Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 33%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 7-9%. Đô thị Gia Nghĩa sẽ được nâng cấp cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và trở thành đô thị xanh, sạch, văn minh, theo hướng thông minh.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thị xã Đắk Mil sẽ được thành lập trên cơ sở địa giới toàn huyện Đắk Mil hiện tại. Thị trấn Đức An (Đắk Song) và thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) được xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Trước năm 2025, tỉnh sẽ thành lập thị trấn Quảng Khê (Đắk Glong) và thị trấn Đắk Búk So (Tuy Đức). Các đô thị mới là đô thị loại V sẽ được hình thành như: Đắk R’la (Đắk Mil), Đạo Nghĩa, Đắk Ru (Đắk R’lấp), Quảng Sơn (Đắk Glong)...
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị của tỉnh đạt khoảng 10-14%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 4-6m2. Diện tích sân nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2.
Đô thị Gia Nghĩa sẽ được nâng cấp, cơ bản đạt loại II vào 2025 |
Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 90% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, trên 30% phủ sóng 5G và từng bước phổ cập điện thoại thông minh; trên 50% người dân có nhu cầu, đủ điều kiện có tài khoản thanh toán điện tử…
Để đạt các mục tiêu trên, Chương trình thực hiện NQ số 06 do Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành đã đề ra 6 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, Đắk Nông sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, địa phương sẽ bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung. Đến năm 2025 hoàn thành việc thành lập thị xã Đắk Mil. Đến năm 2030 hoàn thiện việc thành lập thị xã Cư Jút và thị xã Đắk R’lấp; TP. Gia Nghĩa đạt đô thị loại II.
Chương trình nhấn mạnh đến nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Đây được xem là nền tảng để định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới.
Trước năm 2025 sẽ thành lập thị trấn Quảng Khê (Đắk Glong) |
Theo đó, các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị phải bảo đảm đồng bộ từ việc lập, thẩm định, phê duyệt; đồng thời, cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị…
Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh tới nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì sẽ gây lãng phí về nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá.
Công tác quy hoạch tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng.
“Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì sẽ có một đô thị trật tự, phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.