Ðắk Nông phát triển cà phê bền vững

Lê Phước| 16/02/2023 16:10

Thời gian qua, Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành hàng cà phê theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông, với khoảng 140.000 ha, chiếm gần 23% diện tích nông nghiệp và gần 60% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của toàn tỉnh.

Trong đó, những địa bàn có diện tích cà phê lớn là Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong…

Năng suất cà phê của Đắk Nông đạt bình quân khoảng 2,8 tấn/ha. Tổng sản lượng ước đạt trên 356.000 tấn. Diện tích và sản lượng cà phê của Đắk Nông chiếm trên 18% và đứng thứ 3 cả nước (sau Đắk Lắk và Lâm Đồng).

Đắk Mil có nhiều diện tích cà phê và đã hình thành lên các vùng nguyên liệu

Mặc dù diện tích, sản lượng lớn, nhưng việc sản xuất cà phê tại Đắk Nông chưa thực sự bền vững. Đắk Nông hiện vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, những năm gần đây, Đắk Nông đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cà phê. Nông dân đã chủ động liên kết với doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê.

Đắk Nông đã công nhận 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An (Đắk Mil). Diện tích được công nhận khoảng trên 335ha.

Hiện nay, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Ðắk Nông đạt gần 23.000 ha, sản lượng ước khoảng 76.000 tấn/năm.
Trong đó, diện tích cà phê đạt chứng nhận VietGAP 220 ha, đạt chứng nhận hữu cơ 90 ha, đạt chứng nhận các tiêu chuẩn khác (4C, UTZ...) hơn 22.500 ha.
Enjoy coffee là 1 trong những nhãn hiệu cà phê có tiếng của Đắk Nông

Tại Đắk Nông, 17 sản phẩm cà phê của 14 chủ thể đã được chứng nhận OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao.

ADQuảng cáo

Có 5 cơ sở chế biến cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo quy trình HACCP, ISO22000 (các tiêu chuẩn quốc tế)…

Đến nay, Đắk Nông có 15 nhãn hiệu mặt hàng cà phê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong số này, có 1 nhãn hiệu tập thể (Cà phê Đắk Mil) và 14 nhãn hiệu thông thường. Nổi bật như: Enjoy coffee, Dano, Đắk Đam, Godere…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, muốn sản xuất ngành hàng cà phê bền vững thì phải giảm phát thải trong nông nghiệp.

Muốn làm được điều này, phải hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đắk Nông phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất chứng nhận, đặc biệt là các chứng nhận quốc tế như: GAP, GlobalGAP, Ogarnic…

Ngành cà phê Đắk Nông đang từng bước nâng cao giá trị và phát triển theo hướng bền vững

Thời gian qua, việc phát triển ngành hàng cà phê bền vững đang được Đắk Nông quan tâm tổ chức thực hiện. Đắk Nông đã ban hành Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo định hướng đến năm 2035, tỉnh sẽ phát triển được 17 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 15.600 ha.

Tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch phát triển cà phê theo hướng bền vững. Có thể kể đến như: Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2035; Kế hoạch phát triển cà phê đặc sản đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến năm 2025…

“Trách nhiệm của ngành cà phê là giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sự phát triển vượt bậc về giá trị sản xuất trong thời gian dài. Mặt khác, ngành cà phê phải từng bước phát triển theo hướng giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông phát triển cà phê bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO