Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - XNK Trân Châu (TP. Hồ Chí Minh) mở chi nhánh tại Đắk Song từ năm 2017. Sau đó, Công ty xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm hồ tiêu tại xã Thuận Hạnh. Dây chuyền chế biến hồ tiêu của nhà máy có công suất 2,5 - 3 tấn/giờ.
Để có nguồn nguyên liệu, Công ty chủ động liên kết với người dân địa phương xây dựng chương trình hồ tiêu bền vững. Hàng trăm hộ dân tham gia liên kết với Công ty để sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận Rainforest Alliance (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững).
Đến nay, Công ty đã liên kết với khoảng 400 hộ dân trên địa bàn Đắk Song để sản xuất hồ tiêu sạch. Vùng nguyên liệu của Công ty hơn 770ha; tổng sản lượng hồ tiêu hàng năm là trên 2.300 tấn.
“Khi xây dựng được vùng nguyên liệu tốt và đạt chứng nhận, chúng tôi dễ dàng xuất khẩu ra thị trường thế giới với giá cao hơn. Toàn bộ sản phẩm hồ tiêu của nông dân trong vùng nguyên liệu đều được chúng tôi bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường”, lãnh đạo Công ty cho hay.
Toàn bộ hồ tiêu của người dân liên kết với Công ty Trân Châu đều được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường (trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy chế biến sản phẩm hồ tiêu của công ty tại xã Thuận Hạnh) |
Cũng theo đuổi sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, Công ty Cổ phần HAPROSIMEX đã liên kết với nhóm nông hộ trồng tiêu tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song).
Hiện tại, liên kết này có quy mô 300ha, sản lượng 1.000 tấn. Trong đó, doanh nghiệp liên kết hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con.
Theo Phòng NN-PTNT Đắk Song, hiện toàn huyện có 6 liên kết phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững. Ngoài 2 liên kết trên, các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Công ty SAM Agritech, OLAM Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Phúc Thịnh, Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã xây dựng các chuỗi liên kết phát triển hồ tiêu bền vững với người dân Đắk Song.
Hiện tại, toàn huyện Ðắk Song có hơn 1.700ha hồ tiêu tham gia liên kết với các doanh nghiệp, sản lượng khoảng trên 4.400 tấn. Toàn bộ sản phẩm hồ tiêu tham gia mô hình liên kết đều được bao tiêu đầu ra.
Các sản phẩm chưa đạt chứng nhận hữu cơ, nhưng nếu tham gia chuỗi liên kết, cũng được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2.000 đồng/kg trở lên. Riêng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 20 - 30%.
Người dân Đắk Song đang chủ động chuyển dịch từ sản xuất hồ tiêu truyền thống sang sản xuất hồ tiêu bền vững, an toàn |
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT Đắk Song đánh giá, hiện giá hồ tiêu không còn cao như trước. Nhưng nhờ định hướng tốt, người dân đã chuyển dịch từ phát triển hồ tiêu theo phong trào, chú trọng năng suất sang sản xuất hồ tiêu bền vững, an toàn, chất lượng.
Nhờ vậy, hồ tiêu Đắk Song ngày càng được nâng cao giá trị, đem lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất hồ tiêu theo hướng truyền thống. Điều này từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đắk Song nói riêng, hồ tiêu Đắk Nông nói chung ngày càng vững mạnh.
Theo UBND huyện Đắk Song, thời gian qua, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu theo hướng bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh việc khuyến khích người trồng hồ tiêu phát triển kinh tế theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, người trồng hồ tiêu có thể liên kết được với các doanh nghiệp lớn để sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập, nâng cao đời sống”, lãnh đạo UBND huyện Đắk Song cho hay.