Ðắk Song huy động nguồn lực xã hội, chăm lo cho giáo dục

Dương Phong| 31/01/2023 15:36

Những năm qua, ngành Giáo dục- Ðào tạo huyện Ðắk Song đã có nhiều hoạt động hướng tới học sinh; trong đó phải kể đến công tác huy động các nguồn lực của xã hội, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy, học.

ADQuảng cáo

Giảm bớt gánh nặng

Tháng 5/2022, tại Trường mầm non Hoa Mai, xã Thuận Hạnh, (Đắk Song), Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã tổ chức bàn giao 5 phòng học và cổng trường, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Nhân dịp này, đơn vị tài trợ đã tặng nhiều phần quà lưu niệm cho trường gồm đồ chơi, đồ dùng, kệ sách…

Cô Trần Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai chia sẻ, trường đóng chân trên địa bàn xã biên giới. Ngoài điểm chính, trường còn có 4 điểm phụ, nhưng chưa có sự đầu tư đồng bộ, nên cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng dạy và học. Việc huy động các khoản đóng góp từ phụ huynh cũng cầm chừng vì đời sống người dân còn khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, địa phương, nâng cao chất lượng dạy và học, trường đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

“Năm học 2022-2023, với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự chung tay của các cá nhân, doanh nghiệp, trường đã có thêm dãy 5 phòng học cùng các đồ dùng, thiết bị mới. Bên cạnh đó, một tổ chức khác đã hỗ trợ trường một bếp ăn bán trú theo đúng tiêu chuẩn. Bếp ăn đưa vào hoạt động, giúp trường bảo đảm công tác dạy và học đồng thời mang đến cho học sinh những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh. Tất cả sự quan tâm, đầu tư này, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay…”, cô Tươi cho hay.

Trường THCS Nguyễn Tất Thành chú trọng xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với học sinh

Nhận được sự ủng hộ của phụ huynh

Cô Cấn Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Đức An (Đắk Song) chia sẻ, trường đề ra nhiệm vụ, không để học sinh nào phải dừng bước đến trường vì hoàn cảnh quá khó khăn và đều được học tập trong môi trường bình đẳng, thân thiện… Để làm được điều này, cùng với việc chủ động tham mưu của Ban giám hiệu, sự quan tâm, ủng hộ tích cực của các cá nhân, tổ chức thì sự đồng thuận, nhất trí cao của các bậc cha mẹ học sinh là rất quan trọng.

Theo cô Thành, trường hiện có hơn 800 học sinh, trong số này có 75 em có hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm học, Ban Giám hiệu trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, lập danh sách học sinh khó khăn. Trên cơ sở đó, trường phân công người phụ trách theo dõi chung, điều tiết sự hỗ trợ, không để bỏ sót học sinh nào.

Trong những năm học gần đây, mỗi năm đều có học sinh không đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, đồ dùng học tập... Sau khi rà soát, nắm bắt nguyện vọng, trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, trao tặng quà, học bổng, góp phần tiếp bước cho học sinh đến trường.

“Năm học 2021-2022, trường đã vận động được khoảng 150 triệu đồng từ phụ huynh dành cho công tác khuyến học, khuyến tài, khen thưởng các học sinh có thành tích học tập tốt; thăm hỏi học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc đầu tư cho các đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học. Sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh giúp học sinh của trường ngày càng năng động hơn, tự tin hơn”, cô Thành thông tin

ADQuảng cáo

Không thể vội vàng

Nhiều nơi, việc huy động xã hội chăm lo cho giáo dục không dễ thực hiện. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, do biến động của thị trường, giá nông sản thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên việc huy động xã hội hóa ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thầy Hoàng Văn Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) nhấn mạnh, xã hội hóa giáo dục thực sự có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Điều may mắn đối với trường đó là công tác xã hội hóa đã lan tỏa và nhận được sự đồng lòng của các cá nhân, phụ huynh. Bởi, các phụ huynh đều muốn cho con em mình được học hành trong điều kiện tốt nhất, nên sẵn sàng chung tay cùng nhà trường xây dựng trường học. Điều quan trọng cách làm phải hợp tình, hợp lý, công khai, minh bạch và đặc biệt không gây áp lực cho phụ huynh. Qua một số công trình đã thực hiện, trường đã tạo được niềm tin đối với phụ huynh, các nhà hảo tâm, từ đó thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của mọi người, mang lại những chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục của trường.

Nhờ huy động xã hội hóa, cơ sở vật chất Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã đầy đủ, khang trang hơn

“Nhà trường không huy động xã hội hóa với một số tiền lớn trong cùng một thời điểm. Thay vào đó, việc gì, hạng mục nào cần đầu tư thì huy động xã hội hóa trước. Ví dụ như, công trình hàng rào, cổng trường học hay sân bê tông, nhà trường đều huy động trong 2 năm học, mỗi năm kêu gọi một ít. Chúng tôi làm theo kiểu cuốn chiếu, làm đến đâu, xong đến đó nên công tác huy động xã hội hóa rất hiệu quả”, thầy Nam cho hay.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện Đắk Song thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, từ đó đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục của huyện Đắk Song đã huy động nguồn lực tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGD&ĐT để thực hiện đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học với số tiền gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Giáo dục huyện Đắk Song còn nhận được 6,8 tỷ đồng tài trợ để xây dựng 13 phòng học và 1 cổng trường.

Theo ông Mai Trần Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk Song, hàng năm đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở thực hiện vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Từ các nguồn đóng góp, ủng hộ, ngành Giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo cơ hội học tập đầy đủ, tốt nhất cho học sinh.

“Giáo dục sẽ không thể phát triển nếu không có sự phối hợp của gia đình và xã hội. Điều đáng ghi nhận, dù ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn Đắk Song  vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Mai Trần Anh nói.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Song huy động nguồn lực xã hội, chăm lo cho giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO