Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên

B.M (g/t)| 22/07/2022 08:39

Đây là cuốn sách của tác giả Bùi Trọng Hiền do NXB Văn Hóa Dân Tộc phát hành. Cuốn sách “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” là một công trình đầy tâm huyết, là kết quả của những ngày nắng gió lăn lộn ở Tây Nguyên và những đêm dài thao thức của tác giả.

Sách được chia thành ba phần. Phần I nói về cấu tạo, kích thước của các loại cồng chiêng; về các cách kích âm và biên chế của các dàn cồng chiêng. Tác giả đã khảo sát 24 bộ cồng chiêng của 11 tộc người với 23 bảng đo kích thước, trong đó có 40 chiếc cồng và 95 chiếc chiêng. Ngoài ra, còn nhiều loại trống, chũm chọe, lục lạc v.v... là những nhạc cụ thường được dùng để hòa tấu cùng các dàn cồng chiêng. Ngoài 3 hình vẽ giải thích nhạc cụ cồng chiêng, còn lại 35 hình vẽ khác cho chúng ta biết một cách chi tiết mọi cách kích âm cồng chiêng và hiệu quả của các phương pháp kích âm đó. Cũng thế, ta còn hiểu rõ các loại nhạc cụ phụ trợ cùng với cách diễn tấu. Trong Phần I, tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin phong phú, chính xác về hình dáng và kích thước nhạc cụ, về các phương pháp kích âm và tổ chức dàn nhạc theo truyền thống của mỗi dân tộc.

Bìa cuốn sách

Phần II chuyên khảo sát về thang âm của các dàn cồng chiêng. Muốn thế, tác giả phải đo cao độ từng chiếc cồng, từng chiếc chiêng với độ chính xác hợp với nhận thức của thính giác con người trong môi trường diễn xướng ngoài trời với không gian tĩnh mịch hoặc trong không khí của ngày hội. Để có thể nêu rõ các thang âm, tác giả đã phải tính khoảng cách giữa 183 chiếc cồng chiêng với nhau, thuộc 25 dàn chiêng của hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên. Từ đó khẳng định nguồn gốc của các thang âm này là hệ bồi âm tự nhiên. Ngoài ra, qua các bảng tóm tắt, tổng kết, tổng hợp, tác giả cũng đã nhận thấy sự khác nhau rõ nét giữa thang âm các dàn chiêng phía Bắc Tây Nguyên với thang âm các dàn chiêng phía Nam Tây Nguyên. Những nhận định này quan trọng ở chỗ có thể giúp ta nghiên cứu sâu hơn về sự dịch chuyển và tiến hóa của nhạc cồng chiêng trong quá khứ.

Phần III dành cho bài bản và nghệ thuật diễn tấu. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng cồng chiêng là “nhạc cụ thiêng” trong tâm thức của đồng bào Tây Nguyên nên nhạc cồng chiêng chỉ được dùng để diễn tấu các “bài bản nghi lễ” nhưng qua thống kê của tác giả, ta lại biết không vì thế mà thiếu những bài có tính chất đời thường. Khi nhà nghiên cứu, tác giả Bùi Trọng Hiền đã sưu tầm được 73 bài cồng chiêng thì trong đó có tới 35 bài (chiếm 48%) gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, tức không liên quan tới nghi lễ. Như vậy, có thể bấy lâu nay các nhà nghiên cứu mới chỉ quan tâm tới các bản nhạc nghi lễ mà chưa chú ý tới những bản nhạc mang tính đời thường.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/am-nhac-cong-chieng-tay-nguyen-94142.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/am-nhac-cong-chieng-tay-nguyen-94142.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO