An sinh - Cuộc sống

An sinh xã hội - Động lực để Đắk Nông phát triển bền vững

Thanh Hằng 02/01/2024 13:48

Đắk Nông luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, giúp cân bằng các mặt phát triển kinh tế-xã hội.

bia(3).jpg

Đắk Nông luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, giúp cân bằng các mặt phát triển kinh tế - xã hội.

12.jpg

Mẹ đột ngột qua đời, bố bỏ nhà đi, nên 2 anh em Y Khang và Y Tuân được người chị họ cưu mang. Cùng sự giúp đỡ kịp thời của mọi người đã giúp con đường đến trường của 2 đứa trẻ người Ê đê bằng phẳng, ấm áp hơn.

Y Khang nhớ lại: “Nhà em không có rẫy. Bố thì bị bệnh, sống lang thang khắp nơi. Khi mẹ còn sống, có hôm chỉ ăn mì tôm nên những ngày được ăn cơm với cá khô, hai anh em vui lắm. Mỗi ngày đi nhặt ve chai được vài ngàn đồng, có nhiều lúc hai anh em cũng ước được ăn bữa cơm có thịt mà không đủ tiền để mua”.

daknong.1cdn.vn-2023-03-28-_214527y-khang-1-1-1-.jpg
Ngày nhận Y Tuân vào lớp, cô Hiền bất ngờ vì cậu bé chưa được khai sinh, đen nhẻm và chưa từng đi học

Nhắc về trường hợp của Y Khang và Y Tuân, cô giáo Mai Thị Ngọc Hiền, giáo viên Trường triểu học Hà Huy Tập nói rằng, đây là hai học trò đặc biệt trong hàng chục năm đứng lớp của cô. Nếu mẹ không mất, có lẽ Y Khang và Y Tuân vẫn chưa đến trường, bởi từ khi sinh ra, cả 2 em chưa được khai sinh. Sau gần một năm được đi học, niềm vui đã hiện lên trên khuôn mặt của 2 đứa trẻ người Ê đê.

Đến nay cả 2 anh em Y Khang đã biết đọc, biết viết và tự tin giao tiếp với mọi người. Y Tuân nói: “Ngày mẹ còn sống, anh Khang đi nhặt ve chai hoặc mót cà phê, còn em ở nhà chăm sóc mẹ. Bữa đói, bữa no nhưng chúng em chưa từng nghĩ đến chuyện đến trường bởi vì "không ai cho đi học".

hinh-y-khang-1-1-1-.jpg
Theo cô Hiền, nhờ sự vào cuộc khẩn trương của chính quyền và nhà trường, cả Y Khang và Y Tuân đã được khai sinh, cấp mã số định danh

Để có được kết quả như ngày hôm nay, cô giáo Hiền cho biết đó là sự vào cuộc khẩn trương và quyết liệt của nhà trường và chính quyền các cấp. “Ngày mẹ còn sống, do đang ở nhờ trên đất của người khác nên gia đình không có hộ khẩu thường trú.

Biết được hoàn cảnh của các em, chính quyền xã Tâm Thắng đã hoàn thiện các thủ tục để khai sinh và cấp mã số định danh cho 2 anh em. Có lẽ, ngày chính thức được công nhận là công dân sẽ là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của Y Khang và Y Tuân”, cô giáo Hiền cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ngay sau khi hoàn cảnh của Y Khang và Y Tuân được báo chí phản ánh, hàng ngàn độc giả trong và ngoài nước đã gọi điện động viên, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho 2 cậu bé người Ê đê. Mỗi người hỗ trợ một ít, đến nay số tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ cho 2 anh em Y Khang khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nhà trường cùng chính quyền địa phương đã lập thành 4 sổ tiết kiệm để 2 anh em có thể sử dụng khi đủ 18 tuổi.

hinh-y-tuan-1-1-.jpg
Sau gần một năm được đi học, niềm vui đã hiện lên trên khuôn mặt của Y Tuân

Số tiền vượt ngoài tưởng tượng, thế nhưng điều khiến cô Hiền và các thầy cô Trường tiểu học Hà Huy Tập xúc động đó chính là sự quan tâm, đồng cảm của mọi người. Có những nhà hảo tâm dù không thể đến tận nơi tặng quà, nhưng vẫn nhờ người mang sách vở, quần áo mới đến cho 2 anh em Y Khang và Y Tuân. Thậm chí, một nhà hảo tâm khuyết tật đã không quản ngại đường xa, tự mình đi mua tặng 2 anh em Y Khang và Y Tuân xe đạp mới, giúp con đường đến trường của 2 đứa trẻ mồ côi ấm áp và bằng phẳng hơn.

box-dong(3).gif

Gần 1 năm trở thành trẻ mồ côi, nỗi buồn khi mất mẹ vẫn hiện hữu trên đôi mắt của Y Khang và Y Tuân. Thế nhưng, cô giáo Hiền và các thầy cô giáo trong Trường tiểu học Hà Huy Tập tin rằng, tình cảm, sự quan tâm của các nhà hảo tâm trong thời gian qua, sẽ là động lực để 2 anh em cố gắng, tự tin đi về phía trước.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Y Tuân nói: “Bây giờ mỗi ngày chúng em đều được ăn cơm với thịt, cá nên không còn đói khổ như trước nữa. Em và anh trai sẽ đi học để biết chữ, để có cuộc sống tốt hơn khi không còn bố mẹ bên cạnh”.

hinh-y-khang-4-1-.jpg
Cô Hiền và các nhà hảo tâm tới thăm, động viên Y Khang và Y Tuân ngay sau khi bài viết về hoàn cảnh 2 anh em được đăng tải (Ảnh chụp tháng 3/2023)
13.jpg
phat-trien-kinh-te_1-2-.jpg
Để giảm nghèo hiệu quả, tỉnh Đắk Nông coi trọng phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong ảnh: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là nơi đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, được tỉnh Đắk Nông quan tâm ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, ban hành nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, điều kiện thực tiễn của tỉnh, có tính đột phá riêng, diện bao phủ ngày càng mở rộng và đi vào cuộc sống.

thoat-ngheo-1-1-.jpg
Từ các chương trình dự án và nhiều nguồn hỗ trợ, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã tập trung chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Lục Vĩnh Phúc (bên phải), thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) hiện đã học nghề và tự đi làm với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng

Chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt, gồm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng (y tế, giáo dục, dạy nghề...); hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19, Đắk Nông đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lúc khó khăn, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Đắk Nông.

krich-2-1-.jpg
Được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, cùng với sự cần cù, chịu khó, anh Điểu K’rích, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của địa phương

Hiện nay, tỉnh có 12.191 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và những năm bị dịch bệnh thiên tai, UBND tỉnh trình Chính phủ xuất cấp gạo để hỗ trợ Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 431.417 khẩu được hỗ trợ 6.003 tấn gạo. Trong giai đoạn 2008-2020, Đắk Nông đã hỗ trợ xây dựng 4.356 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác.

hinh-bai-cuoi-tuan-1-1-.jpg
Người dân xã Cư K'nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư vào sản xuất để từ đó có cơ hội thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống

Cùng với ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; tặng quà nhân dịp lễ, tết; trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ đột xuất…

p2.jpg
Hiện nay, nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm của xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã có thêm sinh kế thoát nghèo nhờ nghề dệt thổ cẩm. Đây là loại hình thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm

Các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Diện bao phủ BHXH và BHTN cũng không ngừng được mở rộng. Cụ thể, năm 2004, năm đầu thành lập, số thu BHXH, BHYT là 21.470 triệu đồng, với 26.533 người tham gia BHXH, BHYT, thì đến 6 tháng đầu năm 2023 thu BHXH, BHYT, BHTN được 547.182 triệu đồng với tổng số người tham gia là 561.357 người, đạt 91,65% kế hoạch BHXH Việt Nam năm 2023.

box-dong-2.gif

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song những năm qua tỉnh đã dành một phần đáng kể các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó đã có khoảng 6.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở (thuộc Chương trình 134, 1592, 755); xây mới và cải tạo được 5.667 căn nhà (thuộc Chương trình 134).

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Đắk Nông là 2.695 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm 2022 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 1.285tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho các xã, thôn, bon đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2025 là 1.136 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 là 481 tỷ đồng…

phong-1.jpg
Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tham gia đào tạo nghề phù hợp với trình độ, năng lực và nguyện vọng

Với quan điểm đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển, thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn.

Nội dung: Thanh Hằng - Trình bày: NH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An sinh xã hội - Động lực để Đắk Nông phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO