Kinh tế

Ấn tượng giảm nghèo ở Đắk Nông

Văn Tâm 27/03/2024 15:41

Tỷ lệ hộ nghèo Đắk Nông giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 5,18% năm 2023. Đây là một trong những kết quả lớn nhất của tỉnh 20 năm qua.

235003dsc_0078(1).jpg
Vườn vải U Hồng hơn 250 cây của ông Nguyễn Văn Nuôi, bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) cho thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí

Đặc biệt, năm 2023, tỉ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ đạt kết quả ấn tượng, vượt hơn 3% so với chỉ tiêu đưa ra. Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên về tỉ lệ giảm nghèo 2023 (Đắk Lắk giảm 1,5%; Gia Lai giảm 1,01%; Kon Tum giảm 1,43%; Lâm Đồng giảm 0,74%)”.

Đa dạng sinh kế cho hộ nghèo

Những năm qua, từ nguồn vốn của dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho hộ nghèo, nhất là các hộ dân vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trước đây, gia đình chị H’Duyên Byă ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) là hộ nghèo. Thông qua nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị H’Duyên được cho vay số tiền 80 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Từ số tiền này, gia đình chị đã đầu tư chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Nhờ phát huy hiệu quả đồng vốn vay nên đến nay, gia đình chị H’Duyên đã thoát nghèo.

Chương trình giảm nghèo đã giúp diện mạo vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực. Việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, giúp đời sống người dân được cải thiện.

Nguyễn Công Tự
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông

Chị H’Duyên Byă cho biết: “Ngoài hỗ trợ cho vay vốn, chúng tôi còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn sử dụng đồng vốn hiệu quả. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng lên, thu nhập được cải thiện”.

Những năm qua, xã Tâm Thắng được tỉnh, huyện quan tâm tập trung các nguồn lực đầu tư, xã đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại 4 buôn đồng bào DTTS trên địa bàn.

Theo ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, xã đã đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con. Bà con còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ công cụ máy móc nông nghiệp… Nhờ đó, đời sống các hộ đồng bào DTTS ở xã Tâm Thắng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Còn gia đình ông Điểu Drây ở bon Prăng I, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) những năm trước đây, gia đình ông trồng lúa rẫy, cà phê trên diện tích 2 ha đất đồi, nhưng hiệu quả không cao.

dsc_0986(1).jpg
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ông Điểu Drây ở bon Prăng I, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cách chăm sóc mắc ca thời kỳ ra trái

Năm 2010, từ nguồn vốn của Chương trình khuyến nông quốc gia, gia đình ông nhận trồng gần 1ha mắc ca. Tham gia chương trình, ông được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, từ loại cây trồng mới, cây mắc ca trở thành “cây xoá đói, giảm nghèo” của gia đình ông.

Theo Điểu Drây, với hơn 1 ha mắc ca, mỗi năm ông thu được hơn 1 tấn trái, giá bán giao động từ 90 - 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi trên 80 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng mắc ca, ông Điểu Drây trồng thêm cà phê, chăm nuôi bò, vì vậy nguồn thu nhập của gia đình ngày một ổn định. Từ một hộ có thu nhập thấp từ, giờ đây, ông Điểu Drây trở thành hộ tiêu biểu trong vượt khó, thoát nghèo ở xã Quảng Trực.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Những năm qua, các dự án, chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh Đắk Nông được Trung ương phân bổ trên 555 tỷ đồng.

z5156244101908_0ab3c9173f1b1ab9edc6ccef3bf1ef36(1).jpg
Công trình thuỷ lợi xã Đắk Môl, huyện Đắk Song (Đắk Nông) giúp các hộ đồng bào DTTS ổn định diện tích lúa nước

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, hỗ trợ các xã thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135…

Để nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tỉnh tập trung triển khai 2 mô hình điểm giảm nghèo nuôi bò sinh sản tại 2 xã Đắk Wer và xã Nghĩa Thắng (Đắk R’Lấp) với tổng kinh phí 500 triệu đồng, 2 dự án giảm nghèo tại huyện Đắk Glong với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ngoài ra, việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo cũng được đơn vị, đoàn thể triển khai đạt kết quả tích cực.

Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả được nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi gà lai chọi xã Đắk Ha (Đăk Glong), Đắk Ngo (Tuy Đức), mô hình nuôi dê tại xã Quảng Trực (Tuy Đức), mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Đắk Rmoan (TP. Gia Nghĩa), mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gia cầm và phân bón ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp)…

z5156220780490_96b00e332eb70469e33de676db79ca8b(1).jpg
Phát triển diện tích lúa nước giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS bảo đảm an ninh lương thực

Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Chương trình giảm nghèo đã góp phần giúp diện mạo các thôn, bon, buôn nông thôn chuyển biến tích cực.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đời sống người nghèo từng bước được cải thiện với việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh...

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 5,18% năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%, riêng năm 2023 giảm 8,14%.

“Tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo như: Tiểu dự án 1 về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Dự án Đa dạng hoá sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

bd-3.png
Biểu đồ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương cho xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2023

Đắk Nông đang tập trung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 2.788,224 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1.144,899 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 598,646 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.044,679 tỷ đồng.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ấn tượng giảm nghèo ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO