Ấn tượng giảm nghèo ở Thuận An

Trần Lê| 24/08/2022 08:58

Đến cuối năm 2021, trong khi tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm trên 11%, nhiều xã vẫn ở mức 3-4%, thì ở xã Thuận An (Đắk Mil) tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%.

Do diện tích đất rẫy ít nên cách đây 3 năm, anh Y Đoái, bon Sar Pa được hỗ trợ một con bò giống để nuôi nhằm đa dạng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm nay, anh được hỗ trợ phân bón để chăm sóc cà phê.

Cùng với hỗ trợ con giống, vật tư, bằng nhiều hình thức khác, anh được các đoàn thể hướng dẫn cách thức chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên bò phát triển tốt, đã sinh sản được bê con. Anh tích cực học hỏi, áp dụng hiệu quả các kỹ thuật chăm sóc cà phê, từng bước cải tạo vườn cây phát triển bền vững hơn. Với sự nỗ lực, vượt khó, đến nay, gia đình anh đã có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi và cà phê. Đặc biệt, năm 2021, gia đình anh Y Đoái đã thoát nghèo.

Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An vui mừng cho biết, xã Thuận An hiện có 10 thôn, bon, dân số trên 2.900 hộ, trong đó, hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 27%. Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh. Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 4,57%, thì đến hết năm 2021 chỉ còn 0,64%. "Để đạt được kết quả trên, cả hệ thống chính trị, người dân cùng nỗ lực, đồng hành, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Qua đó, xây đắp thêm niềm tin của người dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước", ông Dũng cho biết thêm.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại bon Sar Pa phát triển chăn nuôi bò, thu nhập ngày càng khấm khá hơn

Cũng theo ông Dũng, công tác giảm nghèo được Đảng ủy xã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của chính quyền, đoàn thể địa phương.

Công tác này gắn với những địa chỉ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng, định kỳ được kiểm tra, đánh giá. Hằng năm, hiệu quả giảm nghèo là tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân.

Cụ thể, Hội Phụ nữ xã được giao thực hiện tốt chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng việc hỗ trợ dê, bò sinh sản cho hội viên. UBND xã có nhiệm vụ triển khai tốt chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ công cụ sản xuất giúp các hộ nghèo vươn lên. Nhiều trường hợp được hỗ trợ học nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tiền điện, hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho học sinh…

Đối với nguồn vốn, xã đã vận dụng đa dạng, linh hoạt các chương trình, dự án, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Xã còn phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng CSXH. Riêng năm 2021, số tiền Ngân hàng CSXH giải ngân trên 29 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn vay phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Tỷ lệ hộ dân ở xã Thuận An được sử dụng nước sạch ngày càng cao

Cũng theo ông Dũng, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn, nhất là các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ ở 2 bon Sar Pa và Bu Đắk. Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững cho bà con vẫn là mục tiêu hàng đầu của địa phương trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, Thuận An là một xã điển hình làm tốt công tác giảm nghèo. Trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững bằng việc áp dụng, chăm sóc cây trồng chủ lực theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và một số cây con khác nhằm đa dạng thu nhập.

"Xã cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh, thông tin..", ông Hoàng nhấn mạnh thêm.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/an-tuong-giam-ngheo-o-thuan-an-94708.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/an-tuong-giam-ngheo-o-thuan-an-94708.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ấn tượng giảm nghèo ở Thuận An
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO