Ðắk Nông thúc đẩy kinh tế số

Lê Dung| 20/02/2023 12:20

Tỉnh Đắk Nông đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (CĐS). Trước mắt, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS, đưa trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng hiệu quả hoạt động.

ADQuảng cáo

Liên kết ứng dụng chuyển đổi số

Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về mặt hàng cà phê khá lâu trên địa bàn tỉnh, DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) không nằm ngoài xu thế của CĐS.

Doanh nghiệp hiện đang liên kết với khoảng 2.000 nông hộ trong vùng để sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Để quản lý tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào, các phần mềm công nghệ hiện đại được doanh nghiệp ứng dụng.

Ông Trương Công Toàn, chủ doanh nghiệp cho biết, trước đây, toàn bộ thông tin về diện tích, lượng phân bón, thời gian bón phân, chủng loại… của từng nông hộ đều nhập thủ công vào sổ.

DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp) đang sử dụng phần mềm quản lý nông hộ

Bây giờ, có hệ thống phần mềm điện tử, doanh nghiệp chỉ cần nhập 1 lần và lưu lại. Sau 1 năm sẽ có những đánh giá cụ thể về sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Trong năm 2023, Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) chú trọng đưa mặt hàng mít cấp đông, hồ tiêu hướng tới nhiều thị trường các nước.

Theo bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty, những thị trường lớn như Mexico, Brazil… đều có vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ sản xuất hiện đại. Nhờ đó, giá thành, giá bán sản phẩm của họ rất thấp và cạnh tranh mạnh mẽ, trực tiếp đến nông sản Việt Nam.

Công ty sẽ xây dựng một HTX nông nghiệp số. HTX này sẽ liên kết các vùng trồng và CĐS trong nông nghiệp. Từ đó sẽ tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc an toàn, chất lượng cao.

Với HTX này, Công ty sẽ liên kết các hộ dân, các vùng trồng trong cả nước, tạo ra sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Công ty sẽ xây dựng nhật ký vùng trồng điện tử, truy xuất nguồn gốc đến nhà máy sản xuất.

Thành lập HTX số giúp Công ty TNHH Xuất- nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường xuất khẩu
ADQuảng cáo

Tăng doanh thu kinh tế số

Trong năm 2023, Đắk Nông đặt mục tiêu tiếp tục tăng doanh thu về kinh tế số. Đắk Nông phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 7,5%.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn, đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số.

Tỉnh sẽ triển khai thúc đẩy hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với 2.000 sản phẩm, 100% sản phẩm OCOP. Tỷ lệ giao dịch hàng hóa Đắk Nông trên sàn thương mại điện tử tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022.

Ngành chức năng phối hợp với Bưu điện tỉnh thúc đẩy công tác bàn giao cơ sở dữ liệu địa chỉ số và tiến hành thông báo cho các đối tượng mã địa chỉ số trên địa bàn.

Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các nền tảng số

Các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tổ chức thường xuyên.

Toàn tỉnh phấn đấu sẽ có 80% số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số. Tối thiểu sẽ có 50% doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 70% doanh nghiệp có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Tỉnh Ðắk Nông sẽ lựa chọn tối thiểu 20 HTX, 200 hộ kinh doanh sẵn sàng, quyết tâm CÐS; trong đó, ưu tiên các HTX, hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; du lịch về các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông…
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông thúc đẩy kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO