Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển tương đối toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu. Với nhiều kết quả bứt phá, ngành Nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là 1 trong 3 trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo Sở NN – PTNT, thời gian qua, tăng trưởng khu vực nông nghiệp luôn giữ mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng trên 37%. Các đề án, dự án, chương trình, chính sách định hướng phát triển của tỉnh phát huy hiệu quả.
Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu có tác động tích cực. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất đạt trên 76 triệu đồng.
Đến nay, tỉnh đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, thế mạnh, với năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đó là nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc tập trung thúc đẩy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), với các chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh. UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, với diện tích 2.423 ha.
Sầu riêng trở thành cây thế mạnh của nông dân trong tỉnh |
Đắk Nông có trên 26.000 ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận chất lượng; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình sản xuất tốt dưới các hình thức hợp tác đạt trên 12%.
Đến nay, Đắk Nông đã có 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã công nhận 47 sản phẩm OCOP. Hiện thị trường xuất khẩu nông sản của Đắk Nông được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Các cấp, ngành, địa phương tích cực xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Sơ chế cà phê theo phương pháp Honey nông hộ tại Đắk Mil |
Mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Đắk Nông tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được tỉnh sản xuất, ứng dụng CNC dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên.
Giá trị nông sản ứng dụng CNC đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp. Tỉnh sẽ đẩy mạnh các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.
Cùng với phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực kinh tế rừng, với các chương trình trồng rừng phân tán, trồng cây đa mục đích, dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái…
Canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Trường Xuân (Đắk Song) |
Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng CNC, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Toàn tỉnh hình thành, phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có. Đến 2030, giá trị nông sản ứng dụng CNC của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng.
Đắk Nông xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô và công suất lớn. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, hình thành kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ được địa phương đẩy mạnh.
Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu trở thành 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của cả nước. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại vào các loại cây trồng, vật nuôi chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp. |