Ẩm thực Đắk Nông trong giao thoa hương vị vùng miền
Các món ăn truyền thống là một đặc trưng, góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Từ các dân tộc tại chỗ
Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, trong đó có 3 dân tộc bản địa gồm M'nông, Mạ, Ê đê... Là cư dân bản địa, sống gần sông suối, núi đồi nên từ xưa đồng bào đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên để chế biến ra những món ăn đặc trưng, mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên.
Mỗi khi đi rừng hay lên nương rẫy, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn không quên hái về một số loại rau như đọt mây, măng, lá bép, cà đắng, rau dớn… để bổ sung vào bữa ăn của gia đình.
Các món ăn được chế biến khá đơn giản, chủ yếu là luộc, nướng hoặc nấu canh. Điều dễ nhận thấy là các món đều có sự kết hợp giữa các nguyên liệu với nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng. Các món ăn của đồng bào thường có các vị như chua, đắng, cay, chát…
Theo giải thích của đồng bào thì không phải ngẫu nhiên mà họ thích ăn cay, đắng… bởi từ xưa cuộc sống còn khó khăn, bệnh tật nhiều nên các vị đắng, cay kết hợp với thức ăn sẽ góp phần đề kháng, giảm thiểu bệnh tật. Vị đắng, chát sẽ chữa được một số bệnh như đau bụng, sốt rét... Vị cay sẽ kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng hơn. Tuy đơn giản nhưng hầu hết các món ăn của đồng bào, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến quy trình chế biến khá công phu.
Một trong những các món ăn đặc trưng của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê mà luôn có mặt trong tất cả các ngày hội lớn của cộng đồng đó là rượu cần, cơm lam, thịt nướng… Rượu cần được làm với những công đoạn khá là công phu và bằng những nguyên liệu có từ trong tự nhiên ở đây như là lá, rễ cây rồi sau đó ủ lên men rượu. Món rượu cần này vừa mang một giá trị tâm linh vừa mang một giá trị vật chất, nó tạo nên sự may mắn cho người dân.
Cơm lam được người M’nông nướng rất khéo, với nguyên liệu truyền thống từ xưa đến nay vẫn là gạo nếp, vẫn có thể trộn thêm một số loại đậu vào để tăng thêm sự bắt mắt cho món ăn.
Sau đó được gói trong lá chuối và nướng, nhưng độc đáo ở đây là khi nướng xong lá chuối vẫn còn xanh mà cơm lam trong đã chín và bay mùi thơm phức.
Món canh thụt là một món ăn đậm chất núi rừng. Món này được chế biến với nguyên liệu chính là đọt mây, bép, cà đắng và ớt. Ngoài ra, để tạo thêm sự đa dạng cho món này thì người ta cho thêm nguyên liệu đó là cá khô- một loại cá nhỏ dưới suối và đem phơi khô, hoặc là sườn heo. Gia vị chính để nêm món này là bột ngọt và muối mà không dùng thêm bất cứ một loại gia vị nào khác.
Trước khi nấu món này phải chặt một ống lồ ô có lóng dài. Lồ ô phải chọn sao cho đúng, nếu già thì sẽ nhanh bị nứt, non thì sẽ nấu không ngon. Sau đó cho tất cả những nguyên liệu vào trong ống lồ ô và nấu. Đặc biệt khi nấu phải có một chiếc que có chiều dài bằng với ống lồ ô để thụt cho những thành phần bên trong ống được nhuyễn và cho hơi nước thoát ra ngoài. Có lẽ chính vì điều này mà người dân gọi món này là canh thụt.
Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ vẫn duy trì cách chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Mỗi khi tổ chức lễ hội, cưới hỏi hoặc lễ ăn mừng, đồng bào thường dùng các món cơm lam, thịt nướng... để thết đãi cộng đồng, quan khách.
Đến các dân tộc phía Bắc
Những năm qua, cùng với các chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Mông, Thái... ở phía Bắc đã di cư vào Đắk Nông lập nghiệp mang theo những nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo... Dân tộc Tày có các món chủ đạo như món xôi ngũ sắc, lợn quay mắc mật, mắm cá và cá chua; thịt gà giò nấu canh gừng nghệ, bánh giò. Dân tộc Dao có hơn 60 món ăn, đồ uống, bánh trái; trong đó đặc sản là rượu hoẵng, gà xào gừng, thịt muối chua...
Người Mông không có nhiều món ăn (khoảng 20 loại), nhưng cũng khá độc đáo như mèn mén, thắng cố, rượu ngô. Các món ăn của dân tộc tộc Mông gắn với muối, ớt. Hiện nay, nhiều món của dân tộc Mông ở Đắk Glong được du khách thích thú khi đến tham quan chợ phiên ở xã Đắk R'măng, Đắk Som (Đắk Glong) như thắng cố, bánh dày... Rượu ngô của người Mông có hương vị đặc trưng, hấp dẫn bởi ngô trồng trên núi cao và men lá, được nấu (cất) theo phương pháp thủ công truyền thống, độ rượu nặng hay nhẹ tùy theo muốn lấy ít hay nhiều rượu.
Cùng với rượu ngô còn có rượu "hang chú” nấu bằng phôi thóc nếp hay tẻ được coi là một đặc sản độc đáo, chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt như ngày đầu năm mới, ngày cưới hỏi.
Giao thoa văn hóa ẩm thực
Các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và di cư từ các ngoài vào Đắk Nông đều thể hiện khát vọng làm chủ tự nhiên, thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, sự tài tình trong lựa chọn và tinh tế trong chế biến món ăn…
Ngày nay, với hơn 40 dân tộc anh em cùng chung sống, sự giao thoa văn hóa hòa lẫn giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số đã ngày càng được mở rộng và phát triển. Điều này cũng dẫn tới sự dung hòa ẩm thực giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng là nơi có cả sự kết hợp ẩm thực Việt từ ba miền Bắc, Trung, Nam với sự biến tấu sao cho phù hợp về điều kiện miền núi cao để làm nên một nền ẩm thực Tây Nguyên vừa lạ, vừa quen đầy lôi cuốn.
Minh chứng rõ nhất là tại các Ngày hội văn hóa các dân tộc do chính quyền các cấp tổ chức, ngoài phục dựng các nghi lễ truyền thống thì phần thi ẩm thực các dân tộc luôn là phần mà mọi người háo hức chờ đợi nhất. Cùng với việc thể hiện những món ăn độc đáo của dân tộc thì các mọi người cũng cùng nhau nếm thử món ăn của các dân tộc anh em khác.
Cùng với đưa các món ăn truyền thống đặc trưng của các dân tộc vào thực đơn như cơm lam, thịt nướng, rượu cần, canh thụt... các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn biến tấu các món ăn truyền thống để phù hợp với nguồn thực phẩm và nhu cầu của thực khách như lá bép nấu cá hộp, lòng bê, bò, dê; đọt mây xào lá bép... những món ăn được đưa vào nhà hàng đó là