Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, lượng muối ăn vào trực tiếp liên quan tới lượng natri. Bởi vì trong muối có chứa khoảng 40% natri và 60% clorua, thường được dùng làm gia vị của món ăn hoặc dùng làm chất bảo quản thực phẩm. Natri là một loại khoáng chất thiết yếu cho hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp, cộng với clorua sẽ giúp cân bằng nước và khoáng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của cơ thể.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 2.000mg natri/ngày (tương đương với 5g muối/ngày là khoảng 1 thìa cà phê). Tuy nhiên, phần lớn người dân Việt Nam tiêu thụ gấp đôi khuyến cáo này, với khoảng 10g muối/ngày. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ quá nhiều muối trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp và tăng khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày. Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và gia tăng quá trình lão hóa, dẫn đến tử vong sớm.
Ngoài ra, khi tiêu thụ quá nhiều muối trong khẩu phần ăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xương. Bởi vì muối làm mất canxi từ xương, trong khi canxi lại là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự chắc khỏe của xương. Quá trình mất canxi từ xương có thể làm cho chúng yếu và dễ gẫy hơn, đồng thời gia tăng nguy cơ loãng xương. Mặt khác, việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Thậm chí, nếu bị bệnh thận, sử dụng đồ ăn mặn có thể làm cho bệnh nặng hơn. Ngoài ra, muối còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như sỏi thận, viêm thận và tăng mỡ trong thận.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư… đã gia tăng và trẻ hoá. Điều đáng nói là mức tiêu thụ thức ăn nhanh tại nước ta cũng đang gia tăng, nhất là trong giới trẻ.
Một nghiên cứu với 467 người trong độ tuổi 19-39 tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 47% người tham gia thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh và tỷ lệ này cao hơn ở nam giới và thanh thiếu niên (từ 16-24 tuổi). Trong khi đó, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri. Những thực phẩm phổ biến nhất có nhiều natri được tiêu thụ thường xuyên là đồ ăn nhẹ có vị mặn; xúc xích, bánh quy, salad mua sẵn, giăm bông, lạp xưởng, thịt xông khói…
Còn theo một nghiên cứu do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tài trợ thực hiện năm 2020 ở người 15-25 tuổi thuộc cả khu vực thành thị và nông thôn thành phố Hà Nội cho thấy, gần 95% người tham gia có xu hướng thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn nhanh. Bánh mì, đồ ăn nhanh và mì ăn liền là những loại thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất.
Trước thực tế trên, WHO cho rằng, cần thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực phẩm giảm lượng natri trong các thực phẩm bao gói sẵn bằng cách quy định lượng natri tối đa có trong 100g thực phẩm và áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến hoặc thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm. Bên cạnh đó, cần triển khai các quy định về dán nhãn công bố lượng natri trong thực phẩm. Đồng thời chỉ dẫn cho người tiêu dùng nhận biết thực phẩm nhiều natri, cảnh báo sức khỏe của việc ăn thừa natri.
Để cải thiện bữa ăn của mỗi gia đình giảm lượng natri, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng khi chọn mua một sản phẩm thực phẩm cần đọc kỹ nhãn mác. Cố gắng chọn thực phẩm cung cấp 5% natri hoặc ít hơn cho mỗi khẩu phần. Ngoài ra, nên chọn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến và ăn nhiều rau, trái cây. Không nên để các lọ gia vị và nước sốt ngay trên bàn ăn để các thành viên trong gia đình hình thành thói quen hạn chế nạp thêm muối.