
Tuy nhiên, để đạt được thành công như hiện nay, HTX cũng trải qua quá trình rất khó khăn để tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân tham gia vào HTX cùng sản xuất, chăm sóc hồ tiêu hữu cơ.
Ban đầu, HTX tập hợp những nông dân có tâm huyết, có kinh nghiệm triển khai trồng hồ tiêu hữu cơ. Khi HTX bán được sản phẩm với giá cao, nông dân bắt đầu so sánh và thấy được nhiều cái lợi, nên tham gia vào HTX. "Nói thì đơn giản vậy, nhưng đây là một quá trình rất khó khăn, vất vả", bà Thu chia sẻ.
Thời gian qua, HTX đã tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng hồ tiêu hữu cơ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hiện nay, trên các vườn rẫy của thành viên đều áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu hữu cơ.
Sản phẩm hồ tiêu OCOP ở Thuận Hà có đầu ra tốt, giá bán cao |
Lãnh đạo UBND xã Thuận Hà cho biết, hồ tiêu hữu cơ ở Thuận Hà đạt tiêu chuẩn quốc tế và OCOP là niềm tự hào của địa phương. Kết quả này mở ra hướng phát triển bền vững cho cây hồ tiêu trên địa bàn.
Hiện nay, ngoài những nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều bà con ở các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng... cũng tình nguyện xin tham gia HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên để sản xuất hồ tiêu hữu cơ.
Điều này cho thấy, uy tín của sản phẩm hồ tiêu OCOP ở Thuận Hà là rất lớn. Trên cơ sở này, địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Qua đánh giá của UBND huyện Ðắk Song, xã Thuận Hà là một trong những vùng có lợi thế phát triển hồ tiêu lớn nhất của huyện. Trong kế hoạch phát triển nông nghiệp vào giai đoạn tới, huyện đã quy hoạch Thuận Hà là một trong những vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm.
Do đó, với những kết quả sản xuất hồ tiêu hiện nay sẽ là nền tảng tốt cho địa phương phát triển loại cây trồng một cách bền vững, giá trị cao trong tương lai.