Nhìn rõ thực tại
Năm 2022, Đắk Nông được xem là năm tổng tiến công về CĐS. Nhờ đó, đến nay, nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn có nhiều chuyển biến rõ nét.
Trong năm, Đắk Nông đã cơ bản hình thành Chính quyền số với việc khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC). Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Hiện nay, 100 các cơ quan nhà nước đã gửi, nhận văn bản điện tử thay thế văn bản giấy.
Lãnh đạo tỉnh nhấn nút khai trương Trung tâm IOC |
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 6,64%. Tuy vậy, kinh tế số của tỉnh vẫn chưa đạt như kỳ vọng do nhiều doanh nghiệp, tổ chức chưa tham gia CĐS và sử dụng các nền tảng số hỗ trợ.
Về xã hội số của Đắk Nông trong năm 2022 đạt được nhiều kết quả đáng kể nhờ vào sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định.
Tỉnh đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G tại 4 điểm trên địa bàn TP. Gia Nghĩa trong tháng 11/2022. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, bon bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ đó giúp huy động và đưa người dân lên môi trường số để trực tiếp thụ hưởng các lợi ích của CĐS.
VNPT Đắk Nông đồng hành với tỉnh trong công cuộc CĐS |
Theo đánh giá chung, trong năm qua, Đắk Nông đã có 14 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của kế hoạch CĐS. Trong đó có 1 chỉ tiêu đạt mục tiêu đến năm 2025, đó là việc hình thành Trung tâm IOC cấp tỉnh.
Tuy nhiên, có 10 chỉ tiêu cần tiếp tục khắc phục và triển khai trong năm 2023. Cụ thể như: tỷ lệ máy tính được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc tập trung; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ cơ quan nhà nước tham gia dữ liệu mở và tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…
Trung tâm IOC Đắk Nông được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2022 |
Mỗi cá nhân là một công dân số
Định hướng xuyên suốt về CĐS của tỉnh Đắk Nông trong năm 2023 là “Chính quyền quyết định, điều hành kịp thời dựa trên dữ liệu số”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười lưu ý, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các ngành, địa phương cần tập trung vào 11 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết 09 về CĐS của tỉnh. Nhất là một số lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn mới, y tế, giáo dục, du lịch, tài chính - ngân hàng… Từ đó giúp Đắk Nông có bước phát triển đột phá toàn diện.
Một trong những nhiệm vụ trước mắt, đó chính là việc phát động toàn dân cài đặt, sử dụng, tương tác với chính quyền trên ứng dụng Đắk Nông – C. Đây là nhiệm vụ có tính lâu dài để hình thành thói quen của người dân sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CĐS của tỉnh.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị, các địa phương cần huy động tối đa lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Từ đó thông báo, rà soát, hướng dẫn và cài đặt ứng dụng Đắk Nông - C cho tất cả người dân có điện thoại thông minh. Các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh điện thoại di động hỗ trợ cài đặt ứng dụng Đắk Nông - C cho người mua.
Cán bộ UBND phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) hướng dẫn người dân cài đặt, quét mã QR code để giải quyết các thủ tục hành chính |
Cần phải xác định mỗi cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng là một công dân số và là một chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền về CÐS. (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười) |
Trên cơ sở đó, trong năm 2023, Đắk Nông sẽ phấn đấu xây dựng Cổng dữ liệu mở (Đắk Nông Data), trước hết theo danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu. Trong đó ưu tiên các cơ sở dữ liệu về dân cư, nông nghiệp, đất đai, giáo dục, y tế, du lịch...
Trong năm 2023, 80% người dân toàn tỉnh được cài đặt và tương tác với chính quyền thông qua ứng dụng dành cho người dân, doanh nghiệp của tỉnh (Đắk Nông - C) và ứng dụng định danh điện tử (VneID) của Bộ Công an. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc trực tiếp một cách dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ...
Ðến cuối năm 2023, 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của Ðắk Nông sẽ có kỹ năng số dành cho lãnh đạo, quản lý; 30% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở; 50% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối chia sẻ qua LGSP. Tỷ trọng Kinh tế số trong GRDP của tỉnh chiếm 7,5%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 60%. Ðắk Nông phấn đấu sẽ xây dựng 2 Trung tâm IOC cấp huyện...
Các cửa hàng kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt |
Theo ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở TTTT, việc quan trọng vẫn là vấn đề thu hút nguồn lực CĐS. Ngoài việc tận dụng, lồng ghép ngân sách Trung ương đối với các nhiệm vụ CĐS, bảo đảm phù hợp theo quy định, tỉnh cần có những chính sách riêng để thu hút và giữ chân người làm công tác này.
Trước hết, địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn để tăng cường, hỗ trợ nguồn nhân lực cho các cấp, ngành. Qua đó nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ, phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong tỉnh.
Việc phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ được Đắk Nông tập trung đẩy mạnh. Tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ “Made in Việt Nam”, kết nối với các nền tảng của quốc gia để thuận lợi trong việc liên thông, đồng bộ dữ liệu từ Trung ương với địa phương.