Văn hóa

Ăn gì khi đến Tây Nguyên ?

Nam Nguyễn 10/03/2023 6:05

Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như dân tộc Ê đê, M’nông, Mạ, Ba Na, Gia Rai,... Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, vì vậy ẩm thực Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng, bởi từng khu vực khác nhau đều có các cách chế biến món ăn đơn giản, cầu kỳ khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung chính là đều mang đến những hương vị đặc trưng của quê hương nơi đây, nét tinh túy của núi rừng vừa hoang sơ, vừa hấp dẫn.

Hấp dẫn món cơm lam, gà nướng

img_5884(1).jpg
Cơm lam, gà nướng bằng than củi cho độ chín đều và rất thơm ngon.
img_4635(1).jpg
Gà nướng, cơm lam là những món đặc sản có thương hiệu tại Tây Nguyên.

Gà nướng ăn với cơm lam là một trong những đặc sản núi rừng nổi tiếng của đồng bào Tây Nguyên. Món ăn này hiện nay dù được chế biến khác nhau nhưng vẫn giữ được vị ngon, ngọt của thịt gà cùng mùi thơm của cơm nếp dẻo.

Món gà nướng thường là những con gà tơ được nuôi thả trên nương rẫy, nặng trên dưới 1kg, thịt săn chắc và có lớp da vàng mỏng. Sau khi sơ chế, gà được ướp kỹ với các loại gia vị đặc trưng như tỏi, hành tím, sả, mật ong, ớt... và đặc biệt không thể thiếu các loại lá rừng.

Gia vị ướp chính là bí quyết khiến món gà nướng của vùng Tây Nguyên trở nên đặc biệt hơn. Sau khi đã ngấm các gia vị ướp, gà được mang đi nướng. Cách nướng cũng là quá trình quan trọng quyết định hương vị của món ăn đặc sản này.

Gà được kẹp vào thân tre chứ không phải đặt trên vỉ, rồi cắm trực tiếp xuống than hồng. Than nướng gà phải dùng loại than củi để khi nướng có mùi khói thơm. Khi nướng, người đầu bếp phải trở tay liên tục và thêm than để bảo đảm lửa vừa vặn, sao cho gà chín tới và có màu vàng cánh gián.

Bên cạnh gà nướng, để nấu được món cơm lam hoàn hảo thì nguyên liệu không thể thiếu chính là gạo nếp. Gạo nếp được sử dụng thường là loại nếp nương hạt nhỏ, thon dài của đồng bào dân tộc Tây Nguyên trồng trên các nương rẫy. Gạo nếp ngon sẽ tỏa mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh, hạt phải tròn, mẩy, không bị vỡ và có màu trắng sữa. Ngoài ra, việc chọn ống tre, nứa để chế biến cũng rất quan trọng. Ống nứa hoặc ống tre non được chọn phải tươi, lớp vỏ ngoài màu xanh đậm, thân nhỏ và dài thì khi nướng món cơm lam mới có vị ngon đặc trưng.

Trước khi nấu, gạo nếp phải được ngâm nước từ 4-6 tiếng, sau đó được vo thêm lần nữa và để ráo nước rồi mới cho vào ống tre, nứa (không đổ quá đầy) và bịt kín một đầu bằng lá chuối. Cơm lam sẽ được nướng cùng lúc với gà trên bếp than hồng. Khi nướng, các ống cơm lam được đặt trên bếp than và xoay đều tay để gạo chín đều, không bị cháy. Khi gà nướng bắt đầu tỏa mùi thơm hấp dẫn cũng là lúc những ống cơm lam thơm dẻo cũng chín tới.

Gỏi lá - món ăn nổi danh của vùng Tây Nguyên

Sở dĩ gọi tên là "gỏi lá" bởi món ăn này chỉ toàn lá và lá, gỏi lá hút khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên bởi màu xanh tươi mát của một mâm đầy hàng chục loại lá với đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Ngoài những loại rau vườn nhà thường thấy như cải, hành, ngò, húng, tía tô... là hàng chục loại lá rừng khác mà chỉ người bản địa mới biết hết tên và công dụng của chúng. Tôm, thịt lại là yếu tố phụ ăn kèm đưa đẩy vị giác. Cảm giác đầu tiên khi nhà hàng mang gỏi lá ra có lẽ sẽ làm cho người lần đầu ăn choáng ngợp, bởi phủ kín một bàn ăn là một mâm hoặc khay lá xanh mướt mắt.

z4167178925573_6bacd28909308bc1ed4cce20d2c02edf(1).jpg
Mâm gỏi lá được bày biện giản đơn nhưng đẹp và hấp dẫn thực khách bởi màu xanh tươi mát của hàng chục loại lá rừng cùng với gam màu đỏ tươi, trắng nõn và vàng ruộm của những món ăn kèm.

Nguyên liệu chính là lá và bao gồm rất nhiều món phụ cùng cách chế biến khác nhau. Đĩa thịt ba chỉ phải đều cả nạc và mỡ, thái lát mỏng. Đĩa tôm đất rang vàng ươm cắt đầu cẩn thận. Đĩa bì heo chế biến như món nem chạo, thái sợi mỏng trộn với thính và gia vị. Ngoài ra, còn có một đĩa muối hạt đi kèm tiêu sọ đen, ớt xanh chỉ thiên để kích thích vị giác.

Quan trọng nhất và được coi là linh hồn của món ăn, thứ giúp hòa trộn tuyệt vời giữa toàn bộ lá rừng và tôm, thịt... lại đến từ bát nước chấm màu vàng nghệ, sền sệt. Nó không phải là nước mắm, nước tương hay nước chấm thông thường. Chế biến được nó phải qua mấy công đoạn, từ gạo nếp sau khi được lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, rồi sau đó xay nhuyễn. Tiếp theo, cho hỗn hợp đó lên chảo nóng đã phi hành khô, thêm mẻ, sa tế, gia vị rồi đảo đều trên bếp lửa liu riu mới thành.

Công phu là thế nên cách ăn, cách thưởng thức cho trọn vẹn toàn bộ món gỏi lá cũng khá là "phức tạp". Bạn không thể vội vàng mà phải theo trình tự mới có thể cuốn một chiếc gỏi thành công. Gỏi lá không sử dụng bánh tráng mà dùng chính lá để cuốn tất cả mọi thứ.

Trước tiên, chọn một chiếc lá to bản nhất như lá cải, lá mơ, cuốn thành một chiếc phễu nhỏ trong lòng bàn tay, sau đó tùy sở thích khẩu vị cho thêm các loại lá khác nhỏ hơn. Tiếp đến,bỏ vào lần lượt vài lát thịt luộc, vài con tôm rang, một nhúm bì lợn, rắc thêm vài hạt muối, tiêu và ớt cho đủ vị. Rồi sau cùng, chan lên một muỗng nhỏ nước chấm màu vàng nghệ, lúc đó bạn đã cuốn thành công một chiếc gỏi lá và đã có thể thưởng thức nó.

Món gỏi lá được coi là tròn vị, thơm ngon phải bảo đảm đầy đủ vị đậm đà của thịt, tôm, vị cay nồng hạt tiêu, ớt, vị mặn của muối, vị chua chua béo ngậy của nước chấm... tan vào cái thanh thanh, mát lạnh của lá rừng đã bao gồm sẵn vị chua, chát, đắng, bùi của từng loại lá.

Độc lạ món cá suối nướng ăn kèm kiến vàng

Thưởng thức món ăn làm từ kiến và trứng kiến cảm nhận được cái ngon, vị khác lạ mà không món ăn nào có được.

img_8344(1).jpg
Lá chuối được hơ sơ qua lửa để mềm, dai, không bị rách khi bọc cá để um trên lửa.

Người Ê đê vô cùng tự hào với đặc sản cá suối um kiến chua độc đáo. Nguyên liệu chính của món này ngoài kiến chua còn có loại cá sông to và rất nhiều thịt.

Sau khi kiến chua và cá qua công đoạn sơ chế, hai nguyên liệu này sẽ được trộn với tất cả các loại gia vị rồi bỏ vào ống lồ ô, nướng từ 5 - 7 phút là có thể dùng được.

Món gỏi cá - kiến chua rất đậm đà, vừa có vị ngọt và thơm của cá sông, vừa có vị chua của kiến quyện với mùi thơm nồng của các loại rau rừng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, món gỏi cá - kiến chua cũng là món ăn không thể thiếu của người bản địa trong những ngày lễ hội.

Khi đã xác định được tổ kiến, người đi săn sẽ mang về rồi và cầm vạc ra gõ nhanh cho kiến và trứng kiến rơi xuống rá. Những quả trứng kiến màu trắng sữa, kích cỡ như gạo tấm hoặc hạt gạo nguyên, căng mẩy. Do trứng kiến rất nhỏ, muốn lấy được nhiều có khi phải đi đến cả ngày trời.

