Ấn tượng Đắk Nông trước thềm năm nước rút
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến hết năm 2024, Đắk Nông đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, tạo tiền đề, động lực cho năm nước rút 2025.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến hết năm 2024, Đắk Nông đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, tạo tiền đề, động lực cho năm nước rút 2025.
DẤU ẤN TRONG LÃNH ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đặt ra những định hướng và tầm nhìn phát triển chiến lược nhằm đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam Tây Nguyên, với mục tiêu "Tỉnh mạnh – Dân giàu – Thiên nhiên tươi đẹp – Xã hội nghĩa tình".
Trong suốt nhiệm kỳ, Tỉnh ủy luôn duy trì phương châm "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" và ưu tiên hàng đầu cho phát triển bền vững. Bằng cách đặt ra các kế hoạch hành động cụ thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, tạo điều kiện cho Đắk Nông phát triển toàn diện.
Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm như: chương trình phát triển công nghiệp nhôm; chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Giai đoạn qua, HĐND tỉnh Đắk Nông đã tích cực trong công tác giám sát và ban hành các chính sách quan trọng, bảo đảm các chương trình phát triển được thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ. Trong giai đoạn 2020 - 2024, HĐND tỉnh đã thông qua hơn 50 nghị quyết và chính sách hỗ trợ, tập trung vào các vấn đề then chốt như: phát triển công nghiệp nhôm và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông và y tế; hỗ trợ người dân thoát nghèo, đặc biệt là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số...
HĐND tỉnh cũng giám sát chặt chẽ việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai và dịch bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bằng cách bảo đảm nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, HĐND tỉnh đã giúp Đắk Nông hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và duy trì ổn định kinh tế - xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã để lại nhiều dấu ấn lớn trong chỉ đạo, điều hành. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho biết, với trách nhiệm thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội một cách cụ thể và quyết liệt.
Trước hết, UBND tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và thành lập các đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Các dự án đầu tư đều đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ UBND tỉnh về thủ tục pháp lý, đất đai, nguồn vốn...
UBND tỉnh Đắk Nông chú trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là công tác quản lý rừng và đất rừng. Bằng các quy định nghiêm ngặt và các chương trình hành động cụ thể của UBND tỉnh, Đắk Nông đã dần ngăn chặn được tình trạng phá rừng và khai thác tài nguyên trái phép, giữ vững hệ sinh thái tự nhiên.
UBND tỉnh điều hành triển khai các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông, giáo dục, y tế. Cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển, UBND tỉnh còn phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng.
Đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh giai đoạn qua, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hòa Đông Đắk Nông cho rằng, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có nhiều quyết sách quan trọng, quyết liệt, đúng đắn, thể hiện tinh thần tiên phong, đổi mới và chịu trách nhiệm.
Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo tỉnh, nhiều vấn đề khó khăn của Đắk Nông đã được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Trong đó, việc ứng phó với đại dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh đã điều hành, chỉ đạo các biện pháp chống dịch kịp thời. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhờ đó, Đắk Nông vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm không để kinh tế bị đình trệ.
Cũng theo ông Đông, lãnh đạo tỉnh đã ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp và năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi số. Những chính sách tập trung và hiệu quả này đã tạo điều kiện cho tỉnh trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển cao ở Tây Nguyên.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án tiềm năng, từ đó giúp Đắk Nông không ngừng cải thiện và phát triển.
3 TRỤ CỘT KINH TẾ TIẾP ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đắk Nông đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngay đầu nhiệm kỳ, dịch Covid-19 bùng phát, khiến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội phải ngưng trệ trong một thời gian khá dài.
Nối tiếp đó là nền kinh tế suy thoái chung do những tác động trên toàn cầu. Tại Đắk Nông còn phải đối mặt thêm gánh nặng về thiên tai như lũ lụt, hạn hán; dịch bệnh trên người và vật nuôi.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo kiên định và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã mang lại những thành quả to lớn, giúp nhiều lĩnh vực kinh tế Đắk Nông vươn lên ấn tượng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là 3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch.
Trong các kết quả nổi bật, công nghiệp thể hiện sự phát triển rõ nét, đóng vai trò lớn nhất trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2024, tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp trong GRDP của Đắk Nông đạt khoảng 11%. Tỷ trọng công nghiệp hàng năm trong GRDP Đắk Nông đạt gần 20%.
Đóng góp tích cực nhất cho nền công nghiệp nội tỉnh là Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Tính đến hết năm 2024, công suất của nhà máy đạt 650.000 tấn alumin mỗi năm, đóng góp khoảng 1.200 tỷ đồng vào ngân sách địa phương, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách của tỉnh và tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động.
Sản phẩm nhôm, alumin của Đắk Nông không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tại nhiều nước trên thế giới, giúp nâng cao giá trị, tăng nguồn thu cho kinh tế tỉnh.
Bên cạnh bô xít thì công nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, năng lượng tái tạo... cũng có nhiều đóng góp cho kinh tế Đắk Nông. Đắk Nông đã phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, với tổng công suất ước đạt 300MW vào cuối nhiệm kỳ. Những dự án này được triển khai chủ yếu tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil và Đắk Song. Tỉnh đã thu hút hàng ngàn tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tạo ra nguồn thu mới và giảm thiểu khí thải carbon.
Từ năm 2020 đến nay, Đắk Nông đạt nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp Đắk Nông luôn ở mức khá. Trong đó, năm 2023 tăng trưởng 6,76%; năm 2024 đạt 4,85% và dự kiến năm 2025 đạt 4,75%.
Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của tỉnh trong cả giai đoạn đạt hơn 5,2 tỷ USD. Tỷ trọng nông nghiệp hàng năm trong GRDP Đắk Nông đạt gần 44,6%.
Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của tỉnh hiện đạt trên 309.397ha. Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200ha, cây hàng năm gần 74.000ha.
Tỉnh công nhận được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô 3.556ha, gồm cà phê, hồ tiêu, lúa, xoài; công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về vùng trồng xuất khẩu, Đắk Nông hiện có 47 mã số, với 37 vùng trồng; 10 mã số cơ sở đóng gói...
Tỉnh thúc đẩy các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, diện tích cà phê của tỉnh tăng lên 142.000ha, trong đó có 131.000ha cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 350.000 tấn/năm. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt khoảng 200 triệu USD. Cà phê tạo nguồn thu nhập cho hơn 70.000 hộ và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người dân Đắk Nông.
Cây hồ tiêu ở Đắk Nông chiếm 33.800ha, sản lượng đạt hơn 60.000 tấn/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giúp tỉnh tăng nguồn thu ngân sách đáng kể hàng năm.
Các loại cây ăn quả cũng ngày càng phát triển theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao. Trong đó, nổi bật có sầu riêng với diện tích 7.000ha và sản lượng ước đạt 70.000 tấn/năm, cũng góp phần tăng thêm giá trị kinh tế cho Đắk Nông trong những năm gần đây.
Giai đoạn 2020-2024, Đắk Nông cũng như cả nước chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển du lịch. Tỉnh đã thu hút được hơn 2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào GRDP hàng năm của tỉnh. Trong đó, năm 2024, Đắk Nông chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch, với doanh thu tăng 21,87% so với năm 2023; đạt 101,5% kế hoạch năm đề ra.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ THÔNG THOÁNG
Ngoài phát triển kinh tế, giai đoạn vừa qua, Đắk Nông chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2020, PCI tỉnh Đắk Nông có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, tăng 2 bậc, xếp vị trí 60/63 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2021, chỉ số PCI của Đắk Nông tăng lên 8 bậc và xếp vị trí 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến năm 2022, chỉ số PCI Đắk Nông tăng 14 bậc về thứ hạng, từ vị trí 52/63 năm 2021 lên vị trí 38/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, một số chỉ số thành phần có thứ hạng cao như: chi phí thời gian (xếp hạng 6); tính minh bạch (xếp hạng 17); tính năng động của chính quyền tỉnh (xếp hạng 23).
Ấn tượng nhất, năm 2023, Đắk Nông đã có đột phá mạnh mẽ khi chỉ số PCI cấp tỉnh vươn lên vị trí thứ 21 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 17 bậc so với năm 2022. Đây là kết quả cao nhất mà Đắk Nông đạt được trong vòng 20 năm qua. Năm 2024 dù chưa công bố, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư ở Đắk Nông có nhiều bước tiến mới.
Tại buổi gặp mặt doanh nhân tỉnh Đắk Nông, diễn ra ngày 9/10/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá: "Những chuyển biến rõ nét, bứt phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của chính quyền các cấp. Sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Đắk Nông”.
GIẢM NGHÈO ẤN TƯỢNG
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá.
Ngay sau đại hội, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch về việc triển khai nghị quyết.
Trong nhiệm kỳ, Đắk Nông đã đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông. Tính đến đầu năm 2025, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông ở Đắk Nông đạt 74%, vượt chỉ tiêu nghị quyết 1%. Trong đó, các tuyến quốc lộ thường xuyên được nâng cấp, cải tạo, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Các tuyến đường huyện và xã được cải thiện, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và thương mại.
Đặc biệt, Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị khởi công trong năm 2025. Dự án hứa hẹn đem lại nhiều đột phá cho kinh tế - xã hội Đắk Nông trong giai đoạn tới.
Cùng với giao thông, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ tại Đắk Nông đã có sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn vừa qua, tạo động lực phát triển to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2020 - 2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã tập trung tháo gỡ 3 vấn đề khó khăn lớn và đạt nhiều kết quả tích cực: quy hoạch bô xít; các dự án năng lượng tái tạo; giải phóng mặt bằng khai thác bô xít.
Đắk Nông hiện có 46 chợ, 2 siêu thị đang hoạt động (trong đó có 1 siêu thị hạng 2 tại TP. Gia Nghĩa; 1 siêu thị hạng 3 nằm trong khu phức hợp tại huyện Cư Jút); Trung tâm thương mại tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp) đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1; Trung tâm thương mại tại huyện Đắk Mil đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng và sắp đi vào hoạt động...
Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và hạ tầng cơ sở phát triển mạnh mẽ đã tạo động lực to lớn để Đắk Nông bứt tốc trong công tác giảm nghèo.
Theo Sở LĐ-TB-XH, đến nay, số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 5.411 hộ, chiếm 3,15% và giảm khoảng 9% so với cuối năm 2020. Số hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 2.025 hộ, chiếm 12,42% và giảm 18% so với cuối năm 2020. Số hộ nghèo của Đắk Nông chỉ bằng 1/4 so với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Giai đoạn vừa qua, Đắk Nông luôn đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo.
Tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh thường kỳ tháng 11/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá: “So với cả nước và so với khu vực, tỷ lệ giảm nghèo của Đắk Nông là rất ấn tượng. Chúng ta có quyền tự hào khi đạt được kết quả này".
Năm 2025 sẽ là chặng đường nước rút để Đắk Nông hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ. Tỉnh đặt mục tiêu giữ vững các thành tựu về kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung cải tiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Nhóm P.V thực hiện