Những hạt trứng nhỏ li ti được đãi nhẹ với nước ấm, để ráo rồi ướp với bột canh, hành khô và phi với mỡ cho tới lúc tỏa hương thơm lừng. Sau đó, người bản địa dùng lá chuối ngự gói trứng kiến vào để mùi thơm của trứng lẫn với hương lá chuối, kích thích vị giác một cách lạ thường.

Hấp dẫn món canh cà đắng của người Ê đê

img_8381(1).jpg
Canh cà đắng món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, tết của đồng bào Ê đê.

Canh cà đắng là một món ăn không thể bỏ qua, mang hương vị truyền thống độc đáo của người Ê đê. Nguyên liệu chính gồm cà đắng, thịt bò vụn hay còn gọi là thịt bò có gân lẫn da bò, sườn heo, ớt xanh, ngò gai, củ nén, củ riềng, lá quế rừng (quế trắng), lõi chuối (nõn chuối) và gia vị. Cách nấu món canh cà đắng cũng khá đơn giản, dân dã. Cà đắng bỏ cuống, bổ làm 2 hoặc 4 ngâm trong nước muối để cà không bị thâm đen và hạn chế mùi hăng của cà. Sau khi được sơ chế, các nguyên liệu thịt bò, sườn heo đã ướp muối cùng cà đắng, ớt xanh, nõn chuối… sẽ được bỏ chung vào nồi, đổ ngập nước và hầm cho chín mềm trên lửa lớn. Củ nén, củ riềng, vài trái ớt xanh, ngò gai, lá quế rừng, một chút muối và bột ngọt được trộn chung và giã nhuyễn. Sau đó, hỗn hợp gia vị này sẽ được thêm vào nồi cà đắng đang hầm trên bếp. Công đoạn cuối cùng là làm nhuyễn món canh. Nồi canh được vắt nước ra tô, dùng chiếc chày giã nguyễn các nguyên liệu cà đắng, ớt xanh trong nồi. Khi mọi thứ đã thực sự hòa quyện, nước canh lại được đổ lại vào nồi, hoàn thành món canh cà đắng độc đáo, hấp dẫn của người Ê đê.

Canh thụt của người M'nông

img_4620(1).jpg
Canh thụt không chỉ là món ăn hàng ngày của đồng bào M'nông mà còn là đặc sản dùng để tiếp đãi khách quý trong các dịp lễ hội truyền thống.

Món canh thụt được đồng bào dân tộc M'nông nấu trong ống nứa, bao gồm các nguyên liệu như cà đắng, lá nhíp non, nhíp già, lá mướp, hoặc trái mướp non, đọt mây đắng, lá ớt, cà bát, thịt thú rừng, thịt động vật nuôi, cá… Tất cả bỏ vào ống nứa đổ nước gần đầy miệng ống, dùng lá cây nút kín, dựng nghiêng ống canh bên bếp than để nấu. Khi nấu phải xoay trở thường xuyên để ống nứa không bị cháy. Khi canh sôi, dùng que gỗ, hoặc lồ ô thụt nhuyễn nguyên liệu trong ống sau đó nêm muối. Tiếp tục nấu và thụt khi nào canh có độ sền sệt thì đưa ra khỏi bếp, đổ ra trái bầu, tô, chén để ăn với cơm.

Ngoài món canh thụt, đồng bào M'nông còn có nhiều món đặc sản ẩm thực dân tộc món canh bồi, canh măng, canh lá nhíp già giã nhuyễn nấu với phèo trâu, heo…

Ẩm thực của người Tây Nguyên là một phần không thể tách rời của tín ngưỡng người Tây Nguyên. Nó mang nhiều yếu tố tộc truyền độc đáo, kết nối người sống với người chết, gắn kết giữa con người với thần linh, bên cạnh việc thể hiện sự sẻ chia, tình đoàn kết, cố kết trong cộng đồng. Các món ăn, thức uống của người bản địa Tây Nguyên Mạ, Êđê, M’nông... trên đất Đắk Nông bao giờ cũng mang một ý nghĩa thiêng liêng và hết sức trang trọng.

Hiện nay, những món ăn hấp dẫn trên đều được phục vụ tại các địa phương hoặc điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Dù rằng, hương vị có khác nhau do cách thức chế biến, gia vị gia giảm nhưng nó đều mang đặc trưng riêng của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, khi quây quần bên bếp lửa giữa nhà sàn, nhà dài vít ống rượu cần, nghe điệu ay ray; hay ngồi giữa rừng, nghe tiếng thác reo mà nhâm nhi gà nướng, cơm lam sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách.

Đọc tiếp

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ăn gì khi đến Tây Nguyên ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